Mỗi năm, cứ đến những ngày cận tết là mẹ tôi lại đến thửa ruộng của các cô chú hàng xóm để tự tay lựa những cây cải có bắp to tròn về làm dưa. Sau khi mua về, mẹ tranh thủ rửa sạch qua nước lạnh sau đó trụng sơ qua nồi nước sôi để cải có độ héo nhất định. Để nguội, mẹ đi cắt những tàu lá chuối quanh nhà rồi ủ cải qua một đêm. Tranh thủ lúc mẹ trụng cải, ba tôi đã rút cạn nước trong chiếc khạp da bò, chùi rửa cẩn thận để sáng hôm sau bỏ cải vào khạp.
Mẹ tôi xếp cải vào chiếc khạp da bò |
Nguyễn Điền |
Sáng 26 tháng chạp, mới 5 giờ sáng mà tôi đã bị mùi khói bếp của mẹ đánh thức. Vẫn chiếc chảo gang mà cha, mẹ mua được hồi mới ra ở riêng, mẹ dùng đun sôi nước ngâm cải. Khác với những nơi khác, phần nước ngâm của mẹ chỉ đơn giản là muối và đường mía vàng. Mớ cải được ủ qua một đêm đã chuyển màu vàng nhạt được mẹ rửa kỹ một lần nữa với nước sạch. Sau công đoạn này cải được xếp ngăn nắp vào chiếc khạp da bò. Phần nước ngâm sau khi để nguội được cho vào phần cải sao cho nước săm sắp là đạt yêu cầu.
Ruộng cải xanh mướt ngày 25 tháng chạp |
Nguyễn Điền |
Đợi từ 3 đến 4 ngày sau là những bẹ cải đã trở nên vàng ươm, có vị chua đặc trưng sẵn sàng để dọn kèm với thịt kho trứng cúng rước ông bà ngày 30 tết. Sở dĩ tôi thuộc nằm lòng cách làm món cải chua của mẹ không phải vì bản thân đã tự tay làm qua nhiều lần mà món ăn dân dã này đã từng gắn bó với tuổi thơ tôi cách đây hơn 15 năm. Nhớ ngày đó cha mẹ làm nông, trước tết 2 tháng là tới vụ cải làm dưa. Từng cây cải con được quấn trong chiếc bầu bằng lá chuối và tro than được gieo xuống mảnh ruộng khoảng 2 công đất (hơn 2.000 m2). Thường thì mất khoảng từ 2 đến 3 ngày cha, mẹ tôi mới gieo xong ruộng cải. Vẫn nhớ như in sau buổi đi học về, ăn vội chén cơm với tóp mỡ kho khô, canh bí đao là tôi lại chạy vọt ra ruộng để gieo cải phụ. Nói là phụ nhưng cứ 20 phút là tôi lại chịu không nổi cái nắng gắt mà tìm bóng râm để nghỉ mệt.
Cải mới được thu hoạch |
NGUYỄN ĐIỀN |
Đến khoảng 20 tháng chạp là bắt đầu thu hoạch cải, ngoài bán tươi cho các cô chú hàng xóm thì mẹ tôi lại tất bật làm cải chua để mang lên chợ bán. Nhà ở huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) nên thường mang cải chua qua chợ Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) hay chợ Cái Côn (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) để bán. Miền sông nước thời ấy ưa chuộng phương tiện đi lại là ghe xuồng, chợ quê ngày đó cũng thường tập trung ở cửa sông, ven sông để tiện bề giao thương. Trên chiếc vỏ lãi mượn bên nhà nội, cha tôi chở cả nhà 3 người cùng những khạp dưa cải, cải tươi lên chợ bán. Ngày ấy tôi còn nhỏ, chưa đủ sâu sắc để cảm nhận được nỗi vất vả của cha mẹ nên cứ mỗi lần được đi theo lên chợ là vui mừng thay quần áo đẹp.
Cải được ủ qua một đêm |
NGUYỄN ĐIỀN |
Sau khi giao cải cho các sạp bán đồ trong chợ, mẹ tôi lại tranh thủ mang mớ cải chua bỏ vào chiếc thúng tre, tay cầm theo lá chuối và cái cân nhỏ, len lỏi qua từng con hẻm trong chợ để bán. Khổ cực từ nhỏ nên những người phụ nữ như mẹ tôi đã rèn luyện được một thể lực rất tốt, mẹ đội chiếc thúng chứa 7 đến 8kg cải chua trên đầu là chuyện thường tình. Mỗi kg cải chua ngày đó chỉ có giá từ 2.000 đến 3.000 đồng, nhưng gia đình chúng tôi chỉ mong bán hết để được cái tết no đủ.
Cải được xếp ngăn nắp vào chiếc khạp |
NGUYỄN ĐIỀN |
Cứ độ 26 tết mà dưa cải chưa bán hết là cả nhà tôi lại đầy tâm trạng, tôi ngày đó vô tư nên chẳng nhận ra điều gì đến khi ba nặng lời với mẹ. Tôi không bao giờ trách ba, bởi cái khổ, cái nghèo đã làm cho người đàn ông ấy dần trở nên ít nói và cũng chẳng còn thời gian để vun đắp giá trị tinh thần. Có một điều mà tôi và cả mẹ luôn chắc chắn rằng chúng tôi luôn là những thứ quan trọng nhất của cuộc đời ông.
Mớ cải chua cuối cùng cũng được mẹ tôi bán hết vào ngày 28 tết với giá 1.500/kg. Tranh thủ buổi chợ chiều mẹ dắt tôi len lỏi qua dòng người chật kín của chợ Cái Côn để sắm chiếc áo tết, thi thoảng tôi lại ngửi thấy mùi chua của cải chua trên tóc mẹ lẫn với hương thơm của vải mới. Ba tôi thì tranh thủ đến hàng thịt mua 2 kg để về kho rệu đón tết, thêm một ít bánh kẹo là ngôi nhà được lợp bằng lá dừa nước của chúng tôi đã ấm cúng hơn bao giờ hết. Sau một năm vất vả, gương mặt của ba cũng bớt đi phần đăm chiêu mà nở nụ cười chân chất khi thấy tôi líu lo bên chiếc áo sơ mi trắng vừa mới sắm.
Tết này tôi lại càm ràm khi cha mẹ cứ lục đục trong bếp làm cải chua: “Giờ người ta bán đầy đường sao cha mẹ không mua cho tiện”. Nhưng ba nói: “Mày lớn lên được ăn học đàng hoàng cũng là nhờ khạp dưa cải này, phải biết mình lớn lên từ đâu mà gìn giữ những cái truyền thống nha con”.
Bình luận (0)