Với tôi như vậy đã là hạnh phúc. Vì mấy khi có cơ hội được đi vào thị xã đâu. Chiếc xích lô chòng chành rồi cũng di chuyển nặng nhọc giữa trưa. Chiếc xích lô đi mãi, qua những con đường cây xanh cổ thụ, qua những ngã ba, ngã tư... tới bây giờ tôi vẫn còn thèm thuồng cảm giác được ngồi trên chiếc xích lô cùng mẹ, dẫu mồ hôi tuổi thơ nhễ nhại giữa trời miền Trung đổ lửa.
Sau này tôi mới biết, đó là những lần mẹ dẫn cả nhà từ quê vào thăm ba, những năm ba làm công nhân công ty thủy sản ở thị xã. Mới làm được mấy năm thì công ty phá sản, ba trở về quê tiếp tục với nghề dạy học. Còn tôi thì cũng “phá sản” theo ước mơ cút kít trên chiếc xích lô giữa ban trưa như thế. Trong những chuyến đi về ngắn ngủi đó, Tuy Hòa vô tình gây thương nhớ với tôi từ khi nào chẳng biết.
Khi tôi tốt nghiệp ra trường, Tuy Hòa đã lên thành phố. Một thành phố bé nhỏ bên bờ Biển Đông, mở cửa ra đã chạm gió, chạm nắng và chạm mặt người. Tuy Hòa may mắn khi có tới hai ngọn núi sừng sững và hai con sông mềm mại chảy vào lòng thành phố. Đứng trên đỉnh Chóp Chài nhìn xuống đồng bằng Tuy Hòa trải dài với những ô ruộng vàng xanh, bạn sẽ thấm thía câu ca dao:
Chóp Chài đội mũ
Mây phủ Đá Bia
Ếch nhái kêu lia
Trời mưa như đổ
Còn khi đứng dưới bóng Nhạn Tháp, ngàn năm huyền sử như lững lờ trôi bên dòng sông Chùa, và cầu Đà Rằng hai mươi mốt nhịp vẫn còn đó, như chứng nhân cho bao cuộc đổi dời, chia ly, từ biệt nơi cuối nguồn sông Ba đổ ra cửa biển.
Trong một lần tìm lại Tuy Hòa xưa, chỉ đi loanh quanh khu phường nhất, vùng lõi của đô thị Tuy Hòa cách nay hơn nửa thế kỷ, tôi như trở về với một phần tuổi thơ và được gợi mở bao điều về lẽ sống. Đó là những ngôi nhà, những bức tường, những góc phố đã nhuốm màu thời gian rêu phong qua hơn một phần hai thế kỷ. Tôi cũng đã tìm đến số 4 Chu Mạnh Trinh, thành phố Tuy Hòa chính là một trong những hội quán của người Hoa tại Phú Yên. Năm 1943, bà con người Hoa ở Phú Yên và các tỉnh lân cận đã góp tiền xây nên hội quán này. Hội quán chính là Quan Thánh Đế Miếu và Trường tiểu học Minh Nam xưa. Hiện nay tại hội quán vẫn còn lưu giữ bức bia đá khắc tên 419 người quyên góp tiền xây nên hội quán. Ở những con phố khác như Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Công Trứ…, người Tuy Hòa vẫn còn gìn giữ những tấm bảng hiệu xưa cũ đến nay đã hơn năm mươi năm, và số điện thoại in trên những tấm bảng hiệu này chỉ còn là kỷ niệm của một thời. Tuy Hòa xưa còn có những quán cà phê nổi tiếng đã đi vào ký ức của cả một thế hệ.
Tuy Hòa gần gũi mà như xa xôi, vừa như thân quen vừa như lạ lẫm. Những buổi chiều tha thẩn phố thị, đôi lần tôi đã đi lạc, bởi cứ như muốn đi tìm một cái gì đấy cho mình. Như muốn đi tìm những con dốc cao thẳng đứng và bụi đỏ mịt mù, những cánh rừng xanh tít tắp, những sương trắng vạt đồi, những hun hút của núi. Nơi có ngọn đồi ve kêu inh ỏi trên những bạch đàn, bàn chải, dầu rái, khóm rừng... ở phía xa xăm quê nhà.
Tôi nhớ mủ cây dầu rái có thể dùng để dán thay hồ, hay viết “mật thư” vì khi khô chúng sẽ biến mất. Phải hơ trên lửa hoặc soi qua ánh sáng mới có thể đọc được. Nghe nói người Chăm xưa đã dùng mủ dầu rái để xây tháp Chăm? Chỉ có mỗi đám bàn chải là chẳng để làm gì ngoài việc tự nó nhú lên những bông hoa đỏ nho nhỏ bên cạnh hàng gai nhọn hoắt. Nếu thử hái bông bàn chải, bạn sẽ dễ bị nếm mùi gai đâm nhức tới xương. Cái bông hoa đỏ nho nhỏ ấy vậy mà ám ảnh một thời tuổi thơ tôi cùng mẹ lên rừng kiếm củi. Ký ức như vết nhức trên tay mẹ vẫn còn đó của một thời thanh xuân vất vả. May sao ở ngoại ô Tuy Hòa vẫn còn những bụi bàn chải thưa thớt trên những dải cát trống ven biển, bên cạnh những resort, villa mọc lên báo hiệu thành phố mới đang chuyển mình.
Trải qua bão giông cuộc đời và tình yêu chớm nở, Tuy Hòa với tôi đã là phố bình yên. Rảo bước trên con phố đi bộ ven biển rộng thênh thang, hay chạy xe máy ở đại lộ Hùng Vương rợp bóng hoa phượng, tôi vẫn thấy bùi ngùi nhớ về những chuyến xe xích lô chật chội năm ấy. Bởi có những điều chỉ khi đi rất xa chúng ta mới nhớ và giật mình về sự trống trải, như sự biến mất dần của những bụi bàn chải lẻ loi, âm thầm trổ ra những cánh hoa đỏ trên khô cằn, đá sỏi, để lại vết nhức âm ỉ từ chiếc gai nhọn cứ chĩa thẳng lên bầu trời xa thẳm.
|
Bình luận (0)