Thương lái ra sức ép giá người chăn nuôi

08/01/2022 07:20 GMT+7

Lợi dụng sức mua trên thị trường giảm sút trong khi áp lực tài chính đè nặng cuối năm, thương lái đang tìm mọi cách ép giá người chăn nuôi.

“Đục nước béo cò”

Nếu như một vài năm trước, dịp cuối năm là thời điểm tất bật của thương lái, của các lò mổ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt bò thì năm nay tình hình lại nhàn nhã chưa từng có. Anh Ba Tài, một lái bò lâu năm ở tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Mấy chủ bò gần đây tìm nơi tiêu thụ nhiều lắm, tôi phải từ chối, bởi vì mình có mối lái hết rồi. Lo đẩy hết bò của mình không đã đủ mệt, làm sao gánh được cho người khác”.

Đặc thù ở các tỉnh miền Tây là lái bò thường tới nhìn và đưa ra số ký, gọi là cân bằng mắt. Họ muốn ép giá thì cứ chê chỗ này chỗ kia, chê đùi không nở, chê bụng bự...

Tôi có một cặp bò cần bán để có tiền xài tết mà rao mãi vẫn chưa có người mua, trong khi thương lái lại trả rất rẻ

Anh Lê Hoàng Khải, chủ một nông hộ tại H.Vũng Liêm (Vĩnh Long)

Không chỉ giảm về lượng, theo anh Trần Văn Minh, chủ một trang trại tại Tân Uyên, Bình Dương: “Năm nay người chăn nuôi lại khổ vì giá bò giảm mạnh. Thương lái lợi dụng nhu cầu muốn bán ra của nhiều người nên càng ép giá. Năm trước giá bò hơi tại trại lên đến 100.000 đồng/kg, họ giành nhau mua. Năm nay gần đến tết rồi mà giá đang rớt còn 80.000 - 85.000 đồng/kg, thấp hơn cả ngày thường”. Còn anh Lê Hoàng Khải, chủ một nông hộ tại H.Vũng Liêm (Vĩnh Long), cũng chia sẻ: “Đặc thù ở các tỉnh miền Tây là lái bò thường tới nhìn và đưa ra số ký, gọi là cân bằng mắt. Họ muốn ép giá thì cứ chê chỗ này chỗ kia, chê đùi không nở, chê bụng bự... Tôi có một cặp bò cần bán để có tiền xài tết mà rao mãi vẫn chưa có người mua, trong khi thương lái lại trả rất rẻ”. Anh Trần Đình Đại, chủ trại bò tại Đan Phượng (Hà Nội), cho biết: “Trại tôi có 5 con bò 3B cần bán, con nào cũng nặng từ 600 - 700 kg, nhưng mà lái trả thấp quá, tôi tiếc nên chưa bán”.

Thịt heo, bò tại chuồng bị thương lái ép giá, nhưng ra đến chợ, cửa hàng giá vẫn cao

Khả Hòa

Tình hình mua bán bò thịt ở khu vực các tỉnh phía bắc càng căng thẳng hơn vì thời tiết đang rét, thiếu cỏ để chăn nuôi trong khi giá thức ăn thì tăng cao. Anh Trần Bảo Kiên, chủ trại bò tại Việt Trì (Phú Thọ), bộc bạch: “Thời điểm này các chủ chăn nuôi như đang ngồi trên lửa vì giá bò thịt giảm liên tục. Ai mua bê giống từ đầu năm trước thì xem như lỗ hoặc may mắn là hòa vốn. Nhiều người xót của nhưng vẫn quyết tâm bán vì bò đến thời điểm xuất chuồng, càng để càng tốn kém chứ không tăng trọng được nữa. Mặt khác, giá bò thịt giảm nhưng giá bê giống cũng giảm, vì vậy họ quyết cắt lỗ để mua lứa khác gỡ gạc lại sau”.

Người chăn nuôi thua lỗ nặng nề trong cả năm 2021

Quang Thuần

Không chỉ có người nuôi bò chịu cảnh o ép của thương lái, các hộ nuôi heo cũng nổ ra cuộc chiến với những người đi thu mua khi một bên muốn mua giá thấp, một bên không muốn lỗ. Chị Võ Thị Bích Trang, chủ trại chăn nuôi heo tại Bà Rịa-Vũng Tàu, bức xúc kể: “Thời gian gần đây giá heo hơi xuống thấp, tìm đầu ra cho heo đến lứa xuất chuồng rất khó khăn, muốn tìm được lái mua phải thông qua cò giới thiệu. Mới đây, lái trả giá, chốt giá 48.500 đồng/kg nhưng đến nơi lại tiếp tục ép xuống 44.000 đồng/kg. Việc lái kỳ kèo ép giá hoặc hủy không mua nữa là chuyện xảy ra như cơm bữa”. Theo tính toán, chi phí giá thành của các hộ chăn nuôi heo là 53.000 - 60.000 đồng/kg, với giá bán hiện nay chỉ khoảng 48.000 đồng/kg thì người chăn nuôi đang lỗ nặng. Tuy nhiên, bức xúc hơn nữa là tình trạng thương lái lợi dụng sức mua trên thị trường giảm sút để ép giá người chăn nuôi.

Chênh lệch giá thịt, ai hưởng lợi?

Mặc dù giá bò thịt tại chuồng đang bị thương lái ép giá nhưng ghi nhận của chúng tôi trên thị trường bán lẻ, giá thịt bò vẫn không giảm so với trước, thậm chí còn tăng lên trong dịp cuối năm. Ghi nhận tại các chợ và một số cửa hàng phân phối thịt bò VN: thịt bò phi lê giá 240.000 đồng/kg, thăn lưng 220.000 đồng/kg, đùi mềm loại 1 là 215.000 đồng/kg, đùi mềm loại 2: 205.000 đồng/kg, bắp hoa: 250.000 đồng/kg… Tính ra giá cao gấp 3 - 4 lần giá bò hơi mua tại chuồng!

Tương tự, tại TP.HCM, giá thịt heo bán lẻ ở các chợ mặc dù có giảm nhưng vẫn khá chênh lệch so với giá heo hơi: thịt ba rọi heo rút sườn giá 262.000 đồng/kg; thịt nạc dăm, nạc đùi, vai heo giá 180.000 đồng/kg... Chị Hồng Uyên, chủ một cửa hàng phân phối thực phẩm tại TP.HCM, cho biết chị lấy thịt heo từ Đắk Lắk để phân phối lại, giá có giảm nhưng cũng chỉ khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, chứ không có giảm nhiều như thịt heo hơi. Anh Tú, chủ một lò mổ trâu bò ở TP.Tân An (Long An), buồn bã nói: “Nếu không có dịch, bình quân mỗi ngày tôi giết mổ 10 - 12 con/đêm để cung cấp thịt cho các chợ ở TP.HCM như chợ Phạm Văn Hai, chợ Bình Điền, sau đó các chủ bán sỉ phân phối bán lẻ trên địa bàn thành phố. Thời điểm cuối năm thì phải làm cả ngày đêm mới đủ cung cấp. Nhưng tình hình dịch năm nay còn tệ hơn năm trước. Nhà hàng, quán ăn thì hoạt động cầm chừng, khách cũng hạn chế tổ chức tiệc tất niên, nhu cầu tiêu thụ sụt giảm nghiêm trọng nên lò mổ chúng tôi cũng phải giảm công suất trong khi chi phí hoạt động, nhân công vẫn phải giữ nguyên. Chính vì vậy giá bán lẻ ra thị trường đâu có giảm được”.

Chị Nguyễn Thị Bé, đầu mối phân phối thịt bò sỉ tại chợ Phạm Văn Hai (TP.HCM), thừa nhận: “Bình quân mỗi ngày tôi bán 10 - 15 con bò thịt, đến tết có khi lên đến 20 con/ngày, làm xuyên tết không có thời gian nghỉ ngơi. Mọi năm giá thịt bò lên rất cao trong mùa tết, nhưng năm nay tất cả đều bị ảnh hưởng, ngay cả vựa của tôi cũng giảm sản lượng bán ra hơn một nửa. Thịt bò bán lẻ đến tay người tiêu dùng phải qua nhiều khâu phân phối nên dĩ nhiên giá bị đội lên nhiều lần”.

Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Văn Nhiều Em (ĐH Cần Thơ), phân chia thu nhập và lợi nhuận trong chuỗi chăn nuôi - tiêu thụ bò thịt hiện nay tại các tỉnh ĐBSCL thì lợi nhuận cao nhất thuộc về lò mổ với 80%, kế tiếp là người bán sỉ với tỷ lệ lợi nhuận 11,6%, người thu mua chiếm 4,3%, thứ tư là người bán lẻ chiếm 3,5% và cuối cùng là người chăn nuôi, lợi nhuận chỉ chiếm 0,6%.

Lý giải về điều này, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), cho rằng giá bán lẻ tăng cao do khâu lưu thông, phân phối, còn giá xuất chuồng giảm là do ứ đọng và nhu cầu tiêu thụ ở các địa phương lớn giảm mạnh. Đại diện Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cũng cho rằng, hiện nay việc phân bổ lợi nhuận trong chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ còn bất hợp lý. Cụ thể, trong chuỗi sản xuất sản phẩm chăn nuôi hiện nay, người chăn nuôi là người yếu thế, dễ bị tổn thương nhất. Đầu vào của người chăn nuôi do các công ty quyết định, còn đầu ra lại do người mua quyết định, người chăn nuôi làm ra sản phẩm nhưng luôn là người chịu thiệt hại.

Theo Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có hơn 2,3 triệu hộ nuôi bò thịt, với tổng đàn bò ở VN khoảng 6,3 triệu con. Hầu hết các hộ chăn nuôi theo quy mô nhỏ dưới 5 con/hộ, chăn nuôi quy mô trên 20 con/hộ chỉ chiếm 0,21% tổng số hộ nuôi bò thịt. Chính vì quy mô manh mún, nhỏ lẻ nên cần đội ngũ thương lái để đi thu mua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.