Thương miền Trung, biển nước ngập mái nhà: 'Đừng mưa nữa, quê mình còn gì đâu?'

09/10/2020 19:31 GMT+7

Trận mưa lũ lịch sử không chỉ khiến 1 người chết 7 người mất tích ở tỉnh Quảng Trị mà còn khiến nước mắt của biết bao người dân vùng quê nghèo rơi khi nhìn của cải tích góp cả đời trôi theo dòng nước.

Không những có "đặc sản" gió Lào nổi tiếng khi hè về, mảnh đất Quảng Trị còn phải đối mặt với nguy cơ bão lũ hằng ngày. Người địa phương hay còn gọi là mùa mưa dầm vì mưa không dứt, có khi mưa cả tháng trời. Mưa lớn kèm theo bão là nước lại dâng rất nhanh, người dân lại thế mà “chạy lũ”.

Mưa lũ, ngập lụt dữ dội từ Quảng Bình đến Quảng Nam

Trận mưa lũ lịch sử

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, tôi đã quen với việc nhìn những người dân nơi đây sống chung với lũ. Mỗi mùa lũ về là học sinh lại nghỉ học bằng những thông báo đột xuất, điện chập chờn, những bữa ăn gắn liền với ánh đèn dầu lay lắt.
Lũ lớn thường ùa vào nhà lúc nửa đêm, nước lên rất nhanh khiến người dân “trở tay không kịp”. Nhanh lắm cũng chỉ kê được một số đồ đạc nhỏ trong nhà lên cao, nhà nào có nền nhà cao thì còn giữ lại được tivi, tủ lạnh,... nhà nào thấp xem như bỏ hết tất cả.
4 năm xa quê không còn về nhà vào mùa mưa lũ, năm nay dành dụm được ít tiền tôi tranh thủ về thăm nhà khi có đám giỗ. Nghe những người ở quê kể lại, nhiều năm trở lại đây ở quê hầu như không có lũ lớn, nước dâng rồi rút rất nhanh, nước chỉ lên mắt cá chân, lớn lắm là đầu gối ở những hộ gia đình ở vùng thấp trũng.

Có nơi nước lên cao trên 1m có nơi 2m, có nơi người dân phải lên nóc nhà đợi cứu hộ

Ảnh: Hoài Phương

Về thăm nhà đúng ngay trận mưa lũ lịch sử, ký ức về những năm tháng sống cũng lũ ùa về rõ mồn một. Lúc tôi còn nhỏ, nhà tôi còn là nhà ba gian cũ, đất thấp hơn đường quốc lộ 1,5 mét nên cứ hễ mưa lớn là nước lại vào nhà. Thời gian đó, ba mẹ không có một ngày ngon giấc vào mùa mưa lũ, đồ đạc trong nhà đều được kê cao sẵn nhất là lúa gạo vì là tài sản lớn nhất trong nhà lúc đó.
Rồi ba mẹ gắng làm lụng, bán mảnh đất xây được căn nhà với móng nhà cao 1,5 mét bằng với mặt đường mong nước lũ không vào nhà, vì thiếu kinh tế nên nhà bếp và sân trước thấp hơn nhà chính 0.5m. Quả thật, 12 năm qua từ lúc xây xong nhà không còn bị nước lũ vào nhà nữa.

Nước lũ rút để lại đống hoang tàn vì không kịp dọn dẹp

Ảnh: NVCC

Chủ quan nghĩ rằng nước không lên cao như mọi năm, không một ai đề phòng trước. Khoảng 3 giờ sáng ngày 8.10, nước bắt đầu dâng cao, tiếng hàng xóm gọi văng vẳng, mẹ tôi lội nước lũ ra để dắt đàn bò vào sân trước.
Tưởng vậy là đã ổn, vậy mà chỉ vài tiếng sau nước bắt đầu tràn vào nhà bếp. Nước lên nhanh đến mức không kịp làm gì ngoài việc lao vào bê lúa, tủ lạnh lên nhà trên, chị gái vớt những đồ đạc trôi dưới nhà. Chuồng gà phía sau bị ngập đàn gà con và 6 con gà lớn bị chết nước, mẹ tôi vớt vào để một góc nhà.
Những nơi khác nước còn ngập cao hơn, có nơi nước lên trên 2 mét. Nhiều hộ gia đình phải leo lên gác nhỏ sát mái hoặc mái nhà đợi đội cứu hộ đến sơ tán hoặc chu cấp đồ ăn thức uống.

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia: "Miền Trung sẽ có lũ chồng lũ, xuất hiện La Nina dịp cuối năm"

“...còn gì nữa đâu"

16 giờ ngày 8.10, nước lũ bắt đầu rút bớt đi để lại khung cảnh hoang tàn sau lũ, cây lớn ngã ven đường, hàng rào thép bị đổ ra giữa đường. Phải cẩn thận lắm mới có thể di chuyển vào khu vực bị ngập nặng.
Một trong những hộ gia đình bị ảnh hưởng nặng nhất là gia đình ông Trần Đức Vạn (ngụ thôn Thạch Đâu, xã Cam Hiếu, H.Cam Lộ). Vì nhà ở vùng thấp, gia đình ông Vạn không kịp dọn dẹp khi nước vào quá nhanh. Nước lên nhanh, ông Vạn và vợ chỉ kịp leo lên gác nhỏ gần mái nhà, toàn bộ lúa gạo, đồ đạc, quần áo đến tủ lạnh,... đều bị cuốn trôi trong nước lũ.
 

Nhiều gia đình phải lên ngồi ở gác nhỏ gần mái để tránh lũ

Ảnh: NVCC

Trong đó có chiếc tivi lớn vừa mua cách đây không lâu, gia đình ông còn chưa hoàn thành việc trả góp. Cửa nhà cao 2m nhưng nước ngập quá cửa, ông bà bất lực ngồi trên gác xép nhỏ từ sáng đến chiều mà “than trời”.
Con trai của ông bà là anh Trần Anh Quốc lội nước lũ vào đưa đồ ăn cho ông bà ăn qua bữa. Đoạn đường vào nhà ông bà ngập sâu, anh Quốc phải để xe đầu cổng làng rồi lội vào trong. Tôi đợi anh phía ngoài cùng chị gái của Quốc, một lát sau, anh trở lại với gương mặt buồn rầu: “Không còn chi hết còn hai ông bà thôi”. “Bỏ đi làm lại từ đầu, còn người là được rồi”, chị gái Quốc trấn an.
Cách hộ gia đình của ông Vạn không xa, bà Hè cùng con cháu đang quét dọn bùn non ở nhà và sân vườn. Bà tặc lưỡi chỉ vào nhà, toàn bộ 8 tạ lúa đựng trong sập (một loại tủ đựng của người miền Trung) đều ướt vì không kịp di chuyển, gà chết, đồ đạc trôi theo nước. Không sử dụng được bếp để nấu đồ ăn, không chuẩn bị lương thực trước nên cũng như nhiều gia đình khác, gia đình bà đành phải nhịn đói chờ nước rút.

Nhà bà Hè sau cơn lũ lớn

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

“Không còn gì nữa hết, nước vào nửa đêm như trút nước dọn gì kịp. Sáng giờ chưa có gì vào bụng, đợi cứu hộ từ sáng đến giờ. Chỉ mong đừng mưa nữa, chưa bao giờ thấy trận lụt nào lớn thế này”, bà nói.

Đồ đạc, lương thực trong nhà đều bị ngâm trong nước lũ

Ảnh: Lê Hồng Hạnh

Chia sẻ với PV, ông Trần Văn Phùng (ngụ thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền) kể lại trong nhà có một người già 87 tuổi nhưng nước vào nhanh quá nên phải bắc ghế để ngồi trên sập. 6 người còn lại cũng không biết làm sao ngoài việc ngồi trên cao chờ nước rút.

Hơn 500 hộ dân bị nước ngập lút mái nhà, tỉnh Quảng Trị đưa ca nô đi cứu

Ông cho biết nhà tổng cộng có 40 bao lúa nhưng dọn không kịp nên bị ướt mất 10 bao, đồ đạc trong nhà thì kê lên, nước vào từng nào thì kê lên chừng ấy. Nước ngập lên 1.4m thì bắt đầu rút dần. “Đàn gà ở trong nhà còn lại vài con gà lớn, gà con chết rất nhiều. Xung quanh đây chỗ nào cũng như vậy”, ông xót xa.
Đến ngày 9.10, nước lũ đã bắt đầu rút hơn nhưng mưa vẫn chưa thuyên giảm, nước lũ hạ rồi lại dâng lên, người dân cũng vì vậy mà lòng nặng trĩu. Không chỉ những người ở quê, những người con xa quê cũng mong ngóng về quê nhà khi biết quê nhà đang có bão lũ. Bởi ai dù có đi đâu, đã từng sinh ra và lớn lên ở vùng quê Quảng Trị sẽ không bao giờ quên cảnh tượng khốn khổ vì mưa lũ của người dân mỗi mùa lũ về.
Tối 9.10, trời vẫn mưa ngoài kia.... "Xin đừng mưa nữa!"

Cứu 7 thuyền viên bị nạn trên biển giữa cuồng phong

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.