Thương chiến, lòng yêu nước khiến Apple 'thất sủng' ở Trung Quốc

20/09/2019 11:10 GMT+7

Bloomberg trích khảo sát mới về thái độ của người tiêu dùng Trung Quốc cho hay chiến tranh thương mại đang gây thiệt hại cho Apple .

Cụ thể, Apple trượt xuống vị trí thứ 24 trong báo cáo thường niên về các thương hiệu hàng đầu ở Trung Quốc. Cách đây một năm, táo khuyết còn đứng ở vị trí thứ 11. Năm 2017, trước khi thương chiến bắt đầu, Apple đứng thứ 5 trong bảng xếp hạng. Trong khi đó, đối thủ Trung Quốc lớn nhất của Apple là Huawei Technologies thì tăng lên hai bậc để đứng hạng nhì, chỉ sau dịch vụ thanh toán Alipay.
Thay đổi trong bảng xếp hạng là dấu hiệu cho thấy thách thức ngày càng lớn đối với thương hiệu Mỹ hai năm sau ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi động chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Khảo sát cho thấy người tiêu dùng quốc gia Đông Á ngày càng lạnh nhạt với các thương hiệu Mỹ, đặc biệt là sau khi giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt ở Canada năm ngoái theo lệnh dẫn độ từ phía Mỹ.
Washington sau đó cấm sản phẩm của Huawei song điều này hỗ trợ nhiều cho thương hiệu có trụ sở tại Thâm Quyến, đối tác Jay Miliken của hãng tư vấn Prophet ở Mỹ, cho biết. Đây là đơn vị thực hiện cuộc khảo sát mới trên 13.500 người tiêu dùng Trung Quốc.
Cuộc khảo sát này được tiến hành hằng năm, và năm nay được thực hiện tại các thành phố lớn ở Trung Quốc. 250 thương hiệu trong số 27 danh mục được đưa ra để người trả lời chia sẻ về mức độ sử dụng, đánh giá mức độ phù hợp với cuộc sống và đánh giá về các tính chất như sự đổi mới, tính hữu dụng và độ tin cậy của thương hiệu.
"Tính dân tộc rất cao trong các hạng mục vì người tiêu dùng Trung Quốc xem những gì xảy ra với Huawei là một cuộc tấn công", ông Milliken cho biết. Lòng yêu nước cũng thúc đẩy sự đi lên của nhiều thương hiệu Trung Quốc khác, chẳng hạn như nhà sản xuất đồ thể thao Li Ning. Cái tên này lần đầu vào top 40, đứng ở hạng 34, chỉ hai bậc sau cái tên số một thị trường là Nike.
Công ty Li Ning được đặt tên theo vận động viên thể dục nổi tiếng của Trung Quốc, tận dụng lòng yêu nước của người tiêu dùng. Bộ sưu tập của Li Ning ra mắt tại Tuần lễ Thời trang New York hồi năm ngoái cũng ngập sắc đỏ và vàng đậm tính dân tộc. Trong top 10 thương hiệu năm nay chỉ có hai cái tên Mỹ là Android ở vị trí thứ ba, và Intel ở vị trí thứ 9. Năm 2017, số lượng thương hiệu Mỹ vào top 5 là năm.
Không như Apple, Android và Intel không phải quá lo về việc người tiêu dùng chuyển sang dùng nhãn hiệu địa phương. "Một số thương hiệu phương Tây trở thành không thể thiếu trong đời sống người tiêu dùng Trung Quốc, chúng gần như có xu hướng không có khả năng "hết thời" hoặc không có lựa chọn thay thế nào từ Trung Quốc", ông Miliken chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.