Thước đo hồi phục

07/11/2021 09:30 GMT+7

Tờ Nikkei Asia (Nhật Bản) vừa công bố kết quả đánh giá Chỉ số phục hồi sau covid-19-tin-tuc-so-lieu-phan-tich-1265104.html" target="_blank">Covid-19 (Nikkei Covid-19 Recovery Index - NCRI) tháng 10 (cập nhật ngày 31.10).

Theo đó, Việt Nam xếp vị trí 95/121 quốc gia và vùng lãnh thổ, xếp trên một số nước Đông Nam Á, bao gồm cả Singapore.

So với vị trí 118/121 trong bảng xếp hạng tháng 9, Việt Nam đã có bước tiến đáng kể. Đây cũng là bước tiến lớn khi Việt Nam từng đứng cuối bảng 121/121 trong kết quả đánh giá tháng 8.

NCRI được đánh giá dựa trên tổng hợp 3 yếu tố: năng lực kiểm soát số ca nhiễm, tỷ lệ tiêm vắc xin và tính lưu động, linh hoạt của xã hội (giảm bớt các biện pháp thắt chặt). Tờ Nikkei Asia thuộc Hãng tin Nikkei (Nhật), đơn vị sở hữu tờ The Financial Times nổi tiếng, là một cơ quan truyền thông uy tín trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế tài chính. Với vị thế đó, dù muốn hay không, NCRI cũng sẽ là một trong những kênh tham khảo mang tính định lượng để cộng đồng quốc tế, nhất là các doanh nghiệp, nhà đầu tư… đánh giá triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19 đối với các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, thời gian qua, Việt Nam cũng đã thay đổi chiến lược phòng chống dịch Covid-19, không còn theo đuổi mục tiêu “Zero Covid-19”. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 128 về quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đây là một bước đi đúng đắn. Nhưng thực tế, dường như áp lực kiểm soát dịch và tư duy “Zero Covid-19” đâu đó vẫn còn ẩn hiện trong nhiều lãnh đạo địa phương, nên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp, người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đi lại…

Đối chiếu với các yếu tố như Nikkei Asia thực hiện bảng xếp hạng NCRI, đối với các địa phương trên cả nước, có lẽ đến lúc chúng ta cần có thước đo không chỉ với yếu tố kiểm soát số ca nhiễm, tỷ lệ phủ vắc xin, mà cần bổ sung thêm yếu tố về phục hồi kinh tế, độ linh hoạt xã hội. Có như thế, các địa phương sẽ có thêm thước đo, mục tiêu để vừa phòng chống dịch, vừa tái hồi phục kinh tế. Đó chính là cách để thích nghi an toàn với đại dịch, trạng thái “bình thường mới” lâu dài, bền vững.

Tất nhiên, để đạt mục tiêu vừa nêu không hề đơn giản, nhất là khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chủng Delta của SARS-CoV-2 cùng các biến thể phụ đang khiến nhiều nước phải đối mặt không ít khó khăn do các đợt bùng phát dịch mới. Hậu quả là, nhiều nước đã rớt hạng nghiêm trọng trong bảng đánh giá NCRI. Điển hình, Singapore từ hạng 14/121 hồi tháng 8 đã thụt lùi đến vị trí 70/121 vào tháng 9 và ở bảng xếp hạng tháng 10 là 100/121. Chính Việt Nam hồi đầu năm 2021 cũng được Nikkei Asia đánh giá rất cao, nhờ kết quả chống dịch hiệu quả trong năm trước, nhưng chỉ hơn nửa năm sau, chúng ta đã rơi xuống vị trí rất thấp và đến nay vẫn còn phải “lội ngược dòng” giữa nhiều thách thức. Chuyện của Singapore hiện nay cũng chính là bài học mà Việt Nam từng trải qua.

Qua đó, song hành cùng các thước đo trên, Việt Nam cũng cần có một chương trình hành động ứng phó hiệu quả với các đợt bùng phát dịch bằng những kịch bản, kế hoạch chi tiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.