Công nhân không bị áp lực tăng ca
Do đơn hàng xuất khẩu ít biến động, khiến nhiều công ty ngành dệt may, gỗ… giảm áp lực tăng ca vào cuối năm. Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khẳng định năm nay hầu hết không tăng ca trước tết, cho công nhân làm việc "lai rai" rồi nghỉ đúng lịch của Nhà nước công bố hoặc sớm hơn vài ngày. Lãnh đạo một công ty dệt nhuộm G. của Đài Loan (Đồng Nai) cũng cho biết công ty có hơn 2.000 công nhân. Mọi năm, tháng cuối năm phải làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật và tăng ca các ngày trong tuần để kịp có lô hàng xuất ngay vào ngày đầu năm mới. Thế nhưng, lượng đơn hàng xuất khẩu vải năm nay giảm mạnh nên công nhân khá thong dong.
"Sản xuất trong năm chủ yếu bán cho khách hàng trong nước, còn đơn hàng xuất khẩu do cạnh tranh quá lớn, giảm gần 50% so với trước dịch Covid-19 và chúng tôi vẫn chưa thể "cứu" lại số khách hàng này được. Thế nên, đến tầm này, công nhân vẫn làm như bình thường, hết tuần sẽ nghỉ tết. Hết tết, mùng 6 (ngày 3.2) đi làm lại theo lịch của Nhà nước", vị này thông tin.
Với ngành gỗ, ông Tô Ngọc Ngời - Tổng giám đốc Công ty CP Vinafor Sài Gòn, cho biết: Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành trong năm qua rất tốt. Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ theo số liệu của Bộ Công thương tăng 21% so với năm 2023, có thể đạt 16,25 tỉ USD. Trong đó, đáng ghi nhận là sự chủ động đa dạng hóa thị trường của các doanh nghiệp và nhiều thị trường mới có tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch đáng khích lệ như UAE, Ấn Độ, Tây Ban Nha đều tăng 20 - 90%. Tuy vậy, ông Tô Ngọc Ngời thừa nhận dù doanh số tăng song hiệu quả kinh doanh không như kỳ vọng. Bởi cạnh tranh về giá rất khốc liệt, khiến lợi nhuận bị giảm rất nhiều.
"Nhiều nhà máy sản xuất của ngành gỗ tại Malaysia tập trung nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc, nhưng lại không dùng lao động tại đó, đa số tuyển lao động từ Bangladesh sang với chi phí lương thấp hơn nhiều so với lao động tại Malaysia hay tại VN. Sự cạnh tranh về giá liên quan chi phí lao động là cuộc cạnh tranh khá khốc liệt, ảnh hưởng lớn đến giá trị đơn hàng của nhiều doanh nghiệp", ông Ngời dẫn chứng.
Mặt khác, thông tin "đơn hàng giảm, doanh nghiệp ít tăng ca và cho công nhân nghỉ tết sớm khiến đường sá TP.HCM thông thoáng hơn" trong những ngày qua là chưa chính xác. Đa số các công ty đều nghỉ tết theo lịch Nhà nước vì trùng thời điểm cuối tuần. Ngoài ra, lãnh đạo các doanh nghiệp mà PV Thanh Niên khảo sát cũng thừa nhận do lo ngại tình hình kẹt xe cận tết dẫn đến trễ giờ làm việc, nên các công ty khuyến khích công nhân đi làm sớm hơn ngày thường. Công ty May mặc D&T tại TP.HCM cho hay công nhân thường đi làm từ 7 giờ, đến 7 giờ 30 là vào ca. Thế nhưng trong những ngày kẹt xe từ sáng sớm, nhiều công nhân đến 8 giờ, thậm chí 9 giờ kém mới vào xưởng. Vì thế, công ty khuyến cáo công nhân nên đi sớm hơn 30 phút để bảo đảm công việc.
"Kết quả là nhiều công nhân ra khỏi nhà từ 6 giờ 15, đường vắng, nên đến nơi sớm hơn nửa tiếng, lại ngồi ngoài cổng chờ bấm thẻ", đại diện Công ty May mặc D&T thông tin và cho biết thêm công ty vẫn nghỉ tết và đi làm lại theo lịch do Nhà nước quy định. Trong năm, công ty liên tục tăng ca nên tháng cuối năm, mật độ tăng ca giảm, song do tăng ca, lương tăng gấp đôi, chi phí điện nước tăng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nhiều.
Thưởng tối thiểu 1 tháng lương
Dù có một năm chưa thực sự phục hồi kinh doanh, song đa số các doanh nghiệp cho biết "ráng để công nhân có một cái tết ấm cúng". Ông Tô Ngọc Ngời nói: "Lợi nhuận của doanh nghiệp giảm nhưng bắt buộc phải có khoản thưởng cho công nhân. Đa số doanh nghiệp chi thêm lương tháng 13 để thưởng, khoản này cũng chiếm số tiền lớn của doanh nghiệp". Tương tự, công ty dệt nhuộm G. ở Đồng Nai cho biết thưởng cho công nhân và nhân viên văn phòng 1 tháng lương tính theo lương nộp bảo hiểm xã hội từ 10 - 16 triệu đồng, tùy bậc lương.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, cho hay với lượng đơn hàng khá tốt, công ty quyết định chi hệ số thưởng tết bằng năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay, vì lương, thu nhập của người lao động tăng hơn 8% so với năm 2023 nên mức thưởng tết thực nhận có nhỉnh hơn năm ngoái. Cùng với chính sách thưởng tết tháng lương thứ 13, May 10 cũng có thêm nhiều chính sách phúc lợi khác.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Anh, Giám đốc Công ty CP quốc tế Dony, thừa nhận chính sách của doanh nghiệp năm nay có khác so với mấy năm trước. Đó là không thưởng "nguyên cục" vào cuối năm mà công nhân, nhân viên được thưởng hằng quý khi có kết quả làm việc xuất sắc. "Quan điểm của công ty là không nên "treo thưởng" đến cuối năm, làm tốt lúc nào, thưởng ngay lúc đó mới khích lệ tinh thần làm việc. Chính sách này chúng tôi đã phổ biến đến người lao động từ đầu năm, mọi người đều ủng hộ với việc được nhận thưởng trong năm, tăng thu nhập lên nhiều so với lương nên phần thưởng cuối năm chỉ tượng trưng như quà mà thôi", ông Quang Anh cho biết.
Hiện thu nhập hằng tháng của công nhân tại Dony là từ 16 - 20 triệu đồng, cao hơn mặt bằng lương các doanh nghiệp trong ngành từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Chưa kể, các khoản chi du lịch, phụ cấp khác cũng được phát bằng tiền mặt cho công nhân. "Chúng tôi hiểu người lao động cần nguồn thu nhập để chi trả cho cuộc sống gia đình, rất quan trọng trong giai đoạn này, nên đề ra chính sách chi trả bằng tiền mặt cho công nhân, người lao động như vậy", ông Quang Anh bổ sung.
Theo ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), điều may mắn nhất của ngành dệt may trong năm qua là có kết quả kinh doanh khá tốt, nên quỹ chi thưởng tăng đáng kể. Riêng với Vinatex, thu nhập bình quân đạt 10,3 triệu đồng/người/tháng, gần bằng 109% so với năm 2023. Theo thống kê sơ bộ, lương tháng 13 và thưởng tết cho người lao động trong hệ thống ước bình quân đạt hơn 18 triệu đồng/người, tương đương 1,5-2 tháng lương.
Với ngành da giày, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - giày - túi xách VN Phan Thị Thanh Xuân thông tin: Nhằm khích lệ người lao động, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã tiết lộ có kế hoạch thưởng tết ít nhất 1 tháng lương. Thậm chí, có doanh nghiệp sẵn sàng thưởng 3 - 4 tháng lương cho người lao động có thành tích xuất sắc, làm tăng ca tốt trong năm.
Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cho thấy mức thưởng tết năm nay có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước. Một số ngành như dệt may, da giày, dịch vụ, logistics... ghi nhận mức thưởng tương đối cao, dao động từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Đặc biệt, nhóm lao động kỹ thuật cao tại một số doanh nghiệp có mức thưởng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bình luận (0)