Thương tiếc ‘ông em vợ’ Trần Hoài của tôi…

03/10/2021 00:15 GMT+7

TP.HCM sau thời gian giãn cách, bạn bè vui mừng thăm hỏi tin nhau, rồi cùng ngỡ ngàng khi hay tin họa sĩ Trần Hoài - một khuôn mặt quen thuộc trong giới nghệ sĩ, đã ra đi trong âm thầm...

  1. Mờ sáng 1.10, khi vô Facebook, tôi được điêu khắc gia Phạm Văn Hạng báo tin: “Trần Hoài đã “bay” âm thầm trong mùa dịch”. Trời ạ! Tôi cảm thấy hụt hẫng bởi từng bao lần nhủ thầm hết dịch phải tìm thăm ông ấy cho bằng được...

Họa sĩ Trần Hoài lúc sinh thời

Hà đình nguyên

Cách đây khoảng 25 năm, tôi đã gặp gỡ rồi chơi thân với họa sĩ Trần Hoài. Ông lớn hơn tôi khoảng gần 20 tuổi, dáng gầy ốm, mái tóc dài phủ gáy bạc trắng được chụp ở trên bằng một chiếc mũ vải màu mỡ gã (ông luôn đội mũ vì nếu cất đi thì để lộ... cái đầu hói). Cặp mắt nhỏ tinh anh luôn hấp háy sau cặp kính cận gắn trên chiếc mũi nhọn, hơi khoằm. Ông thật đẹp lão và... vui tính.

Dạo đó, tụi tôi chỉ uống loại bia bình dân (bia Sài Gòn chai nhãn xanh), ông Trần Hoài "dzô" khoảng vài chai là...đọc thơ, mà lần nào thấy ổng đưa tay lên là y như rằng tôi biết ổng sẽ đọc bài thơ Con Rồng của Hoàng Lộc. Trần Hoài đọc thơ bằng giọng Quảng Nam rặc, tôi càu nhàu: "Đọc giọng đó ai hiểu?". Ổng cãi: "Tại giờ có tuổi rồi nó vậy chứ hồi tao còn con gái..". Vậy đó, ổng cứ làm cho những người ngồi cùng bàn cười ngắc ngư khi nhìn một ông lão râu tóc trắng xóa, răng cái còn cái mất mà hễ mở miệng ra là “hồi tao còn con gái...”.

Nhớ năm 1997, Trần Hoài mở một cuộc triển lãm tranh chung với Tuấn Hoàng Hậu ở Đà Lạt (Tuấn là họa sĩ, vừa là chủ một khách sạn mang tên Hoàng Hậu ở đường Hồ Tùng Mậu, TP.Đà Lạt). Triển lãm diễn ra ở khách sạn của Tuấn. Trần Hoài đem tranh lên trước một tuần để kịp chuẩn bị, ông căn dặn tôi ráng lên với ông. Vậy rồi, tôi cũng kịp có mặt ở buổi khai mạc, ông ôm lấy tôi rưng rưng... Chuyến đi Đà Lạt đó, tôi tình cờ gặpcô ca sĩ trẻ tên Chil Trinh (người dân tộc Lạch, là phát thanh viên Đài PT-TH Lâm Đồng)... Về lại Sài Gòn, tôi có 2 bài viết đăng trên Báo Thanh Niên, một bài về cuộc triển lãm, bài kia là giới thiệu "Con chim sơn ca của núi rừng đại ngàn": Chil Trinh. Ai ngờ, 4 năm sau cô ấy lấy nghệ danh là Bonnuer Trinh và đã đoạt giải nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM năm 2001. Hiện Bonnuer Trinh đang định cư ở Mỹ.

Trở lại chuyện ông Trần Hoài, có hôm giữa bàn nhậu, ông trịnh trọng tuyên bố: "Nguyên ơi, tao thấy mi dễ thương quá. Tao gả... chị gái tao cho mi!". Mọi người cười ầm. Vậy rồi từ đó tôi kêu Trần Hoài là "ông em vợ", còn ổng gọi tôi là "thằng anh rể". Nhiều khi tôi đang chạy xe lớ ngớ ngoài đường, bỗng thấy một ông già lao ra chặn xe: "Ê, thằng anh rể, vô làm một chai đã!".

Tác giả và họa sĩ Trần Hoài trong một lần hội ngộ

Hà đình nguyên

Trần Hoài tên thật là Trần Ký, sinh năm 1939 tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau 1975, Trần Hoài vào sinh sống tại Đà Lạt. Tại đây, anh mở hiệu sách Văn Hóa ở số 23 Phan Bội Châu, Đà Lạt. Ngoài ra, anh còn cộng tác với Phòng Văn hóa - Thông tin để đi vẽ các biển quảng cáo, tuyên truyền chính sách của chế độ mới...

Cũng tại Đà Lạt, anh đã có một mối tình thật đẹp với cô nữ sinh rất trẻ tên Ngọc. Nét tài hoa của chàng trung niên lãng tử đã hấp dẫn Ngọc, khiến con tim nàng thiếu nữ thổn thức. Vậy rồi, nàng làm thơ, tuy mới 17 tuổi nhưng Trầm Vương (bút danh của Ngọc) làm thơ khá chắc tay trong từng niêm luật và cách gieo vần. Làm được bài thơ nào, cô gái đều gửi cho người yêu đọc và nhờ cất giữ... Thế rồi, một ngày nọ chàng họa sĩ chết lặng khi hay tin nàng thơ của mình đã gieo mình từ trên đỉnh thác Datanla xuống đáy vực tự tử... Chàng hụt hẫng, sống như một kẻ mất hồn, sau một thời gian chàng tìm về Sài Gòn với một nỗi "ám ảnh không nguôi" về một "mối tình không nguôi". Rồi anh đắm chìm vào hội họa để tìm quên. Tranh của anh thuộc dòng bán trừu tượng, đa phần là lấy màu xanh lục làm chủ đạo. Tên mỗi tác phẩm của anh nghe như một bài thơ: Đêm trôi, Chia tay màu lục, Tôi đã xưa (tự họa), Mọc lên những nỗi buồn từ hoang vu, Vẽ hình dạng một niềm đau, Mùa phai, Mưa qua tường cũ, Nắng cao nguyên, Mưa sương, Trên đồi...

Đó cũng là thời gian tôi gặp gỡ và chơi thân với anh ở 81 Trần Quốc Thảo, TP.HCM. Họa sĩ Nguyễn Bá Văn (cũng trong nhóm thân hữu) cho biết: "Hình như ông Phạm Văn Hạng với Trần Hoài là anh em con bạn dì nhưng hai ông xung khắc, ít ngồi với nhau". Ồ, ở "Tám Mốt" (81 Trần Quốc Thảo - NV), mấy ông "nghệ sĩ tạo hình gốc Quảng" cãi nhau là chuyện thường. Tôi đã chứng kiến các ông Trần Hoài, họa sĩ Phạm Cung (Quảng Ngãi), điêu khắc gia Trương Đình Quế, điêu khắc gia Phạm Văn Hạng (cùng Quảng Nam)... ngồi với nhau và cãi nhau chí chóe rồi "hạ hỏa", hôm sau lại ngồi với nhau...

Riêng với tụi tôi, mỗi khi uống bia "phê", khuôn mặt Trần Hoài đỏ au, láng mướt trông thật phương phi nhưng cũng là lúc đôi mắt ông đẫm lệ, kể về một mối tình "ám ảnh không nguôi". Ước muốn của ông là được in cuốn Thơ Trầm Vương để kỷ niệm một mối tình và để tặng bạn bè thân hữu, những người ông đã sẻ chia về mối tình này...

Nhà thơ - nhà báo Phạm Chu Sa cho tôi biết thêm: năm 2000, Trần Hoài bỏ tiền túi in tập thơ cho Trầm Vương. Trần Hoài đặt tựa là Những bài thơ cho thời gian (NXB Trẻ). Tập thơ mỏng 64 trang, gồm 21 bài thơ với những tựa rất u uất, như: Vong thân, Bài u hồn, Bài ngọa miếu... và bài Tuổi yêu chàng viết về mối tình tuyệt vọng của cô bé Ngọc 17 tuổi với chàng họa sĩ đào hoa, đa tình đã có gia đình... (2 câu cuối rất cảm động: Em từng ấy tuổi yêu chàng / Bây giờ cho đến muôn ngàn năm sau!). Bìa sách in một màu xám đen, có chân dung tác giả ở bìa 4 (Lê Thị Ngọc sinh năm 1953 tại Đà Lạt, mất năm 1974 tại Đà Lạt)

Chơi với nhau mười mấy năm nhưng tôi chưa bao giờ về nhà ông, chỉ nghe ông nói là ở gần Nhà thờ Xóm Thuốc (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhưng không rõ địa chỉ chính xác. Khoảng 2 năm gần đây, không còn thấy ông nữa, lần cuối cùng ngồi với ông là ở Đất Phương Nam...

Mùa dịch Covid-19, mỗi người một nơi. Tôi về quê né dịch, thỉnh thoảng nhớ đến ông, tôi lại tự hỏi không biết giờ này ông ra sao, tuổi cao sức yếu... Vậy rồi nay lại nghe tin về sự ra đi của ông.

Anh Trần Hoài, em cũng không biết những ngày qua anh sống như thế nào; không biết đích xác ngày anh ra đi, nhưng thực lòng hết sức xót xa... (nhà thơ - nhà báo Phạm Chu Sa bảo rằng anh Phạm Văn Hạng cho biết anh Trần Hoài đã mất cách đây 3 tuần, nhưng vì đang trong mùa dịch nên gia đình tổ chức âm thầm và không thông báo cho ai biết). Giá như đừng có dịch Covid-19, giá như em được uống với anh ly bia cuối cùng để nghe anh đọc bài thơ Con Rồng, nghe anh pha trò : "Ngày xưa tao còn con gái...", và để nghe anh nhếch bộ ria bạc: "Ê, thằng anh rể, phạt mi một ly!".

Thương lắm, "ông em vợ" Trần Hoài của tôi...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.