Thuốc lá làm nóng không phải là thuốc lá điện tử
Đến nay, nhiều người vẫn còn lầm tưởng thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử (TLĐT) là một, do cả hai đều sử dụng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu thuốc lá hoặc dung dịch nicotin hóa lỏng, mà không cần phải đốt cháy như thuốc lá điếu. Trên thực tế, thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử lại hoàn toàn khác nhau về cấu tạo sản phẩm, cơ chế hoạt động và nguyên liệu sử dụng. Theo đó, thuốc lá làm nóng chỉ làm nóng sản phẩm thuốc lá đặc chế có chứa nguyên liệu thuốc lá bằng thiết bị điện để tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotin. Hàm lượng nicotin có trong sản phẩm thuốc lá làm nóng đã được cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) thẩm định và phê duyệt là tương đương với thuốc lá điếu. Trong khi đó, TLĐT không có chứa nguyên liệu thuốc lá, mà chỉ cung cấp nicotin bằng cách hóa hơi dung dịch có chứa hoặc không chứa nicotin.
Luật áp dụng cho thuốc lá làm nóng cũng hoàn toàn khác biệt so với TLĐT. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công nhận thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá và khuyến nghị các nước quản lý sản phẩm này theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng phân loại thuốc lá làm nóng theo mã HS.2403.99 là “Sản phẩm thuốc lá khác”. Về mặt thị trường, đến nay đã có ít nhất 63 quốc gia cho phép kinh doanh thuốc lá làm nóng nhằm mục đích bổ sung vào chiến lược toàn diện trong phòng chống tác hại của thuốc lá.
Lý giải cho chiến lược bổ trợ này, chính phủ các nước đều có điểm chung đó là công nhận khoa học giảm thiểu tác hại của sản phẩm. Đến nay thuốc lá làm nóng đã nhận được sự thẩm định và đồng thuận từ những quốc gia sở hữu nền khoa học tiến bộ như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Nga,...
Chính sách được xây dựng dựa trên khoa học
Tại Nhật Bản, nghiên cứu của Hirano và các cộng sự thuộc Cục Dịch vụ Y tế, Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi đã so sánh hàm lượng nicotin và các hạt chất rắn (PM2.5) trong không khí sau 50 lần thực hiện động tác hít (rít) khi dùng thuốc lá làm nóng hoặc thuốc lá điếu trong phòng tắm nhỏ. Theo đó Bộ Y tế Nhật kết luận rằng, “kết quả nghiên cứu không phủ nhận việc đưa thuốc lá làm nóng vào quy định đối với việc sử dụng trong nhà là có thể chấp nhận được, do sự phơi nhiễm (của cơ thể) với khí hơi (aerosol) của thuốc lá làm nóng không giống như khói của thuốc lá điếu đốt cháy”.
Trong hai năm 2019 và 2020, FDA Hoa Kỳ đã liên tục chấp thuận cho một sản phẩm thuốc lá làm nóng được phép kinh doanh cùng với chỉ định MRTP - “Giảm thiểu phơi nhiễm” của cơ thể với các chất độc hại so với thuốc lá điếu.
Viện Đánh giá Rủi ro Liên bang Đức (BfR) cũng công bố nghiên cứu phân tích khí hơi (aerosol) của sản phẩm thuốc lá làm nóng, xác nhận rằng: “Sự giảm thiểu hàm lượng các chất độc hại (của sản phẩm) khoảng 80 - 99% là rất đáng kể, dẫn đến tiềm năng để nhìn nhận về sự giảm thiểu nguy cơ”.
Không khuyến cáo sử dụng để cai thuốc
Mặc dù thuốc lá làm nóng được sử dụng như là một giải pháp giảm thiểu tác hại cũng như góp phần vào việc kiểm soát tiêu thụ thuốc lá điếu, các chuyên gia cũng cảnh báo không dùng các sản phẩm này để cai thuốc. Đồng thời, một số quốc gia cho phép thương mại hóa những sản phẩm này cũng yêu cầu nhà sản xuất phối hợp cùng chính phủ thực hiện những biện pháp ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ và những người đã cai thuốc. Tại Mỹ, dù FDA cho phép một sản phẩm thuốc lá làm nóng được thương mại hóa nhưng cơ quan này cũng yêu cầu công ty phải thường xuyên báo cáo các hoạt động thương mại để đảm bảo tuần thủ theo như những gì mà FDA đã chỉ định.
Tại Việt Nam, chưa có công ty nào được phép kinh doanh, sản xuất, nhập khẩu thuốc lá làm nóng, TLĐT. Tuy nhiên, hằng hà sa số sản phẩm lậu đã tràn lan trên mạng xã hội và bày bán công khai tại các tuyến đường trung tâm cả nước. Các sản phẩm này đang bị thổi phồng là vô hại hoặc là công cụ cai thuốc lá và gần như tự do tiếp cận đến mọi đối tượng khách hàng. Vì vậy, nếu không sớm có chính sách quản lý dựa vào khoa học và khung pháp lý sẵn có dành cho các sản phẩm thuốc lá hợp lệ, thị trường sẽ lại tiếp tục bị chi phối bởi nạn buôn lậu như những gì đang diễn ra.
Bình luận (0)