Thuế 'với' tới người bán trà đá?

28/05/2018 05:06 GMT+7

Chỉ trong vòng 1 năm trở lại đây, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng nhiều loại thuế. Nhưng đặt vấn đề đánh thuế những người bán trà đá, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã khiến nỗi lo thuế - phí đè nặng lên toàn xã hội.

Cụ thể theo vị này, "người bán trà đá ở VN có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, từ 5.000 - 7.000% nhưng lại không góp đồng nào cho ngân sách". Không biết Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội tính toán thế nào ra mức lợi nhuận khủng đến như vậy, chứ thực tế những người bán trà đá vỉa hè cũng chịu đủ thứ thuế - phí không tên. Nhưng thôi, cứ cho là họ đạt mức lợi nhuận khổng lồ đó đi chăng nữa thì hãy đặt câu hỏi ngược lại, tại sao không có người bán trà đá nào ở VN trở thành người giàu, đại gia mà đa số họ cả đời vẫn lam lũ? Câu trả lời là bởi vì doanh thu của họ thấp, mỗi ngày chỉ vài trăm ngàn đồng nên tiền lời cũng hết sức khiêm tốn, cũng bó hẹp trong vài chục đến trăm ngàn đồng mà thôi. Số tiền đó còn chia cho vài người trong gia đình nên đa phần vẫn phải giật gấu vá vai. Còn các doanh nghiệp, dù tỷ suất lợi nhuận đạt được thấp hơn nhưng doanh thu lớn thì con số tuyệt đối thu về vẫn lớn hơn. Không biết vị Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội có biết gia cảnh thực sự của những người bán trà đá hay không mà còn muốn đánh thuế họ?
Chưa đầy 1 năm qua, Bộ Tài chính đã đề xuất mới cũng như tăng khá nhiều loại thuế, nào là tăng thuế giá trị gia tăng, tăng thuế tiêu thụ với nước ngọt, đánh thuế tài sản, điều chỉnh tăng thuế thu nhập cá nhân; tăng kịch khung thuế môi trường với xăng dầu... Không quá lời khi nói, thuế đang tận thu ở khắp mọi nơi. Và "phát hiện" mới nhất về "tỷ suất lợi nhuận" của người bán trà đá của Phó chủ nhiệm UBĐN Quốc hội và cho rằng ngân sách đang thất thu từ nguồn này thì đúng là bó tay.
Nếu tính theo cách của đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, bán trà đá chưa phải là ngành có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thế giới. Bởi bán trà đá còn phải có vốn để mua nguyên liệu như trà, nhân trần, bàn ghế, ấm chén... Còn có những nghề không cần đầu tư hoặc đầu tư một lần dùng cả thập niên như nghề bơm vá xe vỉa hè, nhặt rác, ăn xin... Liệu có cần đánh thuế những ngành này?
Ngân sách khó khăn, căng thẳng thì việc đầu tiên là cân đối thu chi, siết chặt kỷ cương ngân sách rồi mới đến tìm nguồn thu. Nguồn thu thực chất cũng không thiếu, rất nhiều lỗ hổng gây thất thoát thuế đã "chỉ mặt đặt tên", ngành thuế đã bít được chưa? Chỉ cần làm tốt những điều này, chắc chắn áp lực ngân sách sẽ giảm hẳn.
Với nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng giá, hơn bao giờ hết thuế lúc này cần khoan sức dân, khoan sức doanh nghiệp chứ không nên có những "phát hiện" gây bức xúc dư luận kiểu này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.