Thượng tướng thầy giáo - Kỳ 3: Giữ miền biên ải

21/11/2019 09:37 GMT+7

12 năm làm Phó sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng sư đoàn 323 và Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Quảng Ninh, thượng tướng Nguyễn Thế Trị đã có những cách làm đặc biệt để bảo vệ vững chắc tuyến biên giới.

7 năm làm sư đoàn phó

“Những năm 80, kinh tế đất nước rất khó khăn, kẻ thù rình rập biên giới, đời sống bộ đội rất đạm bạc. Dù huấn luyện hay làm công trình, hàng ngày chúng tôi chỉ được ăn bo bo hoặc mì đen luộc. Tôi không bao giờ quên hình ảnh người chiến sĩ gầy guộc, trên vai vác nặng 1 cấu kiện bê tông hình cung lên điểm tựa, lắp ghép để làm công sự”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ lại và trầm giọng: "Lúc ấy tôi là lính biên giới, đồng lương trung tá không đủ nuôi vợ con nên đành để vợ nghỉ việc cơ quan, chạy chợ thêm lo cuộc sống cho gia đình. Là cán bộ cấp sư đoàn nhưng mỗi khi đi họp về qua nhà vẫn phải thanh toán tiêu chuẩn gạo để hỗ trợ “bếp hậu phương”.
"Nhiều gia đình có điều kiện thường đổi gạo tem phiếu lấy gạo quê để ăn cho có “chất”, nhưng gia đình tôi vẫn phải dùng gạo mậu dịch. Thời ấy, gia đình quân nhân nào cũng thế. Biết làm thế nào được khi đất nước còn khó khăn, biên giới phía bắc, phía nam chưa bình yên", thượng tướng Nguyễn Thế Trị nhớ lại.

Thượng tá Nguyễn Thế Trị, phó sư đoàn trưởng sư đoàn 323, đặc khu Quảng Ninh (ảnh chụp năm 1985)

Ảnh tư liệu

Những cựu binh sư đoàn 323 bây giờ gặp nhau vẫn nhắc lại chuyện “7 năm không được bổ nhiệm” của thượng tướng Nguyễn Thế Trị. Nguyên nhân là do tính thẳng thắn và tác phong “năng động sớm”, khiến bị cho là “vượt mặt”. Thời điểm này, đa số cán bộ ra biên giới đều trưởng thành trong chống Mỹ, được học hành bài bản nên trong các hội nghị, dù có cấp trên dự họp, họ phát biểu rất chân thành, thẳng thắn, xây dựng, ưu khuyết rõ ràng. Với sư đoàn phó Nguyễn Thế Trị, ông không nói vòng vo mà nêu đúng sự việc, nêu đích danh “địa chỉ”. Điều này khiến một số cán bộ cấp trên khó chịu, cho là “cấp dưới hỗn”, dám bóc mở nhược điểm, gây bất lợi cho vị thế cấp trên…
Đơn cử như trong chiến đấu đánh trả Trung Quốc gây hấn biên giới những năm 1984 - 1986, ban đầu, cứ đối phương bắn pháo sang ta là có yêu cầu “bắn trả tương xứng” mà không cần biết hiệu quả ra sao. Sư đoàn phó Nguyễn Thế Trị phản đối việc bắn phí đạn này, ông cho trinh sát luồn sâu trong đất địch cả chục km để xác định cụ thể các mục tiêu và bắn trả thích đáng. Trung Quốc bắn sang từ hướng Quảng Hà, ta đáp trả ở Hải Ninh. Họ gây sự ban ngày, pháo binh 323 bắn trả ban đêm.
Các trận đánh trả cực kỳ chính xác, phá hủy nhiều mục tiêu quân sự quan trọng khiến lính Trung Quốc phát điên, gọi ông Trị là “diều hâu hiếu chiến” và thậm chí còn treo thưởng cho ai lấy được sinh mạng của sư đoàn phó Nguyễn Thế Trị. “Sau này dự hội nghị đối ngoại quân sự Việt - Trung, khi giải lao, mấy sĩ quan Trung Quốc đến bắt tay tôi thừa nhận: Hồi ấy rất cay cú trước cách đấu pháo của sư đoàn 323”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị kể.

'Bộ đến thì Bộ rất thương...'

Năm 1982, ông Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban tổ chức Trung ương, ra thăm Đặc khu Quảng Ninh tại cứ Ba Chẽ. Thời điểm này, trên tuyến biên giới gặp nhiều khó khăn về lương thực thực phẩm. Công việc của chiến sĩ hằng ngày rất nặng nhọc, vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa xây dựng công trình công sự. Mỗi Sư đoàn được cử 2 đại biểu đến gặp cấp trên. Lúc chờ gặp, sư đoàn phó Nguyễn Thế Trị nêu ý kiến: “Mấy khi chúng ta gặp được Bộ Chính trị tới thăm nên ai phát biểu phải nói đúng sự thật”. Đoàn cán bộ đại diện các sư đoàn lập tức cử ông Trị phát biểu với yêu cầu “để cấp trên hiểu thực chất”.

Nhân dân Quảng Ninh vận chuyển lương thực, súng đạn lên chốt

Ảnh tư liệu

Khi ông Lê Đức Thọ hỏi về đời sống bộ đội biên giới, ông Trị nói thẳng: "Bộ đội ta khi chiến đấu ở chiến trường từng làm thơ “Bộ đến thì Bộ rất thương, Bộ ra đến đường thì Bộ lại quên”. Còn bây giờ chiến sĩ ta ở biên giới khái quát: “Cơm toàn cục, canh toàn quốc, nước chấm đại dương” (cơm toàn cục bột mì luộc, canh toàn quốc là canh toàn nước, nước chấm đại dương là muối)". Nghe xong, ông Lê Đức Thọ phá lên cười và động viên: “Các đồng chí đã qua chiến tranh giải phóng, có nhiều kinh nghiệm lo cho bộ đội. Những gì đã chi viện ra biên giới là cố gắng cao nhất của Đảng và Nhà nước”.
“Câu chuyện này nhiều cán bộ biết nhưng có người không thích phong cách nói thẳng, nói thật của tôi”, thượng tướng Nguyễn Thế Trị trầm giọng và đăm chiêu: “Những điều đó không phải ai cũng nói mạnh trong hội nghị. Nhưng ai thẳng thắn chỉ ra thì có người lại không thích vì bệnh thành tích của đơn vị mình, ngành mình. Phải chăng đó cũng là nhược điểm của người Việt mình, còn trầm tích nhiều tư tưởng nông dân, phong kiến, hẹp hòi, đố kỵ. Mong sao trong tiến trình đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những chuyện đó phải là chuyện xa lạ với phong cách tư duy hiện đại, hội nhập”.

Gỡ mìn, đóng giường

Cuối năm 1987, Đặc khu Quảng Ninh sáp nhập về Quân khu 3. Bộ chỉ huy quân sự (BCHQS) tỉnh Quảng Ninh được khôi phục và lãnh đạo tỉnh xin ông Trị về làm Chỉ huy trưởng BCHQS.

Hỏi cung tù binh Trung Quốc xâm nhập biên giới Quảng Ninh

Ảnh tư liệu

Ngay khi về BCHQS tỉnh, ông Trị dành thời gian đi thực tế địa bàn để nắm chắc tình hình, sau đó đưa ra các giải pháp, triển khai nhiệm vụ quân sự - quốc phòng phù hợp với thế trận phòng thủ khu vực. Những sĩ quan từng công tác tại BCHQS tỉnh Quảng Ninh vẫn nhớ: Thời điểm 1989 - 1990, trước khi tổ chức rà phá gỡ mìn tuyến biên giới Quảng Ninh, Chỉ huy trưởng Nguyễn Thế Trị xuống tận nơi kiểm tra, hướng dẫn quy trình rà phá bom, mìn. Từ việc dùng xăng dầu đốt khu vực dự định dò, kẻ hàng thành ô vuông nhỏ cho chiến sĩ trước khi dò... Cuối mỗi ngày đồng loạt cho nổ bộc phá, không để bộ đội tận thu thuốc nổ trong mìn mang đi nơi khác, gây mất an toàn, phát sinh tiêu cực.
Ông Trị quán triệt đến từng cán bộ: “Mỗi gia đình chỉ có 2 đứa con. Nếu đặt vào hoàn cảnh của mình, có đứa con trai duy nhất trong thời bình, đi bộ đội, rà phá mìn, chẳng may sơ sảy bị thương, thậm chí hy sinh thì nỗi đau đó lớn thế nào, có gì bù đắp được?” và yêu cầu: “Ở đâu có chiến sĩ, ở đó phải có cán bộ chỉ huy, giám sát”.

Ông Nguyễn Thế Trị (thứ 2 từ phải qua, hàng đầu) học tại Học viện Quốc phòng năm 1980

Ảnh tư liệu

Trước tình trạng cán bộ thôn bản vùng sâu biên giới còn thiếu và yếu, ông Trị tham mưu cho tỉnh chọn một số con em đồng bào dân tộc thiểu số cho đi học tại Trường Quân sự tỉnh trong 18 tháng. Cuối khóa học cho thăm quan các địa danh kháng chiến (Vĩnh Mốc, Quảng Trị, Củ Chi, TP.HCM). Khi bế giảng, học viên phát biểu: “Củ Chi là đồng bằng, gần Sài Gòn, thế mà các chú bác vẫn bám trụ được. Chúng cháu có rừng, có núi, nếu chiến tranh xảy ra chúng cháu quyết bảo vệ quê hương của mình”.

… “Giữa năm 1977, tôi được cấp trên cho ra Bắc học ở Trường Văn hóa quân đội. Thế nhưng chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cả lớp chuyển về học đào tạo cán bộ Sư đoàn ở Học viện Quân sự cấp cao tại Hà Nội (nay là Học viện Quốc phòng). Trong 2 năm ở Học viện Quốc phòng, tôi nhớ nhất thượng tướng Hoàng Minh Thảo. Ông thường phân tích về mấy chữ TRÍ, DŨNG, TÍN, LIÊM, TRUNG và dặn chúng tôi: “Trước khi làm tướng, phải làm người. Đạo làm tướng cũng là đạo làm người. Thời đại ngày nay không nắm được công nghệ thông tin, không hội nhập thì không thể làm gì ra hồn, nữa là làm tướng. Rất buồn khi một số tướng trẻ hiện nay ít chịu rèn luyện, học tập; sống lối sống chạy theo đồng tiền, coi cấp dưới như kẻ ăn người ở”…

PGS.TS, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị
nguyên Giám đốc Học viện Quốc phòng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.