|
Nổi tiếng về nghề đan thúng chai chất lượng nhất ở Phú Yên là làng nghề Phú Mỹ, xã An Dân, H.Tuy An. Lâu nay, thúng chai chỉ phục vụ ngư dân hành nghề câu và là phương tiện đi từ bờ ra chỗ thuyền neo đậu. Hiện làng nghề này có khoảng 40 hộ chuyên sản xuất thúng chai. Chị Nguyễn Thị Thu (36 tuổi) ở làng nghề, cho biết: “Nghề đan thúng chai chủ yếu làm thủ công, nguyên liệu là từ tre. Phụ nữ tham gia ở công đoạn vót nan, đan thúng, còn đàn ông là những người đảm nhận công việc lận vành. Đây là công đoạn khó nhất, đòi hỏi kỹ thuật khá cao.
|
Để có thúng chai đẹp và bền, người làng nghề này phải chọn những cây tre già để làm nan, dùng phân bò trét bên ngoài rồi quét dầu rái để bảo vệ nan tre và chống thấm nước. “Trét phân bò là công đoạn làm cho các khe hở giữa các nan bít kín lại. Dầu rái quét bên ngoài là để chống thấm. Đây là công đoạn quan trọng quyết định sự thành bại của thúng chai khi xuất bán. Nếu làm không kỹ, thúng chai rất dễ bị thấm nước và sẽ rất mau hỏng”, anh Nguyễn Hữu Phụng (thôn Phú Mỹ) cho biết.
Giá thúng chai tương đối mềm, tùy thuộc vào kích thước. Anh Phụng cho hay: “Thúng càng lớn thì giá càng cao, từ 2-4 triệu đồng/thúng tùy kích cỡ. Trong đợt lũ lụt năm 2011 ở Thái Lan, làng nghề này đã xuất 125 cái thúng để giúp dân Thái chống lụt”.
Sau khi thúng chai Phú Mỹ du nhập vào Thái Lan, người dân ở làng nghề này tiếp tục đón nhận thêm tin vui nữa là thúng chai được thị trường châu u tiếp nhận, nhưng lần này, không phải làm phương tiện cứu hộ mà phục vụ du lịch. Một công ty du lịch của Thụy Sĩ đã đặt hàng 200 thúng chai. Bà Trương Thị Bích Kiều, chủ cơ sở sản xuất thúng chai đã nhận được đơn hàng xuất khẩu của công ty du lịch Thụy Sĩ, cho biết: “Thúng chai ở Phú Yên giá rẻ, đẹp và bền nên được các đối tác tin cậy ngay khi xuất ngoại lần đầu tiên sang Thái Lan. Chính vì vậy, một công ty du lịch của Thụy Sĩ chủ động liên hệ đặt hàng để trưng bày, giới thiệu, đồng thời phục vụ du lịch và đánh bắt thủy sản của nước này”.
Đức Huy
Bình luận (0)