Lạc hậu nhưng chờ 2 năm nữa mới sửa?
Cụ thể, tại phiên thảo luận ngày 29.5 vừa qua, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đã "quá lạc hậu". Mức GTGC đối với người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng thực sự không còn phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn. Nếu phải chờ thêm 2 năm nữa (năm 2026) mới thông qua việc sửa đổi quy định, sẽ có rất nhiều người dân dù phải thắt lưng buộc bụng nhưng vẫn thuộc diện phải nộp thuế TNCN. Do đó, bà Thủy kiến nghị Chính phủ sớm trình QH sửa luật thuế TNCN vào tháng 10 năm nay để thông qua tại kỳ họp tháng 5.2025.
Thế nhưng cũng như nhiều lần trước, trả lời các đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định đang thực hiện đúng luật. Hiện Bộ Tài chính chưa trình điều chỉnh mức GTGC do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng/người/tháng. Như vậy, mức GTGC để nộp thuế là 11 triệu đồng cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần, trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần.
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chưa đạt trên 20% để thực hiện điều chỉnh mức GTGC theo quy định. Thường vụ QH đã đưa việc điều chỉnh thuế TNCN vào chương trình xây dựng pháp luật. Theo đó, sẽ sửa luật Thuế TNCN vào tháng 10.2025 và có thể thông qua vào kỳ họp tháng 5.2026. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói nếu Thường vụ QH quyết định xây dựng luật vào cuối năm nay và áp dụng từ năm 2025 thì "chúng tôi sẽ chấp hành".
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, nhận xét: Quy định của luật Thuế TNCN khi lạm phát tăng trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC nhưng quy định của luật phải phản ánh hơi thở của cuộc sống, phù hợp với tình hình thực tế. Việc căn cứ vào CPI trên 20% mới điều chỉnh mức GTGC hiện nay là không phù hợp. Khi tính CPI có đến 725 loại hàng hóa, dịch vụ, trong khi người dân chịu tác động chính của những mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, giáo dục… Những loại hàng hóa này có mức tăng gần như gấp đôi so với mức tăng của CPI tùy theo từng năm.
Ngoài ra, nếu so sánh mức GTGC cao hơn thu nhập bình quân của VN 2,2 lần, trong khi các nước dưới 1 lần là khập khiễng. Bởi mức thu nhập của người dân các nước cao, đủ sống nên mức GTGC chỉ bằng 1 lần thu nhập bình quân là được. Thêm vào đó, nước ngoài cho phép cá nhân người nộp thuế được trừ đi một số khoản chi phí trước khi xác định thu nhập chịu thuế, còn VN thì không được nên áp lực lên mức GTGC nhiều hơn.
Thực tế, mức GTGC hiện nay đã được duy trì từ năm 2020, trong khi vừa qua giá rất nhiều mặt hàng, dịch vụ thiết yếu tăng nhanh hơn thu nhập. Đơn cử CPI năm 2023 tăng 3,25% so với năm 2022 nhưng các nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu gần như tăng gấp đôi. Chẳng hạn nhóm giáo dục tăng 7,44% so với năm trước đó do một số địa phương tăng học phí năm học 2023 - 2024; Chỉ số giá nhóm lương thực tăng 6,85%, trong đó, giá gạo tăng 6,77% theo giá gạo xuất khẩu, nhóm thực phẩm tăng 2,33%... Theo Tổng cục Thống kê, so với năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, còn giá xăng thì tăng tới 105%…
Chi 4,4 triệu đồng để nuôi một đứa con ở TP.HCM hay Hà Nội có đủ không?
Quy định hiện tại trong luật về mức GTGC cho người phụ thuộc hiện không đúng với thực tế. Đơn cử, theo quy định, người nộp thuế TNCN sẽ được khấu trừ cho người phụ thuộc ở mức 4,4 triệu đồng/người/tháng. Nghĩa là mọi chi tiêu hằng ngày của người phụ thuộc được gói gọn trong con số này.
Hãy nghe một bà mẹ, chị Ngọc An (Q.3, TP.HCM) liệt kê chi tiêu trong hộ nhà mình để thấy rõ sự bất cập. Gia đình chị có một con nhỏ học lớp 3 ở trường công lập gần nhà. Do học lớp tích hợp nên một tháng phải đóng tiền học Anh văn 3,6 triệu đồng cùng tiền bán trú và một số chi phí liên quan tổng cộng từ 4,8 - 4,9 triệu đồng. Cộng thêm tiền sữa hằng tháng, tiền ăn uống, quần áo… tổng cộng sẽ từ 8 - 9 triệu đồng trở lên. Số tiền này vẫn chưa bao gồm những khoản chi khác như lúc ốm đau, học thêm một số môn năng khiếu...
"Như vậy một đứa con ở bậc tiểu học dù đã được nhà nước miễn học phí nhưng mức cố định 4,4 triệu đồng/tháng là không bao giờ đủ. Trừ trường hợp chỉ cho bé đi học trường công mà không học thêm kỹ năng gì, tiết kiệm hết mức thì có thể ước tính sẽ chi khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng. Nhưng đây là đối tượng thu nhập thấp không phải đóng thuế TNCN. Còn mình mang tiếng đi làm có thu nhập trung bình khá, vượt mức đóng thuế TNCN không lẽ phải thắt lưng buộc bụng mà không đầu tư cho con phát triển. Thật vô lý", chị Ngọc An nói.
Theo ước tính của nhiều gia đình ở TP.HCM, một sinh viên đang học đại học cũng sẽ không thể nào chi dưới 10 triệu đồng/tháng khi tính học phí, đi lại, ăn mặc. Như vậy quy định người phụ thuộc chỉ được khấu trừ 4,4 triệu đồng/tháng là quá vô lý trong tình hình hiện nay.
Tương tự, quy định người có thu nhập từ 1 triệu đồng/tháng trở lên không được tính là người phụ thuộc được đề cập từ thời điểm mức GTGC cho người nộp thuế ở mức 4 triệu đồng/tháng, tương ứng 25%. Thế nhưng mức GTGC hiện nay được điều chỉnh tăng lên 11 triệu đồng/tháng mà quy định này vẫn duy trì ở mức 1 triệu đồng/tháng. Nhìn rộng ra, mức thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng cũng chỉ bằng khoảng 30% mức lương tối thiểu vùng thấp nhất mà Chính phủ quy định. Điều này có nghĩa với nhiều người dù thu nhập không đủ sống nhưng cũng không được tính là người phụ thuộc
Hay quy định thu nhập vãng lai 2 triệu đồng bị khấu trừ thuế 10% được áp dụng từ năm 2013 cũng quá lạc hậu. Đến năm 2017, Bộ Tài chính có đề xuất tăng lên 5 triệu đồng thế nhưng đã 7 năm trôi qua vẫn không được điều chỉnh dẫn đến tình trạng nhiều người bị khấu trừ thuế dù tổng hợp cả năm thu nhập chưa đến ngưỡng nộp thuế.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM) nhận định: Thuế TNCN tính trên chi phí của người lao động nên chỉ liên quan đến một số mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, trong khi đó CPI tính tất cả các loại hàng hóa nên chờ tăng 20% sẽ mất rất nhiều năm. Còn nếu cho rằng mức GTGC hiện nay đã cao khi dựa trên thu nhập bình quân thì cũng chưa chính xác lắm. Ở nước ngoài, trước khi xác định thu nhập chịu thuế thì người nộp thuế được khấu trừ một số loại chi phí tối thiểu. Nguyên tắc thuế thu nhập là phải được trừ đi chi phí tối thiểu trước khi tính thuế, giống như thuế thu nhập doanh nghiệp. Hơn nữa, thu nhập người nộp thuế tăng lên theo mức lương tối thiểu những năm qua nhưng mức GTGC thì giậm chân tại chỗ. Điều này dẫn đến tình trạng thu nhập tăng thêm thì nhiều cá nhân cũng phải đóng thuế nhiều hơn.
Không nên chần chờ sửa quy định vô lý
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, nhấn mạnh: một trong những bất cập được nêu nhiều nhất tại các phiên thảo luận của QH thời gian qua là mức GTGC. Năm 2009, mức này là 4 triệu đồng/tháng; đến năm 2013 nâng lên 9 triệu đồng/tháng; và phải chờ 7 năm sau mới được điều chỉnh lên mức 11 triệu đồng. Trong khoảng thời gian dài giữa những lần điều chỉnh, nền kinh tế đã trải qua những đợt lạm phát cao, có những năm lên 2 con số.
Với mức sống của hàng triệu người dân thành thị hiện nay thì mức giảm trừ trên không đủ trang trải cho sinh hoạt hằng ngày. Luật quy định khi mức lạm phát tăng đủ 20% mới điều chỉnh mức GTGC, song một số hàng hóa cơ bản trong khoảng thời gian 2013 - 2020 đã tăng gấp 2 - 3 lần chứ không phải tăng 20%. Hơn nữa, với quy định trên, giả sử lạm phát cứ ở mức 15 - 17% và kéo dài tới hàng chục năm, vậy thì mức giảm trừ cũng phải chờ tới hàng chục năm để điều chỉnh.
"VN là nước có thu nhập trung bình thấp nên phần lớn chi tiêu của người dân là dành cho hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Một người có thu nhập 10 triệu đồng, có thể đã phải chi đến 80% cho nhu cầu thiết yếu. Tại những nước mà người dân có thu nhập cao, chẳng hạn thu nhập của người dân 100 triệu đồng thì chi tiêu cho hàng hóa thiết yếu chỉ chiếm 20 - 30%. Nhưng biểu thuế TNCN ở VN thì các mức thuế suất cao bằng những nước có thu nhập cao, thậm chí còn cao hơn. Thêm một vấn đề cũng rất bất cập là mức thuế dành cho người nước ngoài ở VN là 20% nhưng với người Việt có thu nhập cao thì phải chịu thuế lên tới 35%", ông Anh phân tích.
Chưa kể nhiều nước, mặc dù thu nhập cao nhưng họ vẫn áp dụng khấu trừ thuế cho nhiều loại chi tiêu như chi phí y tế của người mắc bệnh hiểm nghèo. Vì nếu người dân mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí chữa bệnh còn âm cả vào thu nhập, phải lấy nguồn tiết kiệm, tích trữ để trang trải mà vẫn phải chịu thuế TNCN thì chưa thỏa đáng. Tương tự là chi phí giáo dục phổ thông cho người phụ thuộc cũng không được khấu trừ...
"Thuế TNCN ở VN hiện nay còn nhiều bất cập và mức thuế là quá cao khi so sánh, tính đến thông lệ quốc tế mà các nước khác đang thực hiện. Thuế TNCN quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của đại bộ phận người dân khi thu nhập bình quân ngày càng tăng lên. Việc đánh thuế TNCN phải tính đến những chi phí sinh hoạt mà các hộ gia đình đang phải chi trả, từ đó thiết kế một biểu thuế phù hợp hơn, sát thực tế hơn. Nhiều nước điều chỉnh các ngưỡng chịu thuế TNCN hằng năm theo tỷ lệ lạm phát. Chính sách này gắn liền với đời sống của người dân và không nên thoái thác việc sửa đổi hay phải chờ đợi nhiều năm nữa. Khi đã nhìn thấy điều vô lý thì cần phải sửa ngay, càng sớm càng tốt", PGS-TS Phạm Thế Anh nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng nếu chờ sửa luật thuế TNCN thì mất đến mấy năm, do đó có một cách nhanh nhất giải quyết cho những tồn tại hiện nay là giảm thuế TNCN 50% cho 6 tháng cuối năm 2024. Điều này không những hỗ trợ người nộp thuế mà còn góp phần kích cầu tiêu dùng trong nước. Còn về lâu dài, ông Nghĩa cũng cho rằng khi sửa mức GTGC cần dựa theo lương tối thiểu thay vì chỉ dựa vào chỉ số CPI. Bởi mức lương tối thiểu là phù hợp khi xác định mức GTGC vì khi ban hành có tính pháp lý, dựa trên sự đồng tình của người lao động, người sử dụng lao động, được cập nhật theo tình hình thực tế cũng như thể hiện sự công bằng bởi lương được tính theo từng khu vực. Mức GTGC có thể bằng 4 lần lương tối thiểu. Ví dụ, TP.HCM có mức lương tối thiểu vùng là 4,68 triệu đồng, mức GTGC sẽ khoảng 19 triệu đồng, thay vì mức 11 triệu đồng/tháng như hiện nay. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc bằng 40% mức GTGC của người nộp thuế tính ra gần 8 triệu đồng/người/tháng.
Cần sửa quy định GTGC
Lý tưởng nhất là phải chỉ số hóa được theo tỷ lệ lạm phát hằng năm, ví dụ lạm phát tăng 5% thì tương ứng mức GTGC cũng tự động tăng 5%. Nếu không làm được như vậy thì khoảng thời gian điều chỉnh GTGC cần phải được rút ngắn so với cách làm hiện nay, tối đa khoảng 2 - 3 năm/lần chứ không phải chờ đến 9 - 10 năm cho đến khi lạm phát tăng đủ 20%. Việc tăng mức GTGC, rút ngắn thời gian điều chỉnh, thiết kế lại biểu thuế cho phù hợp chưa chắc đã làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước. Khi đó, nguồn thu từ TNCN có thể không những không giảm mà còn tăng nhờ gia tăng động lực làm việc, khuyến khích đầu tư vào vốn con người, nâng cao tính tuân thủ pháp luật thuế TNCN của người dân.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân
Không thể dựa vào chỉ số CPI để quy định mức GTGC
Cần bỏ quy định dựa trên chỉ số CPI để điều chỉnh mức GTGC nhằm tránh quy định vừa ban hành đã lạc hậu. Thay vào đó, có thể căn cứ trên lương tối thiểu cho phù hợp mà cũng đơn giản khi thực hiện. Mức lương tối thiểu được điều chỉnh hằng năm, được chia ra 4 vùng có mức lương tương ứng. Khi lương tối thiểu tăng lên thì mức GTGC cũng tự động tăng lên, "nước lên, thuyền lên" mà không cần phải chờ sửa đổi luật. Mức GTGC vào khoảng 5 lần lương tối thiểu, tương ứng mức GTGC từ 16 - 23 triệu đồng/tháng tùy theo khu vực.
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang
Bình luận (0)