Hai nhóm cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm
Ngày 31.5, mở đầu phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về KT-XH năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu (ĐB) Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) bày tỏ đồng tình với nhận định một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa quyết liệt, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai... đang gây ách tắc, làm cản trở sự phát triển kinh tế của đất nước. Song ĐB này đặt vấn đề: tại sao hiện tượng sợ trách nhiệm tới nay mới xuất hiện và lại lan rộng từ T.Ư tới địa phương, thậm chí từ khu vực công sang khu vực tư?
Nhấn mạnh phải tìm được nguyên phát của căn bệnh sợ trách nhiệm mới có thể có thuốc đặc trị, ông Tuấn cho rằng "một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm" có thể chia làm 2 nhóm: một nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Nhóm thứ hai là nhóm sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Với nhóm thứ nhất, ông Tuấn nhìn nhận "có thể khắc phục ngay" bằng cách thay thế những người này bằng cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm. "Vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt", ông Tuấn nhấn mạnh. Về nhóm thứ hai, ông cho rằng đây là số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm và đang là trở lực lớn gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn: Tại sao đến nay cán bộ mới xuất hiện tâm lý sợ trách nhiệm?
Theo ĐB đoàn Trà Vinh, có 2 nguyên nhân khiến những cán bộ nói trên lo sợ vi phạm pháp luật. Đầu tiên là một số văn bản quy định pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật, còn thiếu đồng nhất, khó thực hiện; điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có 2 cách hiểu khác nhau. Hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có 2 văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
"Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp này 2 vị ĐBQH cùng tranh luận về một nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra trong chính cơ quan lập pháp. Cho nên không loại trừ khả năng sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả cơ quan thanh tra, kiểm tra", ông Tuấn nêu và cho rằng tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ.
Xem nhanh 20h ngày 31.5: Quốc hội ‘nóng’ chuyện cán bộ sợ trách nhiệm | Hoa hậu Thùy Tiên thắng kiện
Nguyên nhân thứ hai là vừa qua công tác thanh, kiểm tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết liệt, hiệu quả. Có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước, đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự. "Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ. Bởi lẽ những cán bộ này đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây. Từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngần ngại, sợ sai, sợ bị xử lý kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự", ông Tuấn nói.
Làm sao để cán bộ không phải "dám nghĩ, dám làm"
Ý kiến của ĐB Trần Quốc Tuấn đã khởi đầu cho cuộc tranh luận sôi nổi tại hội trường Diên Hồng. ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) nói không phải tới nay mới xuất hiện tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, song thừa nhận vấn đề gần đây "có vẻ phức tạp, nặng hơn". Tuy nhiên, ngoài những phân tích của ông Tuấn, ĐB đoàn Kon Tum cho rằng một bộ phận cán bộ do năng lực, trình độ hạn chế, nắm bắt các quy định của pháp luật cũng hạn chế thành ra "làm gì cũng sợ sai, không dám làm", cuối cùng thành né tránh, đùn đẩy.
Theo ông, vấn đề nằm ở chỗ làm sao rà soát để xử lý bộ phận cán bộ này khi theo báo cáo đánh giá cán bộ năm 2021 thì chỉ có 1,7% cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Ông Tám nhấn mạnh cảm hứng sáng tạo "phá rào", cởi trói từ đêm trước Đổi mới vẫn còn. Do đó, trong điều kiện hiện nay rất cần cơ chế bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. "Bộ Chính trị đã có Kết luận 14 rồi, đề nghị Chính phủ sớm ban hành, cụ thể hóa thành cơ chế pháp lý để bảo vệ họ", ông Tám đề nghị.
Có 100 dự án thuộc đối tượng vay gói 120.000 tỉ đồng
Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn đối tượng vay ưu đãi, ủy quyền cho UBND các tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và công khai danh sách này để các ngân hàng có căn cứ cho vay. Theo báo cáo của các địa phương, có 100 dự án thuộc đối tượng cho vay gói 120.000 tỉ đồng. Các địa phương công bố nhu cầu vay vốn trong gói này gồm Bình Định 1.832 tỉ đồng; Phú Thọ 441 tỉ đồng; Đà Nẵng 545 tỉ đồng; Trà Vinh 420 tỉ đồng; Bắc Giang 4.527 tỉ đồng; Hải Phòng 3.892 tỉ đồng. Bộ Xây dựng cũng đã có hướng dẫn đối tượng vay ưu đãi, ủy quyền cho UBND các tỉnh lập danh mục nhà ở xã hội, để các ngân hàng có cơ sở cho vay. Chương trình mới triển khai hơn 1 tháng, gói 120.000 tỉ đồng là cho cả giai đoạn tới 2030. Vì thế tới đây các địa phương sẽ có nhiều dự án tham gia gói tín dụng này.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: "Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỉ xây nhà ở xã hội"
VN đang ở đâu trên bản đồ tiền lương thế giới ?
Tính tới nay đã có 4 lần cải cách tiền lương, nhưng hiện có thực tế lương cán bộ công chức khá thấp. Câu hỏi là "VN đang ở đâu trong bản đồ thu nhập thế giới?". Một sinh viên mới ra trường có mức lương khoảng hơn 3,4 triệu đồng/tháng. Mức lương trung bình công chức VN trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi quy đổi thì mức lương công chức ở Thái Lan 56,7 triệu đồng/tháng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng/tháng.
Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị đã đề ra lộ trình cải cách cụ thể, nhưng tới nay đã lỡ hẹn 3 năm do Chính phủ đề nghị thời điểm cải cách tiền lương, để dành nguồn lực cho đầu tư phát triển, phục hồi kinh tế. Nhưng dù chúng ta "thắt lưng buộc bụng" cho đầu tư phát triển thì một phần nguồn lực chưa phát huy hiệu quả là điều đáng tiếc.
Rất cần thay đổi cải cách tiền lương thực chất, nếu không chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà khi không thu hút được nhân lực chất lượng cao. Cần coi trả lương là hình thức đầu tư, đầu tư cho con người, tương lai. Chỉ khi đầu tư tương xứng mới mang lại hiệu quả thiết thực. Đất nước không thiếu người tài, không thiếu người tâm huyết muốn cống hiến, nhưng cần chính sách đủ mạnh, tạo niềm tin cho người lao động.
ĐB Vũ Thị Lưu Mai - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách QH
ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai: “Công chức Việt Nam lương 10 triệu đồng/tháng, Thái Lan hơn 56 triệu, Campuchia 17 triệu”
Cần thay đổi văn hóa "DN phải đi xin, đi chạy"
Tôi đếm được 11 cụm từ "cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng" trong báo cáo thẩm tra của Mặt trận Tổ quốc VN. Ủy ban Kinh tế cũng nhận định "nền kinh tế VN thực sự đang rất khó khăn". Cần phải có những giải pháp cấp bách, thậm chí vượt tiền lệ để cứu nguy, hỗ trợ cho hệ thống DN.
Có 4 nút thắt mà DN đang gặp phải là: thiếu hụt về đơn hàng; tắc nghẽn dòng vốn; thể chế không đầy đủ, thủ tục hành chính bủa vây; những rủi ro pháp lý có thể gặp phải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. DN đang "khát" về tín dụng nhưng không tiếp cận được vốn. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng tiếp cận được vốn và đưa nguồn vốn đó vào sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, cần thay đổi văn hóa "DN phải đi xin, đi chạy". Chính quyền, nhà quản lý cần thể hiện thái độ "phụng sự DN", chủ động, thực tâm, thực lòng đến với DN để gỡ khó; bớt các khâu xin ý kiến, trao đổi lòng vòng giữa các cơ quan, bộ, ngành, đến khi giải quyết được thì DN đã "gần đất xa trời". Hạn chế việc đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, người đứng đầu.
ĐB Trịnh Xuân An - đoàn Đồng Nai
ĐBQH Trịnh Xuân An: Cần thay đổi văn hóa "doanh nghiệp phải đi xin, đi chạy"
Không lẽ lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết ?
Bộ Y tế cần có câu trả lời khi nào đảm bảo được vắc xin cho chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Phó thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Y tế phải lấy lại vai trò của mình và phải tiến hành đấu thầu, đàm phán giá hay thế nào đó chủ động chứ không đẩy trách nhiệm về địa phương như hiện nay. Trong quá trình cứ đẩy qua đẩy lại thế này người phải trả giá chính là trẻ em của chúng ta. Trách nhiệm và hậu quả sẽ hết sức nặng nề nếu như vắc xin của chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia chậm trễ.
Thời gian qua, các cơ sở y tế gặp rất nhiều vấn đề về cung ứng, mà đỉnh điểm là thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế ở bệnh viện. Chính phủ đã có phản ứng quyết liệt thể hiện ở nhiều nghị định, nhưng từ đó tới nay ngành y tế đã có tổng kết, sơ kết ban đầu để thấy được những cái nào có ích, cái nào thực sự tháo gỡ khó khăn để không lâm vào tình trạng năm nào cũng thiếu? Không lẽ lúc nào Thủ tướng cũng phải ra nghị quyết?
ĐB Phạm Khánh Phong Lan - đoàn TP.HCM
ĐBQH Trần Hữu Hậu: “Việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm có vẻ bất khả thi"
Trong khi đó, ĐB Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) nêu một góc nhìn khác. Dẫn thực tế trong không ít các việc lớn, việc nhỏ, nếu cán bộ quyết định thực hiện để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đem đến hiệu quả cho dân, cho nước thì "phải vi phạm không nhiều thì ít các quy định". Nhưng những người thấy làm sai quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dù vì lợi ích chung mà không biết sợ thì có lẽ là "điếc không sợ súng" hoặc thiếu ý thức tổ chức kỷ luật.
Từ đó ông Hậu cho rằng việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm cũng đang trở thành việc rất khó khăn, có vẻ "bất khả thi". Bởi lẽ bảo vệ họ trong nhiều trường hợp là bảo vệ việc làm sai quy định, trái pháp luật. Khi ấy lại cần có việc bảo vệ cho người bảo vệ người dám nghĩ, dám làm... theo bậc thang này, có thể phải lên đến QH vì vướng mắc để họ phải "dám nghĩ, dám làm" nằm trong sự chưa phù hợp, sự mâu thuẫn của các luật hiện hành.
"Tôi cho rằng cần phải làm sao để cán bộ các cấp của chúng ta không phải dám nghĩ, dám làm; và không cần cấp trên phải khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Cán bộ, công chức các cấp chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo" thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất cho dân, cho nước trong khuôn khổ quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước", ông Hậu nêu. Để thực hiện điều này, theo ông, khi phát hiện luật hoặc quy định chưa phù hợp thì tập trung sửa ngay với quy trình sao cho chặt chẽ nhưng đơn giản, ngắn gọn.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Cùng cơ chế nhiều nơi vẫn làm tốt chứ không đổ hết cho thể chế
"Công phá" tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa nhận tình trạng sợ trách nhiệm không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, một số bộ, ngành T.Ư, trong một bộ phận công chức. "Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp (DN) đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, nhất là đất nước đang rất khó khăn hiện nay", bà Trà nói.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh phải xóa bỏ nhận thức của một số cán bộ, công chức hiện có tư tưởng "không làm thì không sai". Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng lưu ý giải pháp sớm thể chế hóa chủ trương của Đảng về bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Theo bà Trà, Bộ Nội vụ hoàn thành dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, nhưng còn có vấn đề vướng về pháp lý, thẩm quyền nên tiếp tục báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền, cần thiết sẽ báo cáo QH có nghị quyết thí điểm thì mới khuyến khích, bảo vệ được cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.
Bộ trưởng cũng khẳng định cần xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu trong thực thi công vụ vì thực tế cùng cơ chế đấy nhưng nhiều nơi quyết tâm và làm tốt, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, chứ không phải đổ hết cho cơ chế, thể chế là khó khăn, là rào cản, là không làm được. Cuối cùng, bà Trà nhấn mạnh: "Hơn lúc nào hết, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đồng bộ, thực hiện các giải pháp với ý thức và trách nhiệm cao nhất, quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm và không dám làm trong thực thi công vụ".
Bình luận (0)