Miễn thị thực là cú hích lớn
Theo Đại sứ VN tại Czech Dương Hoài Nam, quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt VN - Czech phát triển tích cực, Czech coi VN là đối tác ưu tiên, cửa ngõ vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thương mại song phương tăng rất nhanh, trung bình tăng gấp đôi sau 5 năm, năm 2023 đạt 2,9 tỉ USD, năm 2024 bật lên 3,8 tỉ USD, trong đó VN xuất khẩu sang Czech 3,3 tỉ USD. Czech là nước đầu tiên trong EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư VN - EU (EVIPA).
Hai bên cũng có cơ hội lớn để thúc đẩy hợp tác du lịch, văn hóa, lao động, đặc biệt việc Chính phủ VN quyết định miễn thị thực cho công dân Czech nhập cảnh với mục đích du lịch theo nhóm không phân biệt loại hộ chiếu sẽ là cú hích lớn.
Đại sứ Cộng hòa Czech tại VN Hynek Kmonicek cho biết với việc mở các chuyến bay charter trực tiếp từ Czech đến đảo Phú Quốc, mỗi tuần có gần 900 du khách Czech đến VN cũng nằm trong cú hích này và trong tương lai sẽ có nhiều hơn nữa khách Czech đến VN du lịch.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công thương, thương mại giữa hai nước có tăng trưởng nhưng còn khiêm tốn so với tiềm năng.
Hiện VN xuất khẩu sang Czech các mặt hàng như cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính…; và nhập khẩu từ Czech hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thuỷ tinh…
Về đầu tư, Czech có 41 dự án FDI tại VN với tổng số vốn 92 triệu USD (đứng thứ 50/147), tập trung chủ yếu trong ngành chế biến, chế tạo, khai khoáng.
Các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Czech là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Tiếp lãnh đạo tập đoàn Škoda Auto, Thủ tướng đánh giá cao dự án liên doanh sản xuất ô tô của tập đoàn tại Quảng Ninh với tổng giá trị 450 triệu USD. Thủ tướng khẳng định Chính phủ VN cam kết luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi, phù hợp với quy định của pháp luật để tập đoàn nói riêng và các nhà đầu tư Czech nói chung đầu tư kinh doanh hiệu quả và bền vững, phù hợp quy định pháp luật tại VN. Hãng ô tô Škoda nổi tiếng của Czech đã chính thức vào thị trường VN năm 2023, dự kiến trong năm tới sẽ bắt đầu sản xuất xe Škoda, với sản lượng 30.000 xe mỗi năm cho thị trường VN và cả thị trường ASEAN.
Về phần mình, Chủ tịch Tập đoàn đầu tư Sev.en Pavel Tykac nói về khoản đầu tư tại Nhà máy nhiệt điện BOT Mông Dương 2. Cuối năm 2023, Sev.en ký thỏa thuận mua 51% cổ phần tại nhà máy nhiệt điện này và thông báo vào tháng 8.2024 về việc mua thêm 19% cổ phần, nâng tổng sở hữu lên 70%, hiện đang thực hiện các thủ tục phê duyệt.
Ông Pavel Tykac cho biết đây là khoản đầu tư lớn nhất của Czech tại VN và cũng là khoản đầu tư lớn nhất của châu Âu vào VN trong lĩnh vực năng lượng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Sev.en nghiên cứu mở rộng lĩnh vực đầu tư tại VN, trong đó có điện gió, điện mặt trời.
"Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới"
Nhấn mạnh "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy và tầm nhìn, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp tăng cường đến đầu tư tại VN trong những lĩnh vực mà Czech có thế mạnh và VN ưu tiên.
Người đứng đầu Chính phủ mong muốn doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối, chia sẻ kinh nghiệm, xác định các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thể bổ sung, bổ trợ cho nhau góp phần kết nối hai nền kinh tế.
Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ kiến tạo, dẫn dắt, tạo cơ chế chính sách, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hợp tác phát triển. Theo đó, VN xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định, phát triển, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; có cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư trong các lĩnh vực như công nghiệp kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, công nghệ thông tin, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, chuyển đổi năng lượng xanh...
"VN thực hiện khát vọng, tầm nhìn đến năm 2030 là nước đang phát triển có nền công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển có thu nhập cao. Trước mắt, VN đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 ít nhất 8% và những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số. Do đó, cùng với tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm thể chế, hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, VN tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là các ngành, lĩnh vực có hàm lượng trí tuệ cao…", Thủ tướng chia sẻ.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao VN đã thăm Bảo tàng quốc gia tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech.
Những kiến nghị của doanh nhân người Việt tại châu Âu
Ông Phạm Văn Hiến, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp VN tại châu Âu, Chủ tịch Tập đoàn Anam - East Sea, cảm ơn Chính phủ thời gian qua đã ban hành những chính sách mở cửa, chính sách dành cho Việt kiều và khuyến khích đầu tư nước ngoài. Đặc biệt dưới sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng, môi trường kinh doanh tại VN được cải thiện nhiều hơn, hạ tầng đang thay đổi từng ngày, góp phần vào việc tăng trưởng nhanh của đầu tư nước ngoài. Ông Hiến đề xuất VN cần ưu tiên phát triển du lịch vì đây là ngành công nghiệp không khói, là ngành xuất khẩu tại chỗ và là nhân tố quan trọng để tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào VN; tăng cường quảng bá đất nước trên các kênh truyền thông lớn như CNN, BBC, EuroNews... "Cần có những gian hàng xứng tầm tại các hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới như ITB Berlin, WTM London…, thu phí của khách nước ngoài qua các cơ sở lưu trú", ông Hiến kiến nghị.
Ông Phạm Công Tú, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty PAMA, mong muốn VN và Czech tăng cường hợp tác về chuyển giao công nghệ quốc phòng; các cơ quan trong nước tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực quốc phòng.
Ông Trần Côi, Giám đốc điều hành Công ty FPT Czech và FPT Slovakia, cho biết FPT hiện đang tham gia các dự án công nghệ cao như AI, IoT, chuyển đổi số, robotics và tự động hóa, dịch vụ phần mềm hoạch định doanh nghiệp (SAP) và nhiều công nghệ mới tiên tiến khác. Tuy nhiên, hiện FPT đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động chất lượng cao người Việt vào làm việc trong các dự án quan trọng ở Czech/Slovakia do phía Czech chưa cấp giấy phép làm việc theo dạng chuyên gia (Thẻ xanh EU) cho người lao động VN. Do vậy, ông Côi mong muốn Chính phủ VN đàm phán với Chính phủ Czech xem xét lại điều kiện nhập cư vào Czech cho trường hợp chuyên gia có tay nghề cao từ VN.
Ông Võ Văn Long, Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Doanh nghiệp VN tại châu Âu, Chủ tịch Thăng Long Holding (Đức), cho biết hiện đầu tư của người VN ở nước ngoài về trong nước còn khiêm tốn so với lượng kiều hối hằng năm do thủ tục hành chính còn một số vướng mắc; mong muốn Chính phủ có chính sách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất.
Trong cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn các doanh nghiệp người Việt tại châu Âu tiếp tục đồng hành cùng đất nước nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045, đóng góp vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh và hạnh phúc.
Bình luận (0)