Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau

12/07/2024 09:16 GMT+7

Bộ Công thương vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu mới (dự thảo 3). Theo đó, có một thủ tục hành chính trong hoạt động bán lẻ xăng dầu được loại bỏ, giảm tầng nấc trung gian...

Giảm tầng nấc trung gian

Về hệ thống kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương cho biết, hiện trong hệ thống phân phối có thương nhân đầu mối (đầu mối kinh doanh xăng dầu, đầu mối sản xuất xăng dầu), thương nhân phân phối xăng dầu (lấy xăng dầu nhiều nguồn từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác), đại lý bán lẻ xăng dầu (lấy xăng dầu từ 1-3 nguồn), thương nhân nhận quyền bán lẻ xăng dầu (lấy xăng dầu từ 1 nguồn).

Tại dự thảo tờ trình nghị định về kinh doanh xăng dầu, các thương nhân phân phối xăng dầu nhiều lần đề nghị tiếp tục quy định cho thương nhân phân phối xăng dầu được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. Quy định này sẽ tạo thêm nguồn hàng cung ứng cho các thương nhân phân phối khác và thương nhân bán lẻ trong trường hợp nguồn cung từ đầu mối gặp sự cố đột ngột, trong khi lượng xăng dầu của thương nhân phân phối đã mua còn tồn tại nhiều. Đồng thời tạo điều kiện đa dạng hóa hệ thống phân phối, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường.

Thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu với nhau- Ảnh 1.

Một số thủ tục hành chính tại khâu bán lẻ xăng dầu cũng được bỏ tại dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu theo tinh thần cắt giảm thủ tục hành chính

ĐỘC LẬP

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng, theo ý kiến của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra trung gian trong khâu phân phối (thị trường thứ cấp) làm tăng thêm chi phí trong khâu này, khó kiểm soát nguồn cung. Do vậy, dự thảo nghị định quy định thương nhân phân phối xăng dầu chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Cũng theo Bộ Công thương, việc quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được mua bán xăng dầu lẫn nhau không làm mất đi tính cạnh tranh trên thị trường. Các thương nhân trong từng phân khúc thị trường vẫn tự do cạnh tranh với nhau. Đồng thời, quy định này cũng tạo động lực cho thương nhân phát triển hướng tới phân khúc thị trường cao hơn.

Từ đó, Bộ Công thương trình Chính phủ 2 phương án: Phương án 1 là quy định thương nhân phân phối xăng dầu không được quyền mua bán xăng dầu với nhau và phương án 2 là được quyền mua bán xăng dầu với nhau như hiện tại. "Bộ Công thương nghiêng về phương án 1", dự thảo tờ trình của Bộ Công thương nêu quan điểm.

Ngoài ra, trong tương lai, hình thức bán xăng dầu tự động sẽ ngày càng phổ biến, người tiêu dùng mua xăng dầu sẽ tự thực hiện việc bơm rót xăng dầu vào phương tiện và thanh toán điện tử mà không cần đến nhân viên trực tiếp bán xăng dầu tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Vì vậy, dự thảo cũng cắt giảm điều kiện kinh doanh quy định về việc cán bộ quản lý, nhân viên trực tiếp kinh doanh xăng dầu phải được đào tạo, huấn luyện và có chứng chỉ đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường trong thủ tục cấp giấy xác nhận, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho thương nhân. Việc cắt giảm điều kiện này phù hợp với thực tế kinh doanh xăng dầu, giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá do đầu mối và phân phối quyết

Tại điều 33 dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu, thì việc điều chỉnh giá bán xăng dầu phải tuân thủ các nguyên tắc: Giá bán buôn, giá bán lẻ xăng dầu trong và ngoài hệ thống được thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu quyết định không cao hơn giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại điều 34 dự thảo nghị định.

Giá bán lẻ tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được tăng thêm tối đa 2% so với giá bán xăng dầu theo công thức quy định tại điều 34 dự thảo Nghị định.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi Bộ Công thương, Bộ Tài chính sau khi thương nhân công bố giá bán xăng dầu. Thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu thực hiện thông báo giá bán, kê khai giá bán gửi sở công thương, sở tài chính, cục quản lý thị trường tại địa phương nơi thương nhân có hoạt động kinh doanh xăng dầu sau khi thương nhân công bố giá bán lẻ xăng dầu.

Ngoài ra, dự thảo tiếp tục giữ Quỹ bình ổn giá và quy định trường hợp mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường gây tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, đời sống người dân, hoặc trường hợp cơ quan có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh và mặt bằng giá thị trường của các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường... Bộ Công thương chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo quy định của luật Giá 2023.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.