Đồng thời giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam cũng gia tăng trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Thương hiệu quốc gia đi lên trong bão dịch
Đại dịch Covid-19 đã làm tổn thương nặng nề hầu hết các nền kinh tế trên thế giới trong hai năm vừa qua khiến xếp hạng thương hiệu nhiều quốc gia cũng thay đổi.
Theo báo cáo từ Tổ chức Brand Finance năm 2021, một số quốc gia hùng mạnh như Anh, Nhật Bản hay Pháp đều lọt khỏi bảng xếp hạng 10 thương hiệu quốc gia mạnh nhất năm 2021 . Nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của người dân về cách họ phòng chống dịch Covid-19. Chẳng hạn, Anh từ thứ 2 rơi xuống thứ 14 và Pháp từ thứ 9 xuống vị trí 14 trong bảng xếp hạng; hay Mỹ cũng tụt hạng từ thứ 4 xuống thứ 17 trong danh sách các thương hiệu quốc gia toàn cầu năm 2021 do tổ chức này công bố.
Xe điện đầu tiên của VinFast giao đến tay người tiêu dùng |
Trong khi đó, thương hiệu quốc gia Việt Nam tiếp tục được duy trì ở hạng 33 thế giới. Nếu tính về giá trị, thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá tăng 21,6% so với năm 2020, lên 388 tỉ USD. Nếu so với con số 141 tỉ USD năm 2016 thì giá trị thương hiệu quốc gia đã tăng đến 226% trong giai đoạn vừa qua. Ông Samir Dixit, Giám đốc điều hành Brand Finance - khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhận định Việt Nam quản lý khá tốt tất cả khía cạnh. Đặc biệt là sự hội nhập và liên kết giữa thương hiệu quốc gia của mình và các thương hiệu trong nước. Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 187 trong số 193 quốc gia thành viên của LHQ và hoàn tất quá trình đàm phán, ký kết các FTA thế hệ mới - bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại EU- Việt Nam (EVFTA). Điều này đưa đất nước trở thành nhân tố quan trọng trong tất cả liên kết kinh tế khu vực và nội khối, là động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, một số chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia tại thị trường nước ngoài, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dựa trên uy tín chất lượng, sản xuất thân thiện với môi trường… cũng góp phần củng cố vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thế giới.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á, cho rằng đó là sự công nhận thiết thực về những điều Việt Nam đã làm được. Đặt trong bối cảnh Covid-19 suốt 2 năm 2020 - 2021, nhiều nước bị tăng trưởng kinh tế âm thì Việt Nam là một trong số rất ít quốc gia đạt được mức tăng trưởng GDP gần 3%. Tất cả những điều đó đã tạo nên hiệu ứng cao không chỉ cho năm 2021 mà sẽ còn lan tỏa năm nay, cũng như thời gian tới. Đây chính là nền tảng tích cực trong quá trình xây dựng thương hiệu quốc gia. Nếu có sự củng cố, thúc đẩy thì tiềm năng thương hiệu quốc gia Việt Nam sẽ có khả năng thăng hạng cao hơn nữa.
Đồng tình, chuyên gia marketing Lê Phụng Hào nhận định sự tăng trưởng của kinh tế VN trong bối cảnh toàn thế giới ảm đạm trong 2 năm vừa qua, hay câu chuyện phòng chống dịch hiệu quả đã góp phần đưa thương hiệu quốc gia ghi được “điểm cộng” với nhiều tổ chức, tập đoàn trên thế giới. Nhiều sản phẩm của Việt Nam liên tục được mở rộng xuất khẩu, gia tăng khả năng thâm nhập vào nhiều thị trường quốc tế sau các Hiệp định thương mại tự do. Tăng trưởng kinh tế chung cũng là sự cộng hưởng từ nhiều thương hiệu doanh nghiệp, công ty trong nước. Từ đó sự nhận biết thương hiệu VN nói chung hay những sản phẩm “Made in Vietnam” trên thị trường toàn cầu đã gia tăng.
Bên trong nhà máy sản xuất ô tô VinFast |
Bước đi thần tốc của ô tô điện Việt Nam
Khi nói đến Việt Nam, xưa nay nhiều người tiêu dùng thế giới có thể nhớ đến những sản phẩm nông nghiệp truyền thống như gạo, cà phê, tiêu… Thế nhưng, giờ đây, đã có những doanh nghiệp vươn ra thế giới, đưa sản phẩm công nghệ cao đến với người tiêu dùng trên toàn cầu. Đó chính là câu chuyện của VinFast đã được nhiều tập đoàn lớn, truyền thông thế giới nhắc đến ngày càng nhiều. Gần 1 năm trước, VinFast đã mang lại cho nhiều người Việt Nam và kể cả giới “mê” xe hơi nhiều bất ngờ khi tham gia Triển lãm ô tô Los Angeles 2021 và trình làng 2 mẫu ô tô điện.
Đặc biệt, ngày 10.9 vừa qua, tại Nhà máy ở Hải Phòng, VinFast tổ chức bàn giao 100 ô tô điện VF 8 đầu tiên cho những người đặt cọc sớm nhất. Thời điểm bàn giao này sớm hơn khoảng 2 tháng so với kế hoạch ban đầu. Dự kiến, sau khi bàn giao xe tại Việt Nam, VinFast sẽ xuất khẩu lô xe VF 8 đầu tiên với số lượng khoảng 5.000 chiếc tới Mỹ, Canada và châu Âu vào đầu tháng 11. Phát biểu tại sự kiện bàn giao xe vừa qua được phát trực tuyến trên fanpage VinFast tại tất cả các thị trường, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup kiêm Tổng giám đốc VinFast toàn cầu, chia sẻ: “Sự kiện ngày hôm nay đánh dấu bước ngoặt mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong thời khắc lịch sử này, chúng tôi vô cùng hạnh phúc được trao lô xe VF 8 đầu tiên tới những khách hàng tiên phong tại Việt Nam. Và những ngày sắp tới đây, niềm vui nhận xe mới sẽ nhanh chóng lan tỏa đến hơn 65.000 khách hàng VinFast của chúng tôi trên khắp thế giới”.
Thực ra không phải chờ đến sự kiện tuyên bố và bàn giao ô tô điện cho khách hàng trong khoảng thời gian chưa đầy 1 năm, ngay từ khi chính thức tham gia vào lĩnh vực ô tô từ 4 năm trước, VinFast đã luôn gây nổi bật trên thế giới với hành trình thần tốc. Đặc biệt, việc nhanh chóng sản xuất xe điện đã đưa hãng xe Việt tham gia vào sân chơi của những “đại gia” trong làng ô tô thế giới vốn cũng chỉ mới bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất dòng xe thế hệ mới gần đây. VinFast còn thể hiện bước đi táo bạo khi xây dựng nhà máy sản xuất ngay tại thị trường Mỹ. Hàng loạt hãng truyền thông thế giới đã có nhiều bài viết đánh giá cao và thậm chí khó tin với bước đi này của VinFast khi mang ô tô điện vào Mỹ - thị trường quy tụ nhiều thương hiệu ô tô hàng đầu thế giới với cả trăm năm kinh nghiệm.
Chẳng hạn, chuyên trang về công nghệ và sáng tạo của châu Á The Ken định nghĩa hãng xe Việt bằng tổ hợp từ ghép: “Việt Nam; Phong cách; An toàn; Sáng tạo; Tiên phong”. Chuyên trang nổi tiếng này nhận định, đây sẽ là bước tiến lớn đối với một công ty Việt Nam, đặc biệt là với một sản phẩm mang hàm lượng chất xám cao như ô tô. “Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may, điện tử và nông sản trị giá hàng tỉ USD mỗi năm nhưng phần lớn được sản xuất bởi các tập đoàn nước ngoài”, cây viết Michael Tatarski nhận định trên The Ken.
Nhà máy sản xuất ô tô VinFast |
VinFast |
Hay Automotive News, tuần báo ô tô số 1 Bắc Mỹ, cũng đánh giá “hành trang” của hãng xe Việt khi ra quốc tế là rất đáng nể. Theo đó, Mỹ không phải là điểm đến quốc tế duy nhất của hãng xe Việt. Tháng 7 vừa qua, VinFast đã khai trương chi nhánh tại Canada, Pháp, Đức, Hà Lan và còn đang “ngắm nghía” nhiều thị trường tiềm năng khác. Automotive News cho rằng năng lực sản xuất của VinFast hoàn toàn có thể đáp ứng chiến lược quốc tế hóa đầy quyết tâm của hãng. Với những gì đã làm được đến thời điểm này, VinFast phần nào đã chứng minh được năng lực cũng như quyết tâm trở thành thương hiệu ô tô toàn cầu - góp phần đưa thương hiệu quốc gia Việt Nam vươn xa hơn.
Và hành trình của cà phê, sữa, gạo
Là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về dệt may, da giày và nhiều loại nông sản nhưng do chủ yếu xuất khẩu thô nên rất ít sản phẩm mang thương hiệu riêng ra thế giới.
Thế nhưng, vẫn có những doanh nghiệp đang nỗ lực từng ngày từng giờ để gây dựng hình ảnh, tên tuổi của mình ở thị trường nước ngoài. Đó là Vinamilk xuất khẩu sữa bột đầu tiên của Việt Nam có mặt ở thị trường Trung Đông với thương hiệu Dielac. Hay sản phẩm “sữa đặc quốc dân” mang thương hiệu “Ông Thọ” của hãng sữa này cũng “chu du” hơn 21 quốc gia, mở cửa thành công nhiều thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada. Đây không chỉ là thành công của một thương hiệu có được tại thị trường nước ngoài, mà còn là dấu ấn của ngành sữa Việt Nam khi nhắc về những bước chân đầu tiên đưa sản phẩm “Made in Vietnam” đi ra thế giới.
Tương tự, Công ty CP cà phê Trung Nguyên cũng đã đưa được Trung Nguyên, Trung Nguyên Legend vào Mỹ, Singapore sau nhiều nhọc nhằn, thậm chí những tranh chấp xoay quanh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Mới nhất là vào năm 2011, doanh nghiệp này còn thành lập Công ty CP Trung Nguyên Franchising với mục đích phát huy hoạt động nhượng quyền thương hiệu. Hiện tập đoàn đã nhượng quyền thành công tại Nhật Bản và Singapore.
Gần đây, Tập đoàn Phúc Sinh cũng đã bắt đầu xuất khẩu sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình là KCoffee tới 10 quốc gia trên thế giới. Những thương hiệu cà phê như Trung Nguyên hay KCoffee đã góp phần tạo ra thương hiệu cho cà phê của Việt Nam - vốn là quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới tiến xa hơn.
Ra thế giới bằng thương hiệu của chính mình, không thể không nhắc tới gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) và dần dần đã được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Từ đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng từng bước xây dựng thương hiệu riêng gắn với giống gạo nổi tiếng này. Chẳng hạn trong tháng 6.2022, Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của mình vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.
Hay trong tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp. Riêng số gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.
Việc xuất khẩu những lô hàng mang thương hiệu riêng chính là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu gạo của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới. Những nỗ lực đó của các doanh nghiệp Việt sẽ dần dần giúp cho gạo Việt Nam nói riêng hay nông sản Việt nói chung từng bước thoát khỏi cảnh xuất thô hay theo kiểu “ruột của ta mà vỏ của người khác”.
Thậm chí, một số doanh nghiệp dù đã gặp trắc trở nhưng không chùn bước. Đó là câu chuyện của Vinamit sau khi bị đối tác giành thương hiệu tại thị trường Trung Quốc và công ty này đã theo đuổi trong hơn 3 năm vụ kiện để giành lại thương hiệu. Ngày nay các sản phẩm của Vinamit cũng đã tiếp tục có mặt ở thị trường Trung Quốc hay được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn đưa vào thị trường Mỹ, EU...
Chuyên gia marketing Lê Phụng Hào nhận định: Mỗi doanh nghiệp là một câu chuyện truyền thông nhưng kết quả sẽ hòa chung vào thương hiệu quốc gia. Câu chuyện thương hiệu được hiểu là đối với một sản phẩm cụ thể thì khi gắn thương hiệu của doanh nghiệp nào đó hay quốc gia đó thì được bán nhiều hơn không? Có giá cao hơn không? Nhìn chung dù là thương hiệu doanh nghiệp hay quốc gia thì phải được truyền thông tốt, người tiêu dùng biết đến và gắn bó (là sự trung thành của người tiêu dùng). Ngoài việc bản thân doanh nghiệp nỗ lực, Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ, khuyến khích xây dựng thương hiệu mạnh của các doanh nghiệp hay định hướng những ngành có lợi thế cạnh tranh, theo xu hướng phát triển của thế giới.
Hoan nghênh VinFast đầu tư xe điện tại Mỹ
Trong chuyến thăm tại Hà Nội vào đầu tháng 9, ông John Kerry, Đặc phái viên chuyên về các vấn đề biến đổi khí hậu của Tổng thống Mỹ, nhận định thế giới đang đương đầu với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, cách thức cấp điện cho xe của chúng ta, nhiên liệu của gia đình chúng ta, cần phải đưa ra nguồn năng lượng sạch hơn và khác đi. Xe điện là một phần trong quá trình chuyển đổi năng lượng, quá trình này sẽ mất một thời gian để xây dựng và nghiên cứu.
Do đó, ông John Kerry cho biết nước Mỹ rất hoan nghênh và chào mừng các doanh nghiệp như VinFast đầu tư vào sản xuất xe điện nói chung và công nghệ xanh nói riêng.
Động lực để kinh tế Việt Nam tăng tốc
Trong thị trường toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp phải có tư duy hướng đến thương hiệu toàn cầu chứ không co cụm trong nước. Một số công ty đã bứt phá, đi xa hơn rất đáng được hoan nghênh. Nếu có thêm sự hỗ trợ của Chính phủ, giá trị của từng doanh nghiệp sẽ được nâng lên tầm 20 hay 50 lần nữa. Khi giá trị mỗi doanh nghiệp được tăng lên thì giá trị nền kinh tế Việt Nam cũng tăng tốc và thương hiệu quốc gia cũng sẽ nâng hạng.
Bà Nguyễn Phi Vân(Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư Thiên thần Đông Nam Á)
Vai trò cốt yếu
Trong nền kinh tế hiện đại và liên tục phát triển, các thương hiệu cây nhà lá vườn của một quốc gia nhất định càng chiếm lĩnh thị trường quốc tế thì quốc gia đó càng trở nên mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý, việc xây dựng thương hiệu sẽ đóng vai trò cốt yếu khi Việt Nam tham gia nhiều hơn các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu đối với một quốc gia trong quá trình toàn cầu hóa, năm 2003, Chính phủ đã khởi động Chương trình “Giá trị Việt Nam” - một chương trình xúc tiến thương mại dài hạn và độc đáo. Mục đích là xây dựng hình ảnh Việt Nam như một quốc gia có các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, nâng cao lòng tự hào, sức hút của đất nước và con người Việt Nam, thúc đẩy ngoại thương và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Ông Vũ Bá Phú
(Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương)
Bình luận (0)