Thương nhớ núi Bà

07/10/2020 08:00 GMT+7

Núi Bà thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, một đầu xuất phát từ Chợ Gồm bên quốc lộ 1A chạy xuyên về bờ đầm Đạm Thủy ăn ra cửa Đề Gi là địa phận xã Cát Khánh quê tôi.

Núi Bà chạy qua suốt bề dài làng tôi rồi quay lên hướng đông nam uốn lượn theo bờ biển Đông tạo ra nhiều mũi đá thọt chân xuống biển, lên tới đá Vọng Phu và vũng Cách Thử theo lối về Quy Nhơn thì dừng lại.
Làng tôi “tam sơn, tứ hải, nhất phần điền”, nhìn đâu cũng núi cũng biển, chỉ có một rẻo đất làng giữa một bên biển Đông và một bên núi Bà mà lũ lụt mỗi năm. 12 tuổi, tôi rời trường làng đi học xa, song tâm thức tôi vẫn luôn bừng lên hình thể núi Bà với 66 ngọn tháp cao kề vai la liệt trên một căn đế tạc hình người mẹ uy nghi lẫm liệt dang tay che chở đàn con trên mấy chục ngôi làng trải dài ven chân núi hơn 30 cây số. Đến bây giờ dân làng tôi còn kể chuyện thời Pháp, mỗi khi giặc đổ bộ lên cửa Đề Gi là phụ nữ khắp làng nổi mõ tre kêu nhau gồng gánh đồ đạc và con thơ chạy lên núi Bà lánh nạn; còn ông già và lũ trai làng thì ở lại làm dân quân du kích đánh Tây và giữ làng.

Bãi tắm Trung Lương

Ảnh: Quang Hảo

Thời trước 1975, tôi lưu lạc ở đất phương Nam đến quên mất ngữ điệu “xứ Nẫu” của mình, song tôi vẫn thương vẫn nhớ hình bóng núi Bà. Trên núi có rất nhiều loài cây ăn trái, mùa nào thức ấy mẹ núi ban cho các con làng. Tôi nhớ những lần theo mẹ lên núi giũ chà là. “Tu hú kêu chà là chín” là thành ngữ nhắc dân làng tôi mau quảy thúng quảy bao lên núi. Chà là mọc từng lùm, đâm buồng như buồng cau dày đặc trái chín đen bóng, hứng bao hứng thúng mà giũ cho rớt trái, gánh về ăn tươi không hết thì giã, phơi khô chà bột. Rồi khoai lang nấu chín, quết nhuyễn, phơi khô chà bột nữa. Hai thứ bột này cho vào tô, chế nước sôi trộn đều, múc ăn no bụng cái vị ngọt bùi những khi thiếu đói. Tôi nhớ những dây dơm dài mấy trăm thước, mỗi mắt lá đâm một trái to tày chén ăn cơm, khi ăn cắt trái làm đôi, lấy muỗng múc ăn như chè bột lọc. Núi Bà hào phóng, sản sinh cho đời bao nhiêu cổ tích, bao nhiêu huyền tích và huyền thoại hướng về chân-thiện-mỹ. Núi có rất nhiều hang hốc đá kỳ bí làm chỗ trú ẩn cho các lực lượng kháng chiến. Năm 1966, tôi ở Sài Gòn chưa đủ lớn khôn, về thăm lại quê nhà mà ngỡ đi lạc nơi đâu. Làng tôi đã thành bình địa điêu tàn, cửa nhà tan hoang tro bụi. Cha mẹ tôi chết như bao nhiêu nạn nhân khác cũng từ đó. Hải - em trai tôi - “nhảy núi” kịp. Tôi gặp những bà vợ, bà mẹ với lũ trẻ con đì đụt trong các chuồng heo chuồng bò sót lại khi heo bò không còn. Mỹ bỏ bom thiêu hủy nhà dân rồi “viện trợ” cho dân mỗi hộ một ít tấm tôn thiếc để làm chỗ ở, nhưng cây cối đâu còn mà làm? Tôi chới với nhìn lên núi Bà ngày đêm bốc cháy ngùn ngụt vì Mỹ dùng máy bay rải xăng đặc thiêu đốt.
Sau 1975, tôi trở về với mẹ núi Bà. Núi đã khoác lên mình tấm áo xanh vá víu từ những rễ cây sống sót náu mình trong kẹt đá nảy mầm, đội tro tàn ngoi lên. Gặp lại em trai đi bộ đội về. Hải đưa tôi lên thăm lại núi Bà. Hải bảo núi Bà là căn cứ cách mạng của tỉnh Bình Định. Sau Mậu Thân 1968, Mỹ kéo nhiều lực lượng về vây núi Bà, thiêu đốt núi trơ trụi, rồi mở chiến dịch “Bẫy đá tìm Việt cộng”, đặt bom mìn vào từng hang hốc đá cho nổ tung, mà Việt cộng thì ở trong lòng mẹ núi, thoắt ẩn thoắt hiện đánh địch. Đơn vị Hải kéo lên đóng trên đỉnh núi, mới rõ hình cái chuông úp trên đỉnh hòn Bà là cái tháp Chàm cổ kính mà Mỹ ném bom mấy cũng không trúng; tháp vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Lên tháp, có cảm giác biển Đông như ở ngay dưới chân mình.

Một trong những mỏm núi Bà thọt ra biển

Ảnh: Quang Hảo

Mùa hè 2010, tôi đưa vợ con về làng mình mà ngỡ đi trên miền đất lạ nào. Mấy lối đi qua cát nóng và đèo đá dăm đều biến thành đường nhựa. Từ Quy Nhơn, xe qua cầu Thị Nại, chạy trên đường nhựa vòng dưới chân núi Bà, bon bon về tận cửa Đề Gi. Thiên nhiên tự hồi phục quá nhanh. Núi Bà đã phủ kín thảm xanh thực vật; chim muông lại về kêu hót vang lừng. Năm 2017, tôi lại đưa vợ con về thăm quê nhà. Qua Cát Hải, Cát Tiến..., chỗ nào cũng biển xanh với cát trắng nguyên sơ; đẹp sao khu dã ngoại và bãi tắm Trung Lương đông đúc du khách. Trên một đỉnh núi con của núi mẹ nổi lên một pho tượng Phật đang được chế tác. Nay tượng đã hoàn thành, đạt kỷ lục tượng Phật ngồi cao lớn nhất Đông Nam Á.
Núi Bà với bao danh lam thắng cảnh và di tích văn hóa - lịch sử đáng để du khách tìm tới. Riêng tôi, dù sống ở miền đất nào trên nước Việt mình, thì miền Trung và núi Bà vẫn mãi ngấm vào máu thịt tâm hồn và ấm nóng trong tâm thức.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.