Thương cải lương nhiều như thế...

31/07/2019 06:09 GMT+7

Cải lương - Trăm năm nguồn cội (tác giả và đạo diễn: Quang Thảo; Green Horizon tổ chức thực hiện) là một chương trình rất đặc biệt khi ở đó, người xem cảm nhận cải lương đã được nâng niu và yêu quý thật nhiều.

Là một chương trình tổng hợp với nhiều tiết mục và các trích đoạn, song tất cả đều được dàn dựng trên đường dây dẫn dắt xuyên suốt về một hình hài cải lương từ lúc khai sinh; đưa khán giả quay về với nguồn cội cải lương một cách rất mộc mạc mà tràn đầy cảm xúc.
Phải thương cải lương rất nhiều, ê kíp thực hiện chương trình mới chăm chút tỉ mỉ cho từng tiết mục từ kịch bản, cách dàn dựng sân khấu, phục trang đến ca diễn như thế. Những nghệ sĩ đầu chương trình bước ra với đôi guốc mộc trong trang phục áo dài trắng đơn sơ; những chiếc chiếu hoa và ánh đèn dầu được tận dụng làm bối cảnh, trong tiếng ếch nhái, ễnh ương kêu giữa đêm khuya tịch mịch như hoàn cảnh ra đời của bản Dạ cổ hoài lang đã tạo một hiệu ứng sân khấu thật đẹp. Sự kỹ lưỡng của chương trình đến độ để trình diễn bài Dạ cổ hoài lang, ê kíp đã lặn lội đến tận Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở Bạc Liêu để tìm hiểu về bài bản trụ cột của nghệ thuật cải lương này. Đặc biệt, nghệ sĩ được mời biểu diễn tiết mục là NSƯT Ngọc Đợi, cũng chính là người được chọn lưu giọng bài Dạ cổ hoài lang ở Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu.
Với NSƯT Việt Anh, một nghệ sĩ kịch nói và thừa nhận không biết hát cải lương, nhưng cũng vì tình cảm với cải lương, ông đã nhận lời thể hiện vai Hội đồng Thăng trong trích đoạn Đời cô Lựu, một vai diễn đã ghi dấu ấn quá lớn của NSND Diệp Lang. Thế nhưng Hội đồng Thăng của Việt Anh thực sự làm khán giả bất ngờ khi khiến người xem rơi nước mắt không phải chỉ vì buồn cho hoàn cảnh cô Lựu mà còn vì cảm thương cho bi kịch của chính nhân vật phản diện này. Hình ảnh Hội đồng Thăng vẫn rất ác khi âm mưu cướp vợ, giết con người khác; vẫn rất cay nghiệt với người vợ đang chung sống, nhưng cũng thật đáng thương khi vì yêu mà tự rước bi kịch vào cuộc đời mình và phải chịu sự giày xéo đau đớn từ chính bi kịch đó. Nếu không thương cải lương, có lẽ NSƯT Việt Anh đã không bước vào một vở kinh điển để thể hiện vai diễn với tình cảm rất trân trọng với đàn anh - NSND Diệp Lang nhưng vẫn có nét rất riêng.
Và có lẽ phải thương cải lương thật nhiều, đơn vị thực hiện mới có thể bỏ tiền của, công sức ra làm một chương trình công phu và biểu diễn liên tục 10 suất từ tháng 7 đến tháng 10 tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM). Bởi ai cũng hiểu cải lương hiện nay không còn dễ thu hút khán giả và nếu làm chương trình để kinh doanh, e rằng khó có lời. Thế nên càng thấy trân trọng tấm lòng của cả ê kíp chương trình khi đã dành nhiều tình cảm, giữ cho sân khấu cải lương sáng đèn như thế...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.