Đã hết năm rồi, trời đất đang vận hành để tiến vào một mùa xuân mới. Ấy vậy mà một cơn bão lớn vẫn quét qua đất nước Philippines rồi tiến vào biển Đông, tạo ra mưa to gió lớn trên nhiều tỉnh miền Trung ruột thịt.
Sự biến đổi khí hậu đã và đang chứng minh sức mạnh hoang dã của nó. Miền Trung lại một lần nữa oằn mình hứng chịu và chống chọi với mưa lũ.
Sức chiến đấu của người miền Trung để bảo vệ cuộc sống, đời sống của mình trước thiên nhiên khắc nghiệt là vô địch. Trên quê hương ấy, mùa hè nắng như lửa, mùa đông mưa như dầu. Tháng 10.2016, mưa lũ tràn ngập các tỉnh bắc miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; gây ra nhiều thiệt hại về người và của cho bà con thân yêu của chúng ta. Đồng bào cả nước đã mở rộng tấm lòng sẻ chia, đùm bọc, giúp bà con bắc miền Trung vượt qua trận thiên tai lớn, ổn định cuộc sống và sản xuất.
Tháng 11 và 12 mưa lũ lại tràn ngập các tỉnh nam miền Trung và cao nguyên như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai và cả Lâm Đồng. Những trận mưa liên tiếp kéo dài nhiều ngày, lượng mưa cao bất thường làm nước tràn từ cao nguyên xuống đồng bằng, vượt cao trình tối đa những hồ chứa và đập thủy điện, biến nam miền Trung thành một biển nước mênh mông.
Không một sức mạnh nào có thể sánh với sức mạnh của nước lũ. Một ngôi làng trù phú, tươi đẹp, đầy sức sống chỉ cần năm phút cơn lũ lớn quét qua là hóa thành bình địa.
Trận mưa lũ dai dẳng năm 2016 nhắc lại cho người miền Trung nhớ đến trận lụt năm Giáp Thìn 1964. Năm ấy, mưa lũ ở nam miền Trung cũng lớn vậy, cũng gây ra nhiều thiệt hại cho bà con ta vậy nhưng chỉ diễn ra trong vòng ba ngày rồi dứt hẳn.
Đằng này, mưa lũ ở cuối năm 2016 diễn ra liên tiếp, kéo dài trên một tháng. Bình Định - một tỉnh tươi đẹp bậc nhất của nam miền Trung đã phải hứng trọn năm trận lũ, nhiều nạn nhân qua đời, hệ thống đê điều tan nát, nhà cửa bà con sụp đổ, ruộng vườn tràn ngập cảnh sa bồi thủy phá.
Điều đáng sợ nhất do mưa lũ đem lại là hiện tượng sa bồi thủy phá. “Sa bồi” có nghĩa là cát bị dòng nước chảy mạnh đưa đi khắp nơi, đến những vùng ruộng trũng thì bồi lắng lại che lấp hết mặt đất màu mỡ để trồng lúa. “Thủy phá” có nghĩa là sức nước chảy quá mạnh phá hủy hết cầu cống, đê điều, bờ đường, ranh đất, làm biến dạng vườn ruộng của người nông dân.
Lũ sông Vu Gia đưa sa bồi về làm hư cả trăm héc ta trồng rau màu của nông dân Đại Lộc (Quảng Nam). Lũ sông Kôn làm sa bồi hàng ngàn héc ta ruộng lúa của nông dân các huyện Phù Mỹ, An Nhơn, Phù Cát (Bình Định). Lũ sông Ba làm sa bồi hàng ngàn héc ta ruộng lúa của cánh đồng Tuy Hòa vốn nổi tiếng màu mỡ.
Làm sao để khôi phục sản xuất? Người dân miền Trung chỉ còn cách hớt bỏ từng mảng cát trên mặt ruộng để tìm lại lớp đất mặt màu mỡ cũ. Rõ ràng lúa không thể trồng và mọc trên cát được. Công việc tái tạo mặt ruộng đó thật gian nan, vất vả.
Ngày xưa, nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Ruộng khô, có những ông già rách vai/ Cuốc đất bên đàn trẻ gầy/ Có người bừa thay trâu cày”. Nghe câu hát ấy, ta đã hình dung ra hình ảnh người nông dân miền Trung gian nan, vất vả đến chừng nào. Vậy nhưng chưa đâu! Hớt bỏ từng mảng cát bồi trên mặt ruộng còn gian nan, vất vả gấp trăm lần so với cày trên ruộng khô và kéo cày thay trâu.
Nếu lũ lớn về đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu rồi tràn ngập khắp ruộng lúa các tỉnh Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang và bắc Tiền Giang thì bà con nông dân Nam bộ xem đó là niềm hạnh phúc bởi năm ấy ruộng vườn có thêm phù sa màu mỡ, cá tôm về đầy sông rạch.
Lũ có tràn ngập đầu nguồn thì nước vẫn thoát hết ra các kênh T4, T5 ra biển tây ở Kiên Giang. Thế nhưng, lũ lớn mà về tràn ngập miền Trung thì đó là tai họa, là cơ hội để sa bồi thủy phá làm hại sản xuất nông nghiệp. Bưng bát cơm ở miền tây Nam bộ, ta hiểu đó là bát cơm hạnh phúc nhưng bưng bát cơm ở miền Trung, ta còn nhận ra trong đó nỗi lo toan, niềm gian nan và giọt mồ hôi của người nông dân miền Trung vất vả.
Những cơn mưa lũ dai dẳng cuối năm 2016 đã khiến bà con nông dân Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi phải ăn mì gói cứu trợ cả tháng. Nhiều người chỉ biết ăn mì khô, bẻ ra mà ăn vì không có nước nấu, cũng không có phương tiện để nấu.
Chính vì vậy, Chính phủ đã cứu trợ khẩn cấp gạo cho bà con, đồng bào hảo tâm cả nước đã dang tay đùm bọc để mỗi nhà, mỗi người đều được ăn bát cơm. Ta nghe trong bát cơm ấy có giọt nước mắt rưng rưng của những phận nghèo được sẻ chia. Người nông dân của một đất nước nông nghiệp chuyên trồng lúa, xuất khẩu gạo xứng đáng được ăn bát cơm ngon, dù chỉ là ăn với cá khô hay mắm cái!
Trong gian nan của mưa lũ chợt sáng lên hàng trăm, hàng ngàn tấm lòng nhân ái vĩ đại. Bốn cô giáo ở An Hiệp, Tuy An (Phú Yên) đã không ngần ngại hy sinh thân mình để bảo vệ cho 15 cháu mẫu giáo 5 tuổi được sống và trở về trong vòng tay yêu dấu của gia đình. Cứu được một người công đức đã lớn lao, huống chi cứu được cả 15 đứa trẻ.
Cả nước hướng về các cô mẫu giáo ở An Hiệp, ca ngợi và biết ơn tấm lòng làm mẹ của các cô. Không cần đến những khẩu hiệu màu mè hoa mỹ, bốn cô giáo miền quê đã làm sáng lên phẩm chất tươi đẹp của nhà giáo VN - nhà giáo nhập thể và nhập thế.
Mưa lũ tàn phá nhiều thứ, trong đó có những giá trị văn hóa. Mùa hoa tết năm nay của bà con miền Trung bị tàn phá nặng nề. Nếu đúng như dự kiến, bà con chăm hoa, ươm hoa, trồng hoa từ tháng 10 dương lịch để đến tháng 1 dương lịch năm sau thì bán tết.
Các làng nghề trồng hoa ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên nổi tiếng với mai vàng, cúc vàng đại đóa, vạn thọ, thược dược, tường vi, lay ơn, huệ đỏ... Nước lũ ngâm lâu ngày khiến ngàn hoa tàn héo. Tôi sực nhớ một lần về cùng một người bạn giữa ngày tết trên phố Hội An (Quảng Nam), đi qua những phố rực rỡ vàng hoa cúc mà lòng thanh thản lạ kỳ. Không hiểu tết nay, có chậu cúc vàng nào bâng khuâng bên hiên chờ tôi về nữa không?
Mưa lũ xóa nhòa nhiều kỷ niệm sống của đời người. Tôi nhớ ngày xưa khi vừa lớn lên, nhà tôi nằm giữa hai dòng sông thơ mộng - phía bắc là sông Thu, phía nam là sông Ly Ly của tỉnh Quảng Nam. Năm mươi năm thủy phá, căn nhà thơ mộng ấy đã chìm xuống đâu đó giữa một ngã ba sông mênh mông những nước. Ngày xưa, thôn Đông có cây đa già mấy trăm tuổi, bên gốc đa là một vạt đất bằng phẳng rộng cả ngàn mét vuông để mỗi khi tết đến người làng tôi tụ họp lại chơi hội Bài chòi.
“Tui lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê tui nhỏ không nằm với tui/ Bây chừ mười chín, hai mươi/ Tui ngủ dưới đất thì chồng cũng lôi lên giường/ Một rằng thương, hai rằng thương/ Có bốn cẳng giường hằn gãy sạch trơn/ Ớ bạn mình ơi là con Tứ cẳng, Tứ cẳng nó ra rồi”. Cây đa và vạt đất ấy đã chìm sâu dưới sông Ly Ly. Đêm qua xem ti vi, tôi thấy con đường về thôn Đông đã sạt lở. Nước mưa lũ đưa con đường trôi về đâu đó ngoài cửa Đại. Cả cây đa, vạt đất và câu hô Bài chòi thân ái cũng tàn lụi với hiện tượng thủy phá kinh hoàng của thiên nhiên.
Miền Trung - quê nhà yêu dấu của chúng ta là như vậy. Thiên nhiên khắc nghiệt, sự thay đổi khí hậu có tàn phá nhưng lòng người vẫn không dời đổi, con người vẫn chung sống một cách tự nhiên với thiên nhiên.
Con người sẽ dựng lại nhà, sẽ chăm sóc lại ruộng vườn, sẽ ươm lại hoa. Các em thơ sẽ vào trường đầy đủ, học hành chăm ngoan dù những trang sách giáo khoa có thể lấm lem bùn đất. Nguồn sống, đời sống sẽ phát triển. Theo quy luật tự nhiên, mùa xuân sẽ đến, nắng xuân sẽ làm ấm lại lòng người, ấm lại những tình yêu đôi lứa.
Bình luận (0)