Thưởng thức & chia sẻ: Háo thắng

10/05/2020 11:11 GMT+7

Công ty có nhân viên mới. Trẻ trung, năng động là ấn tượng của mọi người về người mới, một nhân viên hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, trong các cuộc họp, người mới luôn giành phát biểu. Thay vì góp ý cải thiện công việc chung bằng những kiến thức mới tối ưu hơn dựa trên nền tảng cũ một cách khiêm cung, cầu thị, người mới thường phủ nhận ý kiến của người cũ vốn nhiều tuổi đời lẫn kinh nghiệm làm việc ở công ty và khăng khăng bảo lưu quan điểm của mình. Ai cũng tiếc giá mà cách tiếp cận vấn đề khéo léo, tế nhị hơn, hẳn người mới đã “ghi điểm” trong việc khẳng định mình, thay vì nôn nóng thể hiện.
Một đồng nghiệp ở công ty cũ của tôi thì không bao giờ thừa nhận mình sai hoặc chịu nhượng bộ trước ai khác bởi anh ta luôn cho mình tài giỏi hơn người, là đúng, là nhất. Cũng vì ít khi chịu lắng nghe, tiếp thu ý kiến khác nên chẳng bao giờ nhận ra mình sai. Kết cục, anh ta luôn đơn độc vì không được sự phối hợp từ mọi người.
“Bệnh” háo thắng thể hiện ở nhiều mặt, thường đi đôi với tự mãn, ngạo mạn, xem mình là cái rốn vũ trụ, không muốn ai hơn mình. Ngay cả khi thất bại cũng không muốn thừa nhận lỗi ở mình kém cỏi hoặc do phớt lờ những đóng góp của người khác, quá đề cao cái tôi. Chỉ khi kinh qua những biến cố, thăng trầm nhất định trong cuộc sống, trong sự nghiệp, “bệnh” tự khắc giảm chứ người ngoài ít khi “chữa” được.
Đôi khi, nhún nhường người khác mới là “chiến thuật” của những người thông minh, lùi một bước để tiến ba bước, cũng như kẻ mạnh không phải lúc nào cũng chiến thắng bằng sức mạnh cơ bắp.
Tự tin, nếu không kết tinh từ những trải nghiệm sống, từ những thăng trầm, được mất để cảm nhận được giá trị của thất bại lẫn thành công sẽ dễ trở thành kiêu căng, hợm hĩnh. Cũng vì háo thắng mà họ sẽ không có cơ hội nghiệm ra: Kẻ đứng đầu không hẳn lúc nào cũng là người thắng cuộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.