Thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài có thành đề án treo?

28/06/2021 06:20 GMT+7

Những quy chuẩn về nghệ thuật sơn mài, các triển lãm giới thiệu những bộ sưu tập sơn mài... là nội dung cốt lõi trong đề án thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài Việt Nam.

“Chuẩn hóa” sơn mài

Bộ VH-TT-DL đã ban hành Quyết định số 4345 phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia Nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020 - 2030. Đề án được xây dựng gồm các nội dung: xây dựng logo nhãn hiệu công nhận và bộ nhận diện; ban hành quy trình chế tác, tiêu chuẩn nguyên vật liệu, tiêu chí của nghệ thuật sơn mài Việt Nam; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong nước và nước ngoài; tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam.
Theo quyết định, các cơ quan chỉ đạo đề án gồm: Bộ VH-TT-DL; Bộ Công thương; Bộ NN-PTNT; Bộ Ngoại giao; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Hội Mỹ thuật Việt Nam; Hiệp hội Làng nghề Việt Nam… phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP.HCM, Phú Thọ, Bình Dương, Bắc Ninh... tổ chức thực hiện.
Có nhiều hạng mục cần chuẩn hóa được đưa ra ở mục “Tiêu chuẩn về nguyên liệu làm sản phẩm sơn mài” trong đề án. Chẳng hạn, các nguyên liệu như sơn vẽ (sơn chín), sơn tổng hợp (với đồ thủ công mỹ nghệ), các màu tự nhiên chiết xuất từ thần sa, chu sa, bột màu vẽ sơn mài… đều có tên trong danh sách nguyên liệu cần xây dựng tiêu chuẩn này. Vàng quỳ, bạc quỳ, vóc (cốt), dụng cụ vẽ cũng thuộc danh sách trên.
Thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài có thành đề án treo?1

Tranh sơn mài của ông Nguyễn Quốc Huy gửi Triển lãm mỹ thuật Việt Nam bị xước 5 vết

ẢNH: NVCC

Thị trường tưng bừng

Họa sĩ chuyên vẽ sơn mài Bùi Trọng Dư chia sẻ: Nói chung, các họa sĩ và nghệ nhân ở làng nghề đều hiểu có những công thức chuẩn từ đời các cụ. Đó là những kiến thức cơ bản để có thể hoàn thành một tác phẩm, sản phẩm sơn mài không bị lỗi. “Quyển hướng dẫn làm sơn mài, làm vóc thì trường mỹ nghệ cũng có, từng bước bó vóc, kỹ thuật sơn mài… rất kỹ. Thực ra quy chuẩn là cái chung, kiến thức cơ bản, ví như làm thế nào để vóc không cong vênh thì theo quy chuẩn”, ông Dư nói.
Mặc dù vậy, theo ông Dư, chẳng có quy chuẩn nào có thể áp dụng được với đời sống thị trường. “Về làng nghề thủ công mỹ nghệ, có thể thấy người ta toàn dùng sơn công nghiệp làm hàng, phun PU bóng lộn lên, vẽ acrylic lên sản phẩm rồi gọi là sơn mài truyền thống. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có quản lý được cái đó không? Và có đầu ra không, có bao tiêu sản phẩm được không mà đòi quản lý chất lượng của làng nghề?”, ông Dư đặt câu hỏi.
Họa sĩ chuyên sơn mài Trịnh Tuân cho biết hiện nay, tất cả sơn vàng bạc, các họa sĩ đều mua theo kinh nghiệm và uy tín của đơn vị cung cấp. Tuy nhiên, theo ông Tuân, các vật liệu này đang được sản xuất thủ công. “Nếu người ta xuống một lần kiểm định xong, về làng lại làm khác thì ai kiểm định được? Nó có phải dây chuyền nhà máy đâu. Liệu ý định chuẩn này có viển vông không?”, ông Tuân băn khoăn. Chưa kể, về việc hỗ trợ làng nghề để chuẩn hóa, theo ông Tuân: “Gọi là làng nghề thôi chứ cũng toàn là các công ty rồi, mỗi gia đình đều có công ty. Họ kinh doanh độc lập, mình có giúp người ta cũng chẳng nghe”.

Nguy cơ bị... mặc kệ

Phát triển thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài Việt Nam, theo nhiều người, dễ rơi vào nguy cơ bị họa sĩ… mặc kệ. Chẳng hạn, các vật liệu mới cho sơn mài đang được nghệ sĩ sử dụng linh hoạt. Vì thế, việc chuẩn hóa quy trình làm sơn mài khiến nó trở nên “đóng” và buồn cười. “Hiện tại có nhiều họa sĩ đã làm sơn mài trên vật liệu khác. Nữ nghệ sĩ Oanh Phi Phi làm tranh trên cốt composite, miễn cô ấy vẫn tạo được mặt phẳng ổn định. Bài bản nên có, nhưng không ai bắt được ai theo bài bản đó. Vì thế, chắc họa sĩ kệ chuẩn thôi”, ông Dư nói. Chưa kể gần đây có việc các họa sĩ dùng cả những tấm vật liệu nhẹ trong xây dựng để làm sơn mài. Điều đó mang đến mặt phẳng và độ nhẹ, khó bị cong vênh, để di chuyển tác phẩm đi xa. Rồi cũng có những họa sĩ tuy vẫn dùng sơn ta nhưng lại dùng bột màu của Nhật.
PGS-TS Trang Thanh Hiền, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, cũng cho rằng: “Có thể chuẩn hóa sơn, vóc..., đưa ra tiêu chuẩn thì cứ đưa, còn ai muốn làm thế nào thì tùy”.
Theo một nghệ sĩ giấu tên, việc tổ chức Liên hoan Nghệ thuật sơn mài quốc tế tại Việt Nam như đề án đề ra cũng rất khó khăn. “Việc tổ chức triển lãm mỹ thuật Việt Nam vừa rồi làm xước tranh, mất tranh khiến nghệ sĩ ngại quá. Trong khi bảo hiểm tranh khi vận chuyển lại chưa có. Tôi nghĩ ai cũng e ngại”, nghệ sĩ này chia sẻ.
Ông Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết nhìn chung khi đưa ra quy chuẩn, không nên lẫn lộn giữa hội họa sơn mài với mỹ nghệ. Đó là hai việc khác hẳn nhau. Chưa kể theo ông, cũng đang có câu chuyện tranh chấp giữa dùng sơn ta và chất liệu khác. “Cứ khăng khăng sơn ta mới là truyền thống, nhưng có người lại dùng sơn Nhật mà cũng vẫn là sơn mài của người Việt. Những cuộc tranh chấp như thế còn dài, đó là tranh chấp ngôn ngữ để đại diện sơn mài Việt Nam”, ông Đoàn nói.
Trong khi về lý luận và khả năng quản lý còn lỏng lẻo, đề án phát triển thương hiệu quốc gia nghệ thuật sơn mài Việt Nam có thể đối diện với việc đề ra… để đấy. Có nghĩa là nguy cơ treo, không đi vào thực tế được của đề án khá cao.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.