Thương hiệu xa xỉ Pháp muốn chỉ giới CEO công nghệ Mỹ cách 'xài sang'

30/07/2018 20:48 GMT+7

Tại Thung lũng Silicon, giới tỉ phú từ lâu xuất hiện trong những bộ quần áo cơ bản và đơn giản. Giờ đây, khi vài hãng thời trang Pháp chào sân, có thể họ sẽ muốn “đổi gu” cao cấp hơn một chút.

Quần áo xa xỉ
Theo AFP, thương hiệu thời trang sang trọng Hermes của Pháp cho rằng Thung lũng Silicon có nhiều cơ hội. Vì thế, họ vừa mở cửa hàng thứ 34 tại Mỹ của mình ở thành phố Palo Alto, bang California, trung tâm của những tỉ phú công nghệ nổi tiếng thế giới.
“Chúng tôi mở cửa hàng mới này sau khi cửa hàng ở San Francisco gặt hái kết quả kinh doanh tốt. Đây cũng là khoản cược cho tương lai. Hiện bạn có thể thấy cư dân ở khu vực này đầu tư nhiều tiền hơn cho ô tô thay vì trang phục. Chúng tôi hy vọng mình có khả năng thay đổi thực tế trên một chút”, CEO Hermes, ông Axel Dumas, nói với cổ đông doanh nghiệp hồi tháng 6.
Sếp Guillaume de Seynes của thương hiệu Hermes nhận định Thung lũng Silicon có tiềm năng lớn. Ông cho hay: “Thành phố Palo Alto không xa San Francisco, nơi hàng xa xỉ ở khắp nơi, là bao. Tuy nhiên môi trường rất khác nhau. Mọi người đang rất tập trung vào thành công trong sự nghiệp, họ làm việc chăm chỉ nhiều giờ”. Hiện tại, tiềm năng của Palo Alto vẫn chưa nở rộ khi hầu hết cư dân Thung lũng Silicon cũng chỉ mặc quần jean, áo phông và mang giày thể thao.
Gu thời trang “thảm họa”
Cư dân Thung lũng Silicon thường mặc quần jean, áo thun, mang giày thể thao Ảnh: AFP
Không ít chuyên gia thời trang lắc đầu với gu ăn mặc của giới đại gia công nghệ Thung lũng Silicon. Đơn cử, nhà đồng sáng lập Eric Briones của trường Paris School of Luxury nhận định: “Nếu bạn thực sự để ý, thì Steve Jobs có gu ăn mặc thảm họa. Ngay cả khi giờ đây họ bắt đầu chú ý đến bề ngoài hơn, gu ăn mặc của họ vẫn rất đơn giản. Song điều này không ngăn họ kiếm được hàng tỉ USD”.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp startup có sức ảnh hưởng văn hóa doanh nghiệp lớn đến mức nhiều công ty trên thế giới ngày càng chuộng thường phục, áo quần giản dị nơi công sở. “Ngày nay, các sếp startup được xem là hình ảnh thu nhỏ của sự thành công. Với họ, quần áo là tiện dụng, là chức năng và chỉ là thứ yếu. Nếu họ mặc một bộ suit, nó phải không bị nhàu, nhăn vì họ không có thời gian chuẩn bị kỹ cho bản thân. Họ sống bận rộn, phải di chuyển từ máy bay này sang máy bay khác”, ông Briones nói.
Vì thế đến tận hôm nay, vẫn khá ít thương hiệu thời trang xa xỉ nghĩ đến việc mở rộng đến khu đại gia công nghệ Palo Alto. Hiện chỉ có ba thương hiệu Pháp là Hermes, Louis Vuitton và Cartier mở cửa hàng ở đây. Trong khi đó ở thành phố Santa Clara, những tín đồ thời trang cao cấp có thể tìm thấy nhiều cửa hàng của Christian Dior, Balenciaga và Yves Saint Laurent cùng có mặt trong một trung tâm mua sắm lớn của California.
Giúp Thung lũng Silicon “sống sang”
Cửa hàng Hermes Ảnh: AFP
Không mặc đồ hiệu nhưng giới triệu phú, tỉ phú công nghệ không phải là không biết đến sự xa xỉ. Elisabeth Ponsolle des Portes của hãng Comite Colbert, nơi tập hợp 82 thương hiệu cao cấp về thời trang, khách sạn, ẩm thực và văn hóa, cho hay: “Nhóm khách hàng đặc biệt này đã có thói quen, lối sống xa xỉ. Họ đầu tư rất nhiều tiền cho bất động sản, nghệ thuật, ô tô và từ thiện. Họ cũng biết nhiều về ẩm thực và rượu”.
Comite Colbert hợp tác với Đại học Stanford ở Thung lũng Silicon. Từ tháng 9, các nghệ nhân sẽ dạy cho sinh viên nhiều kỹ thuật được mài dũa qua nhiều thế kỷ của thợ kim hoàn Pháp. Trong tháng 12, hãng dự định chào đón 70 nhà công nghiệp và nhà đầu tư California đến Paris (Pháp), nơi họ sẽ tham quan nhiều xưởng may và dùng bữa tại Versailles.
“Chúng tôi đang gieo hạt”, bà Ponsolle des Portes nói, cho biết thêm công ty thực hiện các hoạt động trên không phải vì lợi nhuận tài chính. Công ty muốn giúp các cư dân Thung lũng Silicon hiểu rõ khác nhau giữa sự xa xỉ thực sự và sự sang trọng chỉ dựa trên marketing.
Ngoài vẻ đẹp của những chiếc khăn, sự sang trọng của các mẫu giày và túi xách, các hãng thời trang cao cấp Pháp cũng đem đến một bài học khác cho những gã khổng lồ công nghệ Thung lũng Silicon. Theo bà Ponsolle des Portes, giới công nghệ thích thú với tuổi đời lâu năm của nhóm doanh nghiệp hàng xa xỉ.
Hermes được thành lập tại Paris vào năm 1837, Cartier ra đời năm 1947 trong khi Dior thì xuất hiện năm 1946. Ngược lại, các hãng công nghệ trẻ hơn rất nhiều: Google được thành lập năm 1998 còn Facebook thì ra đời năm 2004.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.