Trong thời thiếu thốn, món ăn vặt đó trở nên xa xỉ vì không phải nhà nào, lúc nào cũng có cơm thừa. Phần cơm thừa được mẹ dàn đều ra cái mâm rồi phơi trên mái hiên trong những ngày trời có nắng to. Sau vài lần phơi, những hạt cơm bắt đầu khô lại màu trong đục, mẹ cất vào hũ sành, đậy kín lại đặt cẩn thận lên gác bếp.
Khi đã đủ cơm khô ngào một mẻ, mẹ đổ cơm từ hũ sành ra phơi thêm một nắng nữa rồi bắt đầu giã rời từng hạt. Sau đó bắc chảo thật nóng, cho cơm khô vào rang với lửa nhỏ và đảo đều. Cơm khô rang lên nở bung, vàng rộm, giòn tan được đổ ra rá để nguội. Mẹ lấy gừng tươi cạo sạch vỏ rồi thái thành từng sợi mỏng, cho đường vào chảo để thắng. Đến khi đường tan, mẹ tiếp tục cho gừng vào đến khi hỗn hợp sệt lại, đổ cơm khô đã rang vào đảo đều tay để không bị cháy. Cơm chưa kịp bắc ra cho nguội, chị em tôi đã nhón tay bốc một ít vừa thổi vừa ăn rột roạt. Những hạt cơm phủ đường bóng loáng tỏa mùi thơm ngào ngạt, vừa nhai đã tan dần trong miệng hòa quyện vị ngọt của đường, vị cay của gừng và vị béo bùi của cơm khô.
Có lần vì thèm cơm khô ngào đường, tôi lén mẹ, mỗi lần nấu cơm đong nhiều gạo hơn để có cơm thừa làm mẹ nổi giận. Vì lúc nào mẹ cũng dặn nấu cơm phải canh sao cho vừa đủ, đừng nấu dư vì hạt gạo quý như ngọc, không dè sẻn đến mùa giáp hạt lấy gì mà ăn. Lúc đó, tôi còn quá nhỏ để hiểu nỗi lo của người lớn chỉ nghĩ đến cảm giác háo hức chờ đợi từng mẻ cơm khô ngào đường. Đến khi lớn lên, thấm thía gánh nặng cơm áo gạo tiền mới hiểu tiếng thở dài của mẹ khi nhà hết gạo sớm. Nhớ lại, tôi thấy sống mũi cay cay, vừa nhớ những nắm cơm khô ngào đường da diết vừa thấy thương mẹ đến thắt lòng.
Bình luận (0)