Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP

30/05/2024 14:31 GMT+7

Thượng nghị sĩ Mỹ Roger Wicker hôm 29.5 đưa ra đề xuất tăng chi tiêu quốc phòng nước này từ 3% lên 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong những năm tới, một mức tăng kỷ lục chạm mức trên 1 nghìn tỉ USD/năm.

Dựa trên báo cáo "Hòa bình thế kỷ 21 thông qua sức mạnh: Một khoản đầu tư thế hệ vào quân đội Mỹ", Thượng nghị sĩ Wicker kêu gọi Washington tăng ngân sách quốc phòng thêm 55 tỉ USD trong năm tài chính 2025 để tăng cường đầu tư vào quân đội trong nước.

Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất tăng ngân sách quốc phòng lên 5% GDP- Ảnh 1.

Thượng nghị sĩ Mỹ Roger Wicker phát biểu ở Washington (Mỹ) vào ngày 22.4.2021.

REUTERS

Phần lớn chi tiêu dài hạn sẽ tập trung vào tài trợ bổ sung cho cơ sở công nghiệp nội địa Mỹ để mở rộng quy mô của các hạm đội Hải quân và Không quân, cũng như sản xuất đạn dược và kho vũ khí hạt nhân, theo Defense News. Ông Wicker cho rằng: "Điều này sẽ cho phép Mỹ khắc phục cơ sở hạ tầng quốc phòng đang tụt hậu trong nước, trang bị thế hệ khí tài mới và duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ".

Ngoài ra, trong khoản ngân sách bổ sung, ông Wicker muốn đầu tư 500 triệu USD để tạo ra kho dự trữ dự phòng trong khu vực nhằm giúp Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vượt qua các thách thức hậu cần trong trường hợp xảy ra xung đột trong khu vực.

HIMARS "vô dụng" trước công nghệ gây nhiễu vượt trội của Nga ở Ukraine?

Ông Wicker cũng nêu chi tiết một loạt khuyến nghị về cơ sở công nghiệp để phát triển kho vũ khí hạt nhân của Mỹ gồm việc mở rộng sản xuất tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo lớp Columbia, thiết lập các thỏa thuận chia sẻ gánh nặng hạt nhân kiểu NATO với Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc, và khôi phục năng lực hạt nhân trên máy bay ném bom B-52.

Trình bày cụ thể về tình hình bán đảo Triều Tiên, ông Wicker cho rằng: "Vì chưa có giải pháp ngoại giao ngay lập tức, nên Mỹ phải đảm bảo rằng khả năng răn đe thường xuyên trên bán đảo Triều Tiên". Theo đó, Mỹ cần duy trì các cuộc tập trận quân sự song phương thường xuyên với Hàn Quốc, cũng như khám phá các lựa chọn mới như các thỏa thuận chia sẻ năng lực hạt nhân ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ trên bán đảo Triều Tiên để tăng cường khả năng răn đe, ông Wicker giải thích.

Vào năm 2023, Seoul và Washington thành lập Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) - một cơ quan để thảo luận về các kế hoạch và hướng dẫn hoạt động cho chiến lược hạt nhân chung, theo Yonhap.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.