Thượng sách giữ nước

07/10/2012 03:05 GMT+7

Hôm 5.10, tỉnh Nam Định làm lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường (1262-2012) để tưởng nhớ về một kinh đô thứ 2 của Vương triều hiển hách nhà Trần.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: sau khi nhà Trần thay nhà Lý (1226) cai trị đất nước thì trung tâm quyền lực vẫn đặt tại kinh đô Thăng Long.

Nhưng để nhớ về nguồn cội và còn với ý đồ làm chỗ dựa tiến thoái lâu dài, vua Trần Thái Tông đã cử quần thần về Tức Mạc (xã Lộc Vượng, huyện Mỹ Lộc, Nam Định bây giờ) xây dựng một cung điện có dáng dấp như kinh đô Thăng Long thu nhỏ. Từ đó, hương (giống với làng) Tức Mạc trở thành phủ Thiên Trường với địa giới gom về là 4 huyện Giao Thủy, Nam Chân, Mỹ Lộc, Thượng Nguyên. Và hành cung Tức Mạc được coi là thủ phủ của Thiên Trường từ 1262. Theo quan niệm các bậc tiền nhân, Thiên Trường là mảnh đất của Trời và sẽ tồn tại trường kỳ.

Nhờ có vị trí chiến lược quan trọng nhất định, khi binh biến có thể lui quân cùng triều đình về tạm lánh, Thiên Trường gắn bó với vương triều Trần qua 14 đời vua. Trong 175 năm trị vì, tuy chưa bằng nhà Lý nhưng nhà Trần đã để lại cho sử sách và đời sau nhiều tiếng thơm.

Dưới thời nhà Trần, bộ óc thao lược, kiệt xuất của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã giúp quân dân ta ba lần đánh tan quân Nguyên - Mông, đội quân khét tiếng đã từng làm cả thế giới khiếp sợ. Tài năng và đức độ của Trần Hưng Đạo khiến nhân dân coi ông như một vị Thánh, còn thế giới ngày nay cũng đánh giá ông là một trong những vị tướng tài giỏi nhất mọi thời đại. Bản thân con người vĩ đại ấy luôn thấu hiểu dân chính là nguồn cội của sức mạnh giữ nước và dựng nước. Ông luôn chăm lo cho sức dân dù lúc binh đao loạn lạc hay lúc thanh bình. Trước khi qua đời, trong di chúc của mình, Trần Hưng Đạo đã đúc kết rằng phải "khoan thư sức dân”. Theo ông, đó chính là “thượng sách để giữ nước” và là “kế sâu rễ bền gốc”.

Về cơ bản, nhà Trần luôn được xem là triều đại có nhiều bậc vua sáng, tôi hiền. Với đức Vua Phật Trần Nhân Tông, mọi quyền lợi cá nhân đều là vô nghĩa. Toàn tâm, toàn ý với sự nghiệp của giang sơn Đại Việt, Người đã đào tạo được rất nhiều bậc kỳ tài trên mọi lĩnh vực quân sự, chính trị và xây dựng đất nước. Đó là thứ tài sản vô giá đối với bất kỳ một dân tộc nào. Phật sống Trần Nhân Tông là người yêu hòa bình rất mực, Người luôn tìm cách tránh mọi cuộc chiến tranh bởi theo đức vua, binh đao chỉ gây nên tang tóc cho muôn dân. Chỉ khi nào kẻ xâm lăng tiến vào bờ cõi đất Việt thì khi đó mới buộc phải cầm gươm, cầm giáo.

Tư tưởng đại đoàn kết để phát triển đất nước của nhà Trần cũng là một căn nguyên để giải mã vì sao nhà Trần kéo dài sự tồn tại của mình tới 175 năm. Cần nhớ rằng, cũng có những giai đoạn nhà Trần có chuyện bất hòa nội bộ. Nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi gặp khó khăn, gặp chiến tranh… mọi chuyện đều được vua tôi tạm gác lại để mưu cầu việc lớn với sự đồng lòng cao độ. Chính vì thế đều vượt qua mọi khó khăn, thử thách.

Hôm nay, từ kinh nghiệm của cha ông, chúng ta dù có gặp phải nhiều khó khăn thử thách nhưng nếu trên dưới đều đồng lòng, dân tin nhà nước, nhà nước tin dân và biết cách khoan sức dân đúng việc, đúng lúc thì chắc chắn đất nước sẽ ngày một phát triển bền vững. 

Quốc Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.