'Thượng thiên Thánh mẫu' và dự án liên nhà hát

16/02/2022 06:26 GMT+7

Nghệ sĩ cải lương “đáp” xuống sân khấu từ đu bay. Công chúa thoát khỏi dây trói bằng ảo thuật trong Thượng thiên Thánh mẫu … Khi các nhà hát liên kết, vở diễn đa dạng hơn.

Tiên giáng thế làm… ảo thuật

Công chúa Quỳnh Hoa đã bị kẻ xấu sai người trói chặt với mấy vòng dây thừng lớn. Tên cướp vô cùng hả hê sai căng rèm để chiếm lấy nàng. Nhưng rồi chớp mắt, khi tấm rèm được gỡ xuống, chính hắn bị trói chặt hơn bao giờ hết, phải cúi đầu nhận tội. Tiết mục ảo thuật đã làm tình tiết về sự thần kỳ của nàng tiên giáng thế trở nên rõ ràng hơn. “Những kỹ thuật của xiếc đưa vào khiến câu chuyện trở nên thần kỳ. Huyền thoại trở thành hiện thực. Nó tiếp sức cho vở diễn rất nhiều”, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương T.Ư, đạo diễn vở Thượng thiên Thánh mẫu, chia sẻ. Vở diễn là sự kết hợp giữa xiếc, cải lương và hát văn.

Hội làng với nhiều tiết mục xiếc

BTC cung cấp

Không chỉ có nàng tiên làm ảo thuật, trong Thượng thiên Thánh mẫu, nhiều tiết mục xiếc được đan cài. Trong hội làng có đi cà kheo, có thăng bằng trên dây thép. Trong yến tiệc thiên đình có uốn dẻo, đế kiếm trên đu… NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cho biết ông đã soạn ra các phần trình diễn trong vở. Những phần này không hoành tráng về số lượng người, nhưng nó vẫn tạo ấn tượng vì đã có số đông diễn viên cải lương trên sân khấu.

“Xiếc tôn vinh nhân vật, thể hiện cốt truyện, cộng hưởng cảm xúc. Đế kiếm này, đi bằng đầu, đi trên dây thép… đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Nội dung vở diễn cũng làm tiết mục xiếc mềm mại hơn. Cảnh trên thiên đình có tính giải trí cao. Nó không chỉ là nghệ thuật trình diễn mà còn có nghệ thuật, có cảnh trí, xiếc mới hơn với hiệu ứng hình ảnh khác”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, phần cải lương lại giúp câu chuyện về Mẫu trở nên rõ ràng. Đó là cảnh chia ly rưng rưng của vợ chồng công chúa khi nàng phải về trời. Đó còn là những bài lý được hát rộn ràng trong ngày hội. Nhịp điệu của những tiết mục nhào lộn, đi cà kheo… trở nên hấp dẫn hơn nhờ phần âm nhạc này. Thêm vào đó, âm nhạc của hát văn rộn ràng và ở phần cuối thì lôi cuốn tương tác của khán giả. Nhiều khán giả đã tràn lên sân khấu khi vở diễn kết thúc để múa theo điệu chầu văn. NSND Tự Long, Phó giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, chính là người thể hiện phần hát này.

Màn ảo thuật tháo dây trói

Xu hướng mới?

Đây không phải vở diễn đầu tiên cải lương kết hợp với xiếc. Trước đó, Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương T.Ư đã bắt tay nhau trong vở Cây gậy thần. Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Tạ Quang Đông cho biết Thượng thiên Thánh mẫu là một trong những vở được bộ đặt hàng trong chuỗi dự án Huyền sử Việt. Hai nhà hát sẽ còn có dự án liên kết tiếp theo. Ông Đông đánh giá cao sự kết hợp này.

NSND Triệu Trung Kiên cho biết sự kết hợp giữa các nhà hát với các loại hình nghệ thuật khác nhau sẽ giúp ngôn ngữ biểu diễn của tác phẩm phong phú hơn. “Vở diễn trở nên đa dạng. Các kỹ thuật khác nhau sẽ hỗ trợ và tương hỗ cho nhau, các nghệ thuật tiếp sức cho nhau. Tôi nghĩ nhiều loại hình có thể kết hợp như vậy được. Ví dụ tôi đã từng kết hợp cải lương với rối trong vở Ngạ quỷ. Nếu chỉ xem một loại hình thôi thì tất nhiên mình làm hay khán giả vẫn thích. Tuy nhiên, nếu mình thêm được công nghệ, thêm các phần nghe nhìn hiện đại thì tôn tác phẩm lên”, ông Kiên nói.

Thượng thiên Thánh mẫu có phần hầu đồng và hát văn

Ông Kiên cho biết các nghệ sĩ sân khấu rất ủng hộ nhau trong các dự án liên kết. Nếu Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương T.Ư đều là đơn vị của Bộ VH-TT-DL thì NSND Tự Long lại là người của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến việc NSND Tự Long nhận lời hát văn cho Thượng thiên Thánh mẫu. “Anh Long rất nhiệt tình khi nhận lời làm việc với anh em xiếc và cải lương”, NSND Triệu Trung Kiên nói.

NSƯT Sĩ Tiến, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đánh giá cao việc kết hợp xiếc và cải lương. Ông cho rằng đây là một xu hướng thú vị. Mặc dù vậy, nhà hát của ông chưa có dự định kết hợp với nhà hát nào để làm vở. “Việc liên kết còn phụ thuộc vào tình trạng hoàn cảnh riêng của từng đơn vị. Chúng tôi có đầy đủ loại hình ca múa nhạc kịch trong nhà hát nên nhu cầu liên kết không cao”, ông Tiến nói.

Không liên kết cùng các nhà hát khác, nhưng việc mượn người hay hỗ trợ thì Nhà hát Tuổi trẻ vẫn thực hiện. Ông Tiến chia sẻ vài năm trước, nhà hát dựng vở Romeo - Juliet có nhờ một tay trống ở dàn nhạc giao hưởng giúp đỡ. Hoặc khi Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội dựng vở Quẫn dưới bàn tay đạo diễn Trần Lực, nhà hát cũng đã kết hợp bán vé. Các sinh viên của trường cùng về nhà hát để thực tập ở các loại hình nghệ thuật mà nhà hát có. “Chúng tôi nghĩ có thể kết hợp đa dạng, tùy theo nhu cầu và không bao giờ từ chối kết hợp”, ông Tiến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.