Lũ lên quá nhanh
Tại Bình Định, 2 điểm bị ngập nặng nhất là H.Tuy Phước và TP.Quy Nhơn. Đặc biệt, tại nhiều phường ngoại thành Quy Nhơn như Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú… lũ lên quá nhanh, người dân không kịp trở tay, nhiều đồ đạc bị cuốn trôi, có người kẹt trong lũ. Chính quyền phải điều nhiều lực lượng, phương tiện vào vùng lũ đưa những người dân ra ngoài an toàn.
Nhiều người dân ở các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú nghi ngờ do xả lũ nên khu vực này mới ngập sâu. Theo người dân, đợt lũ tối 10.11 vượt đỉnh lũ năm 2009. Nhiều người dân ở P.Nhơn Bình còn cho rằng do tuyến đường Điện Biên Phủ đang xây dựng đã chặn dòng thoát lũ nên năm nay nước ngập sâu hơn các năm trước.
|
Tuy nhiên, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Văn Phúc, quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khẳng định nước lũ dâng cao tại các huyện Vân Canh, Tuy Phước và TP.Quy Nhơn là do hoàn lưu bão số 12 gây mưa rất lớn từ đầu nguồn sông Hà Thanh. Trên hệ thống sông Hà Thanh không có thủy điện hay hồ chứa nước nào đổ về. Các thủy điện ở tỉnh Phú Yên xả lũ thì không có ảnh hưởng đến sông Hà Thanh.
Tại Phú Yên, lũ lên quá nhanh trong đêm 10.11 cũng khiến người dân trở tay không kịp, nhiều người bị thiệt hại về tài sản, nhất là ở các huyện: Đồng Xuân, Tuy An và TX.Sông Cầu. Ông Nguyễn Hữu Từ, Chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, cho biết: “Tuy không có thiệt hại về người nhờ địa phương chủ động phương án di dời, nhưng thiệt hại tài sản của dân là không nhỏ”.
Ông Trần Hữu Thế, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết hiện toàn tỉnh Phú Yên có 50 hồ chứa thủy lợi lớn nhỏ, nhưng chỉ có 3 hồ chứa có dung tích chứa mỗi hồ hơn 10 triệu m3, đó là hồ Đồng Tròn (H.Tuy An), hồ Phú Xuân (H.Đồng Xuân) và hồ Suối Vực (ở H.Sơn Hòa). 3 hồ lớn này và một số hồ thủy lợi khác có dung tích chứa nhỏ hơn thì có cửa xả để xả lũ, phần lớn các hồ chứa nhỏ còn lại thì nước lũ về tràn qua tràn tự do chứ không có cửa xả lũ.
Theo ông Thế, nguyên nhân gây ngập lụt 3 địa phương: H.Đồng Xuân, H.Tuy An và TX.Sông Cầu là do mưa lớn, cộng với lượng nước ở trên nguồn đổ về, trong khi lưu vực của 3 địa phương này nhỏ, địa hình có đồi dốc cao và ít hồ chứa để điều tiết cắt lũ. Đó là nguyên nhân gây ngập lụt chứ không phải do 50 hồ thủy lợi xả lũ.
Ông Thế cho biết thêm: Các địa phương ở Phú Yên chịu ảnh hưởng từ việc xả lũ của 2 nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ và Sông Hinh, gồm: Sơn Hòa, Sông Hinh, Tây Hòa, Phú Hòa, TX.Đông Hòa và TP.Tuy Hòa. Theo ông Thế, lưu vực ở sông Ba tương đối rộng, lại có nhiều hồ chứa cắt được lũ nên ít áp lực hơn. “Lượng nước đổ về trên sông Ba tương đối lớn nên buộc Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ phải xả lũ, nhưng UBND tỉnh Phú Yên điều tiết xả với lưu lượng phù hợp trong thời điểm triều cường để tránh gây áp lực ngập lụt cho vùng hạ du sông Ba, đặc biệt là TP.Tuy Hòa”, ông Thế nói.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đến 18 giờ chiều 11.11, nước lũ đã rút dần, toàn tỉnh Phú Yên chỉ còn hơn 10 xã bị chia cắt do ngập lụt.
Điều tiết xả lũ cả ngày lẫn đêm
Thời gian qua, do ảnh hưởng của mưa bão nhiều thủy điện lớn trên địa bàn Quảng Nam luôn điều tiết xả lũ về hạ du kể cả ngày lẫn đêm.
Chiều 11.11, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc điều tiết xả lũ của thủy điện không kể ngày hay đêm, tất cả phụ thuộc vào lượng nước lũ về hồ. “Không điều tiết, xả lũ ban đêm thì nước đổ về nhiều hồ sẽ đầy. Nếu nước về đều đều thì mình điều tiết đều đều, nếu tăng đột biến thì mình mới cắt lũ”, ông Tý nói.
Theo ông Tý, nếu nước lũ ban đêm lên đột ngột có thể người dân sẽ bị động hơn nên thủy điện rất hạn chế điều tiết, xả lũ ban đêm trong trường hợp hạ du đã bị ngập. Còn hạ du chưa bị ngập thì vẫn điều tiết bình thường (ngày lẫn đêm), nhưng có thể với số lượng ít hơn để tránh trường hợp nước ở hạ du dâng đột ngột.
Ông Vũ Đức Toàn, Giám đốc Công ty thủy điện Sông Tranh, cho hay trước khi điều tiết xả lũ thì chủ hồ thủy điện sẽ thông báo cho các địa phương trước 4 giờ. “Đây cũng là lệnh của UBND tỉnh Quảng Nam. Tùy theo mực nước về mà thủy điện điều chỉnh lên hoặc xuống và duy trì một mức độ nhất định chứ không phải thích lên hay thích xuống là được. Việc điều tiết xả lũ là một quá trình… Thời gian qua đơn vị điều tiết xả lũ cả ngày lẫn đêm để bảo đảm mực nước về hồ”, ông Toàn nói.
Ông Ngô Xuân Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP thủy điện A Vương, cho rằng trong đợt mưa lớn thời gian qua Quảng Nam có hạn chế điều tiết xả lũ vào ban đêm. Nếu tình hình thời tiết xấu thì ban ngày cố gắng hạ mực nước hồ, ban đêm giảm xả về hạ du. “Cũng tùy thuộc vào thời tiết nhưng đa số giảm xả lũ vào ban đêm. Một hành động xả hay không xả lũ phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố. Trong một số thời điểm, mực nước hồ lên cao thì bắt buộc phải xả vào ban đêm”, ông Thế nói.
Ông Thế cũng cho rằng, theo quy trình liên hồ, muốn cắt hẳn rồi xả lại thì phải thông báo trước 4 giờ, cho nên nếu lưu lượng về không nguy hiểm thì cho dù là có thể dừng xả nhưng để tránh 4 tiếng trễ kia thì có thể mình trở tay không kịp nên xả độ 25 m3/giây vào ban đêm, vận hành “mềm mỏng” trong chuyện tăng giảm. Nếu dừng hẳn rồi khởi động lại, khi mở cửa tràn thì phải thông báo cho địa phương trước 4 giờ; nếu điều chỉnh thay đổi thì không cần thông báo trước 4 giờ.
Ông Lê Quang Lam, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, cho biết gần nhất, ngày 10.11 Nhà máy thủy điện Quảng Trị (hồ thủy điện lớn nhất Quảng Trị) có văn bản xin xả lũ từ 15 giờ chiều 10.11 với lưu lượng 40 m3/giây. Tuy nhiên, Ban đã điều chỉnh lại, yêu cầu nhà máy phải xã lũ sớm hơn, vào sáng cùng ngày. “Xả sớm hơn và thông báo sớm hơn, để người dân biết mà chuẩn bị. Không để qua buổi chiều hoặc buổi tối, quãng thời gian này làm người dân không chủ động”, ông Lam nói.
Vừa khắc phục lũ vừa lo chống bão số 13Do ngập lũ nên các tuyến đường Hùng Vương, tuyến QL1D qua các phường Nhơn Phú, Nhơn Bình bị chia cắt từ tối 10.11 đến chiều 11.11. Tuyến QL19C qua KP.Tân Thuận (TT.Vân Canh, H.Vân Canh, Bình Định) bị nước lũ chia cắt.
Cầu Suối Mây (TT.Vân Canh) bị nước lũ chia cắt làm đứt gãy một nhịp, chia cắt hơn 100 hộ dân với 400 nhân khẩu. Tuyến đường từ xã Canh Thuận đi xã Canh Liên (H.Vân Canh) có 10 điểm sạt lở.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết khả năng tỉnh Bình Định tiếp tục chịu ảnh hưởng của cơn bão số 13. Tỉnh đã cấm tàu thuyền ra khơi từ 14 giờ ngày 11.11...
|
Bình luận (0)