Thủy điện bán lúa non

16/11/2020 04:21 GMT+7

Những tình tiết không thể “ly kỳ” hơn khi một dự án thủy điện ở Thừa Thiên-Huế bị phát hiện tích nước khi chưa được phép, và chuyện bán điện lên lưới được xử lý chẳng khác nào đang... bán lúa non.

Câu chuyện xảy ra tại dự án Nhà máy thủy điện Thượng Nhật (Thừa Thiên-Huế) dồn nén rất nhiều nghịch lý. Lần thứ 2 và cách nhau 4 cơn bão (từ bão số 9 đến trước bão số 13), chủ đầu tư - Công ty CP đầu tư thủy điện miền Trung Việt Nam được cho là đã phớt lờ chỉ đạo mở van xả lũ từ phía chính quyền địa phương. Phải có sự giám sát của công an, 5 cửa xả mới mở như hình ảnh ghi nhận từ camera mà lẽ ra đã phải duy trì ở trạng thái “mở hoàn toàn” từ trước đó.
Chưa được phép vận hành mà vẫn chạy được máy, bán được điện, càng lạ. Món hàng được bán khi quy trình sản xuất chưa đảm bảo, thì ngay cả bên mua cũng phải liên đới trách nhiệm. Vì thế, trước mắt, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo - Bộ Công thương yêu cầu Tổng công ty điện lực miền Trung không mua điện từ Nhà máy thủy điện Thượng Nhật.
Cơ quan chức năng sẽ phải vào cuộc làm rõ những nghịch lý vừa đề cập. Nhiều nội dung khác cũng sẽ phải kiểm chứng. Thí dụ nguyên do đóng cửa các van xả là để nạo vét một số tuyến kênh xả bị bồi lấp chứ không phải nhà máy cố tình tích nước; bán điện dù chưa được phép tích nước là bởi quá trình vận hành chạy thử máy vẫn được bán điện lên lưới. Rồi sự khác biệt trong thông tin đưa ra giữa các bên về kinh phí đền bù…
Một chuyên gia phân tích rằng khi nhà máy thủy điện chưa hoạt động, chưa gây ảnh hưởng đối với khu vực hạ du trong mùa mưa lũ lẫn mùa khô cạn thì trách nhiệm quản lý vẫn đang thuộc về chủ đầu tư. Có điều, tích nước (khi bão sắp vào) và xả nước (để bán điện lên lưới) khi chưa được phép, khi địa phương phải gửi công điện khẩn, khi công an giám sát 24/24… thì không chỉ dừng ở lỗi xử lý tình huống thông thường. Đấy đã là vấn đề về ý thức tuân thủ pháp luật. Sự quyết liệt của chính quyền Thừa Thiên-Huế phần nào đã “nắn” lại dòng chảy ý thức đó.
Gần 3 tuần trước, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo đã buộc Công ty CP Tấn Phát mở van cống dẫn dòng tại thủy điện Plei Kần (Kon Tum) khi công trình chưa được phép tích nước. Xa hơn, hồi tháng 9.2016, sự cố vỡ van hầm dẫn dòng thủy điện Sông Bung 2 (Quảng Nam) khi tích nước cũng làm lộ ra nhiều lỗi kỹ thuật... Rõ ràng, chuyện vận hành một hồ chứa thủy điện không phải là nơi để “những người thích đùa” đưa ra các quyết định.
Khi nhà máy dung tích hồ chứa lên đến 17 triệu khối nước ứng xử theo kiểu bán lúa non như thủy điện Thượng Nhật, thì mức “lãi” mà chủ đầu tư thu được không biết bao nhiêu và cần ngăn chặn. Nhưng điều chắc chắn, khoản “lỗ” và rủi ro mà cộng đồng dễ dàng hứng chịu thì quá lớn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.