Thương nhớ anh Năm

16/02/2014 03:00 GMT+7

Nhiều người vẫn cho rằng “anh Năm” Nguyễn Quang Sáng nổi tiếng… đào hoa. Chuyện đào hoa thì chẳng biết sao, nhưng tôi biết ông rất thương con.

Nhiều người vẫn cho rằng “anh Năm” Nguyễn Quang Sáng nổi tiếng… đào hoa. Chuyện đào hoa thì chẳng biết sao, nhưng tôi biết ông rất thương con.

Thương nhớ anh Năm
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng - Ảnh: Nguyễn Á

Hôm giỗ nhà văn Sơn Nam ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang (tháng 8.2013), chúng tôi được chứng kiến những nhà văn rặt Nam bộ ngồi bên nhau: Trang Thế Hy, Nguyễn Quang Sáng, Kiên Giang và Mạc Can. Trang Thế Hy không muốn chúng tôi chụp hình vì chắc ông nghĩ mình đã già yếu quá rồi, sợ hình ảnh không còn được đẹp trước mặt công chúng. Hôm đó, không ai nghĩ tác giả của Mùa gió chướng lại đi trước nhà văn Trang Thế Hy. Vậy mà…

Khoảng mười năm nay, đi đâu “anh Năm” cũng dắt Trịnh Công Long theo, tình cảm hai người thật gắn bó. Trịnh Công Long là tên Việt Nam của Frank Gerke (người Đức, sinh tháng 1.1965) do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đặt cho và nhận làm em nuôi. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vốn là bạn thân của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, sau khi nhạc sĩ mất (năm 2001), Frank Gerke chơi thân với nhà văn. Trịnh Công Long cho biết: “Sức khỏe anh Sáng đã yếu hẳn từ mấy tháng nay, chứ trước đây, tuần nào tôi cũng uống rượu với anh ít nhất một lần…”.

Với nhà văn Nguyễn Quang Sáng, người viết có hân hạnh được nhiều dịp “hầu rượu” ông, nhất là khi cùng ông và gia đình nhạc sĩ Bảo Phúc chu du các tỉnh miền Tây (tháng 12.2007). Tới đâu ông cũng giải thích cặn kẽ, rành rẽ còn hơn một hướng dẫn viên du lịch thứ thiệt. Bởi ông xuất thân từ vùng đồng bằng sông nước này cùng với sự trải nghiệm dạn dày năm tháng. Dáng người ông thấp đậm, tóc bạc như cước, giọng nói rổn rảng, bộc trực đúng chất Nam bộ. Trong chiếu văn (và cả trong chiếu rượu), ông không bao giờ tỏ ra mình là bậc “tiên chỉ” mà lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng kể cả với đám hậu bối. Và mọi người vẫn gọi nhà văn bằng hai tiếng “anh Năm” thật thân thương. Ai cũng phải công nhận ông uống thuộc loại “siêu hạng”, mà ông chỉ uống Chivas (tại Nhà tang lễ TP.HCM, trước linh cữu của ông cũng có một chai). Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, con ông, cho biết buổi trưa cuối cùng của bố anh (ngày 13.2), ông có uống vài ly rượu rồi đi nằm. Và ông ra đi thật nhẹ nhàng.

Nguyễn Quang Dũng (Dũng “khùng”) là đứa con được Nguyễn Quang Sáng rất thương yêu. Khoảng hơn 15 năm trước, thấy thằng con có nguy cơ sa đà vào khoản ăn chơi, đua đòi theo chúng bạn, ông đã nói nhỏ với nhà văn Đoàn Thạch Biền: “Có sân chơi nào lành mạnh nhớ dắt Dũng theo cho nó khuây khỏa, không còn thời giờ để đi theo chúng bạn”. Rồi khi Dũng trở thành đạo diễn với bộ phim đầu tay Con gà trống (năm 2006, chuyển thể từ truyện ngắn của cha mình), ông mừng như bắt được vàng. Đi đâu cũng khoe: “Thằng Dũng nó làm được lắm!”. Dũng “khùng” tất nhiên cũng rất thương cha, nhưng trong nghệ thuật, “chất” của hai cha con lại không giống nhau. Có lần tôi nghe người bạn đạo diễn kể, hồi mới bước chân vào nghề Dũng từng ngồi trầm ngâm: “Sao ổng lại sinh ra tui được, hay thiệt!”. (!)

Nguyễn Quang Sáng được bạn đọc cả nước biết đến như một nhà văn có bút lực sung mãn nhất. Thế nhưng, khi trả lời phỏng vấn do người viết thực hiện (bài trên Thanh Niên ngày 20.3.2003), ông bộc bạch: “Thời đi học chưa bao giờ tôi nghĩ sau này mình trở thành nhà văn. Cả khi đi lính, cùng công tác ở Bộ Tư lệnh Phân khu miền Tây Nam bộ với tôi có nhà văn Sơn Nam, các nhà thơ Hoàng Tấn, Hoàng Phố, Kiên Giang và họa sĩ Hoàng Tuyển, nhưng “việc ai nấy lo”, tôi chẳng “dính” chút gì của các văn nghệ sĩ này. Kinh qua những giai đoạn kháng Pháp ác liệt ở chiến trường Nam bộ, những vùng đất tôi đã đi qua - từ đó tích lũy vốn sống càng lúc càng nhiều và đến một lúc nào đó quá bức xúc, muốn “bật” ra, và thế là tôi viết”. Thế mà sau hơn nửa thế kỷ cầm bút, “gia tài” của ông đủ để cho bất cứ ai cũng phải ngả mũ thán phục.

Xin đốt một nén tâm nhang, vĩnh biệt anh Năm - Nguyễn Quang Sáng!

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.