Tôi hay hóng chuyện người lớn từng trải về Sài Gòn. Vì tôi hiểu người lớn là một “kênh” học hỏi không sách nào bằng. Rằng những năm 60, 70 thế kỷ trước, người quê đi Sài Gòn chẳng khác nào đi nước ngoài. Thành thử, ai vừa đi Sài Gòn về, hàng xóm thường xúm lại hỏi đủ thứ. Tùy người kể mà người nghe có một Sài Gòn riêng. Với tôi, một cô bé bảy tuổi, Sài Gòn là... bánh mì. Chẳng là tôi được cho một cái. Tôi thề, đó là cái bánh mì ngon nhất tôi từng ăn.
Giờ tôi vẫn nghĩ Sài Gòn là... bánh mì, nhưng là cái bánh mì “Thạch Sanh” đỡ đói cho rất nhiều số phận. Người quê mang tới Sài Gòn dáng dấp lũy tre làng xác xơ mùa bão lụt, những con đường mòn bùn lầy, những chân ruộng chua phèn, cả những ước mơ lãng mạn, nhẹ nhàng như cánh cò bay lả chiều quê. Bởi vậy nên bên cạnh những cao ốc chót vót là những chiếc nón lá thấp lè tè của bao nhiêu người bán hàng rong. Sài Gòn không chắt lọc nên Sài Gòn nhận hết. Vì nhận hết nên Sài Gòn chật chội. Chật chội mà bao dung với... triết lý “ăn thì nhiều chứ ở hết bao nhiêu”. Cậu tôi, dân Sài Gòn gốc... Quảng nhận xét rằng người Sài Gòn có lẽ đã quen và yêu cái chật chội thường ngày. Không yêu thì sao chiều cuối năm, dân tứ xứ về quê ăn tết, đường phố vắng tanh khiến người Sài Gòn bỗng thấy chênh chao, lễnh loãng.
|
Ba kể, cậu kể, rồi dì kể về Sài Gòn. Vui buồn đủ hết. Có nhiều người thành đạt. Có người mới chân ướt chân ráo đến thành phố này nương náu được người Sài Gòn tỉ tê: “Tới đây thì ở lại đây/Chừng nào bén rễ xanh cây mới về”. Nhiều lúc bù khú, ôm vai hót cổ, bỗ bã với nhau, dân quê trọn nghĩa vẹn tình hay nói về Sài Gòn với những hàm ơn. Chuyện nào cũng có dáng dấp người thành phố thật bụng sẻ chia, giúp đỡ, tạo cơ hội... Có người bình thường cạy răng không nói, nhưng hễ có chút men thì tỏ ra “nguy hiểm” khi dám chê một câu kinh điển: “Ngã chỗ nào đứng dậy chỗ đó”. Chưa chắc. Có khi trật lất. Tao nè, lên bờ xuống ruộng, gượng mấy lần vẫn ngã. Ba tao đập heo đất, nói mày đi Sài Gòn một chuyến coi. Vậy là tao đi. Ngã ở quê, vô Sài Gòn đứng dậy. Đất cũ đãi người mới. Địa thế thành phố này “bình” lắm. Chỉ có những cái đầu lười mới khiến đôi chân xiêu vẹo mà thôi.
Sài Gòn không chỉ là... cái bánh mì mà còn là cái giỏ đựng đủ thứ “sản phẩm” từ quê. Bất đắc chí, trắng tay, mất mùa, thất nghiệp... là vô Sài Gòn tìm việc. Nhiều khi chưa tìm việc thì việc đã tìm người. Anh A. vừa tới bến xe, mặt mũi lơ ngơ như bò đội nón đã được chủ tiệm kêu vô cho ăn tô phở, hỏi mày quê đâu, kiếm việc à, bưng phở đi! Anh bưng liền. Năm sau “bưng” luôn con gái chủ tiệm. Ban đầu được cho ở rể. Sau ra riêng với cái tiệm phở to đùng.
Anh B. làm ăn bị lừa, thở than với mẹ. Mẹ cho ít tiền “hành phương nam”. Chủ xưởng bánh kẹo nhận vô làm, hỏi mày dân “mía đường” hả? Chí thú đi nghen. Mai mốt về ngoài đó làm đại lý cho tao. Giờ bạn đạt “tiêu chí” một vợ hai con ba lầu bốn bánh. Nhậu, B. hứng chí chém gió: Mất cái gì cứ đi Sài Gòn tìm như... tìm lại cuộc đời. Kể cả niềm tin. Nhưng thành phố không sẵn cơm áo để anh hưởng đâu nghen. Nơi đây chỉ dạy cho anh cách làm, cách sống, cách đi tìm hạnh phúc. Anh không yêu đất và người thành phố, không muốn “chi” một giọt mồ hôi nào thì nên mua cặp vé khứ hồi để... về cho nhanh.
|
Dì kể, đất này lạ lắm. Từ buồn tới buồn chớ cho là buồn. Có người nản: “Phải hổng phải về Quảng Ngãi bán don. Sài Gòn gì mà trần ai cuốc chĩa vậy hả trời?”. Trời im bặt. Thành phố không níu chân anh. Còn anh, miệng nói về nhưng cặp giò vẫn bền bỉ với chiếc xe mì gõ. Mấy năm sau chở “cơm” đi ăn phở, anh hát nho nhỏ bài Sài Gòn đẹp lắm.
Tôi, sinh viên trường luật, sơ ý bị rọc ba lô. Có tí tiền ăn cơm bụi cũng mất sạch, ngồi khóc lề đường. Bạn học quê Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị giật điện thoại khi đang nói với mẹ rằng con vẫn bình yên. Anh chàng quê An Nhơn (Bình Định) lần đầu dự sinh nhật người yêu, bị kẹt xe, ôm bó hoa đứng hàng giờ giữa nắng. Chị công nhân trọ cùng hẻm, quê Quảng Trị, đi mua đồ giảm giá, mưa cho một trận, người và xe ngập nước cả ngày. Hỏi hồi đó giận không? Sao không? Nhưng giận thì giận...
Vẫn nghĩ, phóng khoáng như Sài Gòn đi. Cưu mang, đùm bọc, chở che hàng triệu cuộc đời, thử hỏi thành phố nào chẳng có chút xanh xao gầy guộc? Nói gì thì nói, tâm hồn Sài Gòn, khí chất Sài Gòn thương còn hổng hết!
Bình luận (0)