Ngoài ghe trái cây tấp nập ở tuyến đường Trần Xuân Soạn dọc Kênh Tẻ (Q. 7, TP.HCM) ở khu vực kênh đằng sau chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), thương hồ cũng buôn bán tại đây. Vào mùa mưa, thương hồ gặp khó khăn vì buôn bán ế ẩm.
Lênh đênh sông nước
Khoảng 11 giờ trưa, trời TP.HCM đổ cơn mưa bất chợt. Thương hồ nhanh tay lấy chiếc mấy chiếc bạt quây kín xung quanh. Giông gió nổi lên, ai nấy nhanh chân vào ghe trú mưa, lòng nơm nớp sợ ngày hôm đó bán ế hàng.
Chủ các ghe hàng thường bán ở TP.HCM khoảng 4 – 5 ngày rồi lại đi ngược về miền Tây gom hàng. Trên ghe chất đầy dừa tươi, người bán gọt sẵn rồi bán với giá 100.000 đồng/12 trái. Ngoài ra, nhiều loại trái cây, rau củ, trứng gà, trứng vịt… cũng bày bán trên ghe.
Người dân xung quanh đến mua thường xuyên, tiếng cười nói rôm rả. Người mua đứng trên bờ nhận bịch trái cây, rau củ, chủ ghe mừng vì bán được hàng còn khách mừng vì mua được đồ tươi ngon, rẻ hơn ở chợ.
Chia sẻ với Thanh Niên, anh Nguyễn Thanh Phát (28 tuổi, quê Bến Tre) đi theo cha mẹ từ lúc còn nhỏ, bán ở khu vực bờ kênh này được 12 năm nay. Mẹ anh bán từ năm 1986, anh nối nghiệp và được mẹ hỗ trợ, bán từ năm 2012. Từ Bến Tre anh chạy ghe đi qua cầu Rạch Miễu, chợ Gạo (Tiền Giang) lên sông Vàm Cỏ, kênh Nước Mặn, Cần Giuộc (Long An) và đến TP.HCM. Thời gian chạy ghe khoảng 11 - 12 tiếng.
Cuộc sống lênh đênh của những thương hồ tại TP.HCM sống nương nhờ ghe hàng
"Nhà tôi ở dưới Bến Tre, sau khi chất hàng lên ghe lại chạy lên đây bán. Mỗi tháng bán ở đây chỉ được gần 20 ngày vì phải mất thời gian chuẩn bị hàng, di chuyển. Hồi trước mỗi đợt bán 4 - 5 ngày là hết hàng nhưng giờ ế hơn phải 6 - 7 ngày mới hết", anh Phát nói.
Anh Phát chia sẻ, ở miền Tây có trái cây, rau củ gì ghe hàng anh đều có hết, bán theo mùa. "Quen đâu bán đó" nên suốt nhiều năm qua, anh chưa có ý định sẽ lên bờ hoặc mướn mặt bằng ở chợ. Ở dưới ghe bán giá rẻ hơn trên bờ, giá như bán sỉ nên khách quen thường xuyên lui tới.
"Đợt này vào mùa mưa phải tấp ghe đi trú, tạnh mưa lại đem ra bán tiếp. Nhiều lúc mưa bất chợt không kịp xoay xở, ướt hết trái cây, đồ đạc trong ghe. Hồi xưa tôi đóng chiếc ghe này khoảng 200 triệu đồng, cả nhà trông vào đó kiếm kế sinh nhai. Rác thải tôi để trên ghe rồi mỗi lần về quê đem xuống chỗ tập kết bỏ lại, vỏ dừa mang về tái chế lại", chủ ghe cho biết.
Ở dưới ghe anh sắm những vật dụng cơ bản, "không thiếu thứ gì" để phục vụ cuộc sống. Thỉnh thoảng hết nước, anh lại xách can đi xin những người xung quanh. Ai nấy đều nhiệt tình cho nước vì người bán hàng đã quen mặt từ nhiều năm nay.
"Cực nhất là giông gió"
Vợ chồng anh có 3 người con (2 gái, 1 trai). Con lớn nhất năm nay học lớp 4, con thứ hai học lớp 3 và con út học mẫu giáo. Cả 3 đều được ông bà ở quê trông hộ, học ở Bến Tre để tiết kiệm chi phí. Dịp nghỉ hè, người con trai leo lên ghe đi bán cùng cha mẹ. Mỗi ngày thu nhập của vợ chồng anh khoảng 400.000 - 500.000 đồng để trang trải sinh hoạt và nuôi con ăn học.
"Giông gió là cực nhất, nhiều khi gió thổi ghe nhỏ phải kiếm chỗ trú miết. Mùa mưa mỗi đợt phải bán tới 6 - 7 ngày mới hết hàng. Tôi đã từng nghĩ lên bờ bán nhưng chi phí không đủ trả thêm tiền mặt bằng nên đành gác lại", anh Phát trải lòng.
Ông Lê Huỳnh Lâm (48 tuổi, quê Bến Tre) lênh đênh bán hàng trên ghe được 30 năm nay. Chiếc ghe chật chội chất đầy trái cây, trứng gà, trứng vịt… là nơi ở của gia đình 5 người gồm vợ chồng ông và 3 con trai. Mọi người phải mắc thêm 3 chiếc võng mới có chỗ ngủ, mùa mưa khiến giấc ngủ cũng trở nên chập chờn.
"Thuê mặt bằng bán trên bờ cũng được nhưng chi phí chở hàng từ quê lên TP.HCM cao quá, phải đẩy giá lên, khi đó khổ cho khách và cả nhà vườn. Quê xứ dừa, ai cũng có nên buộc phải lên thành phố. Mỗi lần về quê lấy hàng tôi chở cả khối nước, cân đo dùng cho cả đợt", ông Lâm nói.
Cũng theo người đàn ông, dù sau này có đổi ghe, lên bờ vẫn gắn bó với nghề bán trái cây. Dù không giàu có, dư dả nhưng nghề đã nuôi sống cả gia đình nhiều năm qua. Ở quê cũng ít người bán ở ghe như ông nên gia đình sẽ cố gắng bán đến khi không có thể.
Bà Nguyễn Thị Dân (48 tuổi), vợ ông Lâm bày tỏ: "Hồi trước tôi ở nhà chăn nuôi còn chồng bán hàng ở ghe. Mấy năm nay nuôi heo nhưng bị dịch nhiều quá, tôi bỏ nghề đi bán cùng chồng. Tôi bán ở ghe quen nên không sợ gì, buổi tối bật đèn sáng trưng, có mấy ghe cùng bán nữa nên đông vui, nhộn nhịp".
Bình luận (0)