1. Hồi chưa biết yêu, vài lần nghe người ta nói, đừng dại lấy chồng miền Trung, nóng nảy cộc cằn lại gia trưởng, chiều không nổi đứt gánh như chơi. Thế mà, lại vớ ông chồng Hà Tĩnh. Có lần cãi nhau, chồng cứ tau, bây, tôi vặc lại gọi kiểu gì đấy. Ở quê gọi rứa quen rồi, không bỏ được. Lần ấy, cãi hăng quá, chồng bảo tau không ở được với bây nữa, rồi quyết đèo ra tòa. Chừ mầm răng để bỏ ngay luôn, em chịu không nổi nữa. Mấy người trong tòa cười, muốn bỏ cũng phải chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, tòa hòa giải không được mới ly hôn, cũng khoảng hơn tháng đấy. Quay xe về, chồng vẫn hằm hằm, tau đi mầm giấy tờ luôn, sống như ri răng chịu nổi.
Khoảng hơn tiếng sau, tiếng xe đỗ xịch ngoài sân, chồng tươi rói đi vào, ba mới thay cho mẹ cái lốp trước, thay nhớt luôn. Người chi lạ, đi xe mà chẳng bao giờ chăm sóc. Rồi khèo khèo, ba mầm răng bỏ mẹ mi, tính ba nóng thì nói rứa.
Có lần, cu con bẻ gãy kính cận, chồng cáu bây chả được cái nết chi, chỉ phá của. Thế mà, lụi cụi một lúc mang ra cái kính đã gắn lại, đeo tạm đi, bữa mô tau chở đi cắt cái mới.
Lấy chồng miền Trung, chẳng mấy khi nghe được lời ngon ngọt đâu nhưng lạ, lại không giận được mấy hồi nên thương 6 năm, lấy 5 năm mà chừ vẫn chưa thấy chán đó chăng.
2. Lúc hai đứa về Kon Tum, ban đầu có chút không đành lòng vì không có ông bà nội ngoại, anh em ở xa. Về rồi mới biết, cứ ra ngõ là gặp “người nhà”. Ở đây không có dân gốc, chủ yếu từ người Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa… thoát ly quê nhà từ sau giải phóng, đến nơi đất khách gặp người đồng hương, cùng chung giọng nói thì dừng lại cắm dùi, phát triển kinh tế rồi gia tăng luôn dân số. Họ xởi lởi, cởi mở và hiếu khách. Trồng được cây rau, luống cà hay nuôi được con gà, cá… đều chia năm phát bảy cho chòm xóm, láng giềng.
Có bận, đi chợ về mới nhớ quên túi thịt ở đâu đó. Ba ngày sau ra chợ, chị Kiều hàng rau kêu lại, cô ghé bà Tư lấy thịt, quên ở hàng tôi chờ mãi không thấy quay lại nên gửi tủ lạnh bà Tư đối diện chợ đấy. Chị Kiều theo chồng từ Nghệ An vào đây ngót 20 năm. Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Chồng nghiện rượu. Ông ưa có thằng con trai mà chị đẻ sòn sòn 4 con “vịt” nên ông chửi, đánh chị hoài. Đứa thứ 5 tòi được thằng cu, mà tính chồng vẫn vậy. Xe rau của chị là kế sinh nhai chính. Tôi bảo chỉ lên nhà em lấy sả mà bán, em cho. Lần nào cắt, chị cũng dúi tiền vào tay, để lần sau rồi chị lấy…
Lần khác, đi xe buýt từ cơ quan về vì đang bầu hơn 8 tháng, gặp được anh lơ xe cũng kỳ. Đưa tiền mấy bận, cứ bảo chị cầm đấy, gần xuống thì đưa. Đến bến, anh lại ra dấu bảo cất tiền đi, đợi bác tài dừng hẳn xe rồi đỡ tôi xuống. Chị vác cái bụng y chang con xề nhà em, em cũng sắp có một con tẹt. Chiếc xe lăn bánh mang theo nụ cười hạnh phúc của chàng trai Quảng Trị làm sáng cả con phố dài phía trước.
3. Lần đầu tiên tôi về ra mắt, dù đã 2 giờ sáng, mẹ chồng vẫn đợi bên mâm cơm nóng hổi. Sau này, lần nào về dù là nửa đêm hay gần sáng, dù là hè hay đông luôn có những món ăn bình dị, thơm ngon đợi sẵn. Bất cứ ai đến đều được tiếp đón như người nhà. Đôi khi chỉ là con gà ngoài chuồng, con cá dưới ao, nắm rau dại trong vườn… Dưới bàn tay của mẹ, tất cả đều trở nên đậm đà, thơm ngọt như tình người miền Trung. Chồng bảo, em phải học mẹ mà nấu ăn. Dù đi đâu ăn gì, món mẹ nấu vẫn là ngon nhất.
Năm 2017, cha đào ba hồ cá, thả hơn chục triệu tiền giống, sắp thu hoạch thì cơn bão số 10 quét qua, cá trôi hết cá ruộng chỉ trơ lại bùn nhão. Vạt tràm trên đồi hơn 2 ha cũng ngã rạp. Giọng cha nghẹn ngào trong tiếng gió: “Mất sạch rồi có chi nữa con”. Bão qua, cha lại lội bùn đắp lại bờ ao, chặt cây chống từng bụi tràm đứng dậy, lại hiên ngang như con người miền Trung bao năm bị thiên tai quật ngã vẫn vươn mình đứng lên. Mỗi lần chúng tôi trở về, cha luôn nói, còn cha mẹ đây, các con không phải lo chi cả.
Nhà thơ Huỳnh Minh Nhật viết Miền Trung quê tôi với những câu hỏi đau đáu: “Nơi đâu? Nơi đâu bão lũ cuốn trôi/ Nơi đâu nắng tháo mồ hôi đổi màu da tóc?/ Nơi đâu khổ cực bao la nhưng con người không ngã!”. Nơi đâu… ngoài mảnh đất miền Trung với mùa hè nứt nẻ đất đai, mùa lũ lụt cuốn trôi cả gia sản thì con người làm sao bình tĩnh, hiền hòa cho được, nhưng sau những cơn oặn mình đấy, họ vẫn đứng lên, vượt qua những thử thách của đất trời để gieo nên những mầm xanh, niềm hy vọng mới, gieo cả tình thương, vấn vương mà ai lỡ vướng vào thì khó mà dứt ra được.
Tự hào lắm, khi là một phần của miền Trung!
|
Bình luận (0)