Rồi tôi tình cờ phát hiện nhân vật trong clip ấy là một nghệ sĩ tài năng, ngón đàn điêu luyện quả thực là của một nghệ sĩ thực thụ chứ không chỉ là những thanh âm phát ra từ đôi tay tật nguyền. Tôi hối hận khi vội vã nhận xét nên đã bỏ qua ý nghĩa nhân văn mà clip gửi gắm.
Bạn có từng nghĩ xấu về một cô gái ăn mặc hở hang? Bạn từng cho ai đó làm từ thiện chỉ là đang “diễn”, chủ doanh nghiệp mà nói về những dự án xã hội chỉ để quảng bá cho sản phẩm của mình? Hay bạn cho rằng con cái nhà nọ hiếu thảo chỉ vì đang nhăm nhe tài sản của bố mẹ?
Thường cái xấu dễ khiến người ta bị tác động trong khi những điều đẹp đẽ, tích cực cần cả quá trình để thấu cảm, bởi có những việc mắt thấy tai nghe chưa chắc đã là sự thật. Ai cũng có hai tai nhưng chỉ có một cái miệng, âu cũng không ngoài sự nhắn nhủ của tạo hóa: Nghe nhiều nhưng nói ít thôi. Khi ta giơ ngón trỏ về phía ai đó với ngụ ý phê phán, hãy nhớ bốn ngón tay còn lại đang hướng về chính mình. Không chủ quan phán xét cũng là tránh cho mình hay ai đó bị tổn thương hoặc khó xử.
Mạng xã hội phát triển vô tình trở thành công cụ tiếp tay cho những ai thích phán xét chỉ qua vài hình ảnh, thông tin vốn có khi đã được “biến hóa” dưới vô vàn dụng ý khác nhau của con người. Nhiều người tự cho mình quyền phán xét đúng sai, tha hồ thể hiện quyền lực “ảo” qua bàn phím. Chỉ trích người khác cũng không giúp bạn thanh cao hơn, nên đừng phán xét ai để không ảo tưởng mình đang thực thi công lý bằng cái đầu của một quan tòa, nhưng thực ra lại đang “thay trời hành đạo” bằng đôi tay của một tên đao phủ.
Bình luận (0)