Đầu những năm 1980, cha mẹ dắt sáu chị em chúng tôi vào miền Đông Nam bộ lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Nơi chúng tôi đặt chân đến là vùng đất Sông Bé (cũ), lúc bấy giờ còn rặt những rừng, đồi, suối.
Cái cảm giác đầu tiên là lo lắng bất an, chẳng biết việc lựa chọn rời xa quê hương là sai hay đúng. Thế nhưng đã quyết tâm rồi thì phải bắt tay vào để thay đổi cuộc sống. Gia đình chúng tôi và nhiều gia đình khác nữa bắt đầu lập lán, đào giếng, khai hoang, trồng trọt. Nhà ai khai phá được bao nhiêu đất rừng thì canh tác bấy nhiêu, và để cho công việc năng suất hiệu quả hơn, các gia đình tiến hành đổi công với nhau. Cả xóm tập trung làm cho gia đình này ít bữa rồi chuyển sang nhà khác, với sức mạnh của tập thể chẳng mấy chốc mỗi nhà đều có những mảnh vườn tinh tươm.
Không thể kể hết những khó khăn khi bước đầu lập nghiệp, buổi ấy cứ khoai sắn thay nhau các bữa cơm, nhưng chúng tôi vẫn lớn nhanh một cách kỳ lạ. Dần dần mọi người tìm được các giống cây trồng như điều, tiêu, cao su và các loại cây ăn trái khác về trồng trên mảnh đất của mình. Kinh tế cũng bắt đầu khởi sắc.
Ngoài việc chăn nuôi trồng trọt tại nhà, cha mẹ tôi còn tham gia làm công nhân cho nông trường cao su. Có lẽ tuổi thơ tôi gắn bó với gốc cao su nhiều hơn bất kỳ trò chơi tuổi nhỏ nào, gốc cao su như trở thành người bạn, người anh để tôi tâm sự. Từ khi nhận thức được tôi đã gắn bó cùng gốc cao su, đó là khi theo cha mẹ đi vun vồng, bỏ phân tưới nước lúc cây chỉ là những bầu tum nhỏ. Rồi làm cỏ, quét lá đánh rãnh phân luồng...
Tôi cứ một buổi đi học lại một buổi phụ giúp cha mẹ chăm sóc những gốc cao su, ấy là cao su của nông trường và cha mẹ tôi là công nhân chăm bón. Vui nhất có thể kể tới mùa giáp tết khi những tán cao su bắt đầu vàng ối, những chiếc lá vàng đầu tiên rơi xuống là lúc lũ học trò chúng tôi vừa chạy vừa hứng, đuổi bắt những lá cao su theo từng cơn gió. Lá vàng rơi xuống để chuẩn bị nghỉ ngơi nuôi những mầm non xanh biếc đâm chồi.
Càng cận tết lá rụng càng dày và nhiệm vụ của chúng tôi lúc này là cùng cha mẹ xách chổi quét lá vun thành từng luống để đốt đi, vừa làm phân bón gốc vừa ngăn ngừa hỏa hoạn. Rồi đến ngày trên nhánh cây khẳng khiu chỉ còn vài cọng lá, chúng tôi hí hửng đi chơi xuân trong cái nắng như đổ lửa, ấy vậy mà chẳng đứa nào thấy nắng. Đến bây giờ tôi cũng không hiểu có những đợt lá non vừa xanh mướt chưa kịp hình thành gân lá đã vội vàng rơi rụng thành những tấm thảm mịn như rêu, sau đợt lá ấy cây bắt đầu trổ lại những đợt lá mới và lớp lá non này mới tiếp tục phát triển để thành những tán lá xanh ngắt xum xuê sau này.
Có lần tôi hỏi mẹ, mẹ bảo đó là bước để cây chuẩn bị sinh ra dòng sữa mới, nếu nuôi lớp lá ấy thì sẽ khó nuôi được dòng sữa đang chảy trong thân cây. Chẳng biết thực hư thế nào, tôi cũng có chút bùi ngùi thương cho những tàn lá tạm.
Nghỉ hè chúng tôi lại hè nhau đi lượm hạt cao su, có nhà để giành hạt ươm tum, có nhà thì bán cho các cơ sở thu mua, còn mua để làm gì thì tuyệt nhiên chúng tôi chẳng bận tâm, chỉ biết rằng nếu chăm chỉ siêng năng sau một mùa nhặt hạt chúng tôi cũng đủ tiền mua sách vở cho năm học kế tiếp.
Chúng tôi lớn lên đồng nghĩa với việc cây sẽ già đi, tuổi thọ của cây cao su cũng cao dần, hết thời gian thu hoạch, người ta thanh lý cây để trồng những lứa mới. Những đứa trẻ sau này ít có cơ hội tiếp xúc cùng cây cao su và những trò chơi gắn liền với loài cây ấy.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nơi tôi sinh sống được quy hoạch thành khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh, các vườn cao su già lần lượt được thanh lý và nhường chỗ cho những nhà máy, công ty đồ sộ mọc lên. Người dân quê tôi rất vui và phấn khởi vì quê hương đổi mới từng ngày, kéo theo những cơ hội phát triển kinh tế cho người dân.
Đâu đó len lỏi trong hồn tôi có gợn chút buồn khi thấy những vườn cây cao su gắn bó gần 30 năm bị đốn bỏ. Dẫu vậy cảm giác chứng kiến vùng đất nơi mình sinh sống từ lúc nghèo nàn thiếu thốn đến lúc vươn mình thành một huyện công nghiệp nó bồi hồi xao xuyến lắm. Thỉnh thoảng tôi vẫn tìm về khoảnh khắc bình yên của tuổi thơ bằng cách chạy vào con đường rợp bóng cao su của các hộ dân để tận hưởng cảm giác được ôm ấp trong vòng tay của rừng cây như thời tuổi nhỏ và lắng nghe sự bình yên êm ả tràn về.
Cuộc thi viết Hào khí miền Đông do Báo Thanh Niên phối hợp cùng Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 tổ chức là cơ hội để độc giả chia sẻ tình cảm sâu đậm của bản thân về đất và người các tỉnh thành Đông Nam bộ (bao gồm Bà Rịa- Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Tây Ninh, TP.HCM), đồng thời đóng góp những cách làm hay, mô hình mới, tư duy sáng tạo, năng động của người miền Đông. Tác giả có thể gửi bài tham dự theo hình thức tản văn, tùy bút, ghi chép, phóng sự báo chí... để có cơ hội nhận các giải thưởng hấp dẫn với tổng trị giá đến 120 triệu đồng.
Bài dự thi vui lòng gửi về địa chỉ email haokhimiendong@
Thể lệ chi tiết vui lòng xem tại đây.
Bình luận (0)