Ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc Điều hành, Ủy hội Mê Kông, đã trả lời thẳng thắn về những câu hỏi nóng liên quan đến chiến lược cùng quản lý, khai thác dòng sông nuôi sống hàng trăm triệu dân này.
Hội nghị Thượng đỉnh Ủy hội Mê Kông lần thứ ba vừa diễn ra vào tháng 4.2018 tại Siem Reap (Campuchia) với sự tham gia của lãnh đạo các quốc gia Mê Kông, cam kết cùng hành động để phát triển dòng sông một cách bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có nhiều ý kiến quan ngại về tính bền vững của Hiệp định Mê Kông giữa bốn quốc gia được ký vào năm 1995 cũng như vai trò của Ủy hội Mê Kông, đặc biệt trong việc quản lý nguồn nước bền vững và các quyết định liên quan đến các đập thủy điện trên dòng chính.
|
Thưa ông, với sự xuất hiện ồ ạt của một loạt đập thủy điện trên dòng chính Mê Kông, có ý kiến nghi ngờ về tính ràng buộc và hiệu quả của Hiệp định Mê Kông 1995. Quan điểm của ông như thế nào?
Hiệp định Mê Kông được ký kết vào năm 1995 cùng với sự ra đời cùng với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế được coi là mốc lịch sử quan trọng đối với dòng sông Mê Kông và các quốc gia ven sông với mục đích “quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước của lưu vực sông Mê Kông”. Các nguyên tắc hợp tác của Hiệp định này cũng rất rõ ràng: quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực sông Mê Kông, đảm bảo chủ quyền và bình đẳng của các quốc gia và phát triển công bằng và hợp lý.
Tôi xin khẳng định rằng cho đến nay, Hiệp định Mê Kông 1995 là thỏa thuận tốt nhất của khu vực mà bốn quốc gia ở lưu vực sông Mê Kông có thể đạt được. Đây là Hiệp định về hợp tác liên quan đến nguồn nước duy nhất có hiệu lực trên dòng Mê Kông. Công ước Nước của Liên Hiệp Quốc là một công ước quan trọng, có nhiều điểm chung với Hiệp định 199 5. Tuy nhiên chỉ duy nhất có Việt Nam phê duyệt Công ước này vào năm 2014 và do chỉ có Việt Nam là thành viên, Công ước này không có tính hiệu lực ở khu vực Mê Kông và Lan Thương. Điều này càng chứng tỏ Hiệp định Mê Kông 1995 rất tiến bộ và có giá trị pháp lý hợp lý và duy nhất đối với bốn quốc gia lưu vực sông Mê Kông.
tin liên quan
Nhận diện chính sách Mê Kông của Nhật BảnCó thể nói, trên thế giới, chưa một lưu vực sông đa quốc gia nào đạt được một thỏa thuận như Hiệp đinh Mê Kông 1995. Tranh chấp xảy ra trên sông Nile với đập thủy điện Grand Renaissance do Ethiopia đang xây hiện gây tranh cãi lớn cho 11 quốc gia ven dòng sông Nile và có thể gây ra một cuộc chiến tranh về nước là một ví dụ. Trải qua hơn 200 năm thương thảo và đặc biệt là vòng đàm phán Thỏa thuận Khung Hợp tác (Cooperative Framework Agreement – CFA) trong hơn 10 năm gần đây, các quốc gia ven sông Nile vẫn chưa đạt được bất cứ cam kết chung nào.
Cùng với thời gian và những biến đổi của tình hình kinh tế, chính trị, việc xem xét để cập nhật và bổ sung Hiệp định là rất cần thiết. Ủy hội cũng đã và đang tiếp tục đề nghị để xem xét lại hiệp định 1995. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng tùy thuộc vào bốn quốc gia thành viên.
Lào liên tiếp xây đã xây các đập thủy điện Dong Sahong, Xayabury và gần đây là Pak Beng. Nhiều đập khác cũng được lên kế hoạch xây dựng trên dòng chính Mê Kông bất chấp phản đối của các quốc gia khác. Cả ba đập thủy điện đều được Lào trình dự án để tham gia quá trình tư vấn trước nhưng đều kết thúc bằng việc tiếp tục xây dựng đập. Ủy hội nhìn nhận và hành động thế nào đối với vấn đề này?
Ba thủy điện nói trên và các thủy điện được xây dựng trên dòng chính của Mê Kông đều tham gia vào quy trình Thông báo, tham vấn trước và thỏa thuận (PNPCA) để lấy ý kiến các quốc gia thành viên. Thủ tục này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên nước, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi đến môi trường và sinh kế của cộng đồng người dân ven sông, ở cả thượng lưu và hạ lưu sông Mê Kông.
|
Cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng trên thế giới, chưa từng có một công trình thủy điện trên dòng chính nào được xây dựng mà chấp nhận lấy ý kiến các bên như các thủy điện trên dòng chính của sông Mê Kông. Cũng chưa từng có tiền lệ nào trên thế giới cho việc một quốc gia có chủ quyền lại trình một dự án trên lãnh thổ của mình để cho các quốc gia khác xem xét. Chính vì vậy, quá trình tham vấn cần được nhìn nhận là một nỗ lực lớn lao của cả Ủy hội Sông Mê Kông Quốc tế và các quốc gia thành viên.
Cả ba tham vấn cho thủy điện Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng đều là thành tựu lớn lao của Hiệp định Mê Kông 1995 và của Ủy hội Mê Kông. Chính vì yêu cầu của quy trình PNPCA mà quốc gia tiến hành xây dựng đập mới chịu chia sẻ thông tin và kế hoạch, nhờ đó cộng đồng mới có thông tin cũng như cơ hội để đối thoại với chính phủ, nhà đầu tư và các quốc gia liên quan. Nếu không có thể xảy ra nguy cơ nước cuối nguồn dọa mang bom đến phá đập trên thượng nguồn.
Việc cập nhật chia sẻ thông tin được thực hiện trong suốt quá trình thực hiện dự án chứ không chỉ ở giai đoạn ban đầu. Cũng phải nói thêm là theo yêu cầu của quy trình, dự án xây dựng đập thủy điện trên dòng chính phải dành một khoảng thời gian nhất định, thường 1-2 năm, để tiến hành nghiên cứu tác động tiềm ẩn của đập lên dòng sông cộng thêm ít nhất 6 tháng nữa cho quy trình tham vấn, nếu không có các yêu cầu và thủ tục này thì dự án đã được triển khai và hoàn thành sớm hơn với thời gian ngắn hơn nhiều.
Quá trình tham vấn cho thủy điện Pak Beng gần đây là một bước tiến lớn hơn so với hai trường hợp trước đó, cho quy trình tham vấn trước đối với các dự án thủy điện trên dòng chính. Thông tin được chia sẻ sớm và minh bạch, các bên liên quan tham gia và đóng góp ý kiến và các bên thống nhất được kết luận chung cho quá trình tham vấn. Kết luận chung là một mốc thành công lớn cho quy trình tham vấn này. Sau khi quá trình tham vấn kết thúc, các bên quyết định sẽ cùng ngồi với nhau để có một kế hoạch hành động chung, tiếp tục theo dõi và giám sát các hoạt động của thủy điện Pak Beng.
tin liên quan
Nông dân Thái kháng cáo vụ đập XayaburiĐối với thủy điện Xayaburi, nhà đầu tư đã bổ sung 400 triệu USD để cải tiến xả phù sa, thêm âu thuyền, làm đường đi cho cá. Đây là một bước tiến đáng kể vì nếu không có quy trình tham vấn trước, nhà đầu tư và chính phủ Lào sẽ không có các biện pháp bổ sung để đảm bảo giảm thiểu các tác động của thủy điện đến môi trường.
Chưa có bằng chứng nào cho thấy là công nghệ đang áp dụng cho thủy điện Xayaburi không phù hợp với các loài cá và môi trường của sông Mê Kông. Hiện giờ các chuyên gia thế giới đều đánh giá đập thủy điện này ứng dụng những thành tựu công nghệ mới nhất đáng ngưỡng mộ. Ủy hội Mê Kông đang phối hợp chặt chẽ với các quốc gia thành viên cũng như nhà đầu tư để thực hiện một chương trình giám sát chung giữa các bên nhằm đánh giá hiệu quả của việc cải thiện tác động đến môi trường của thủy điện Xayaburi và có biện pháp cải thiện và thay đổi khi cần thiết.
Ủy hội vừa công bố Nghiên cứu Hội đồng với tham vọng có thể cung cấp một nghiên cứu toàn diện các tác động đến dòng Mê Kông và dựa vào đó, các quốc gia có thể định hướng phát triển phù hợp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Nghiên cứu này không được các quốc gia có sông Mê Kông chảy qua chấp nhận và bị các tổ chức trong khu vực phản đối, do vậy, sẽ không có tính hiệu lực trong việc áp dụng. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?
Nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông, bao gồm cả tác động của các dự án thủy điện dòng chính hay còn gọi là Nghiên cứu Hội đồng được bốn thủ tướng bốn quốc gia Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan đánh giá cao trong tuyên bố chung Xiêm Riệp tại Hội nghị Thượng đỉnh của Ủy hội Sông Mê Kông ngày 5 tháng 4 năm 2018. Điểm 9 của tuyên bố chung có nêu rõ: “Nghiên cứu Hội đồng được hoàn thiện và các kết quả, kho tri thức và công cụ được sử dụng của Nghiên cứu rất có giá trị đối với các nước thành viên, Ủy hội Mê Kông và các bên liên quan.”
|
Ở điểm 21 nằm trong phần Ưu tiên hành động của Tuyên bố chung có yêu cầu các chính phủ và Ủy hội ”xem xét các kết quả của Nghiên cứu Hội đồng làm định hướng cho việc lập kế hoạch và triển khai các kế hoạch và dự án ở cấp quốc gia, cũng như trong các công việc của Ủy hội, bao gồm cả ở góc độ chính sách và chuyên môn kỹ thuật để nắm bắt các cơ hội phát triển và xác định các đánh đổi, chia sẻ lợi ích, rủi ro.”
Tuyên bố chung được bốn thủ tướng của bốn quốc gia Campuchia, Lào, Việt Nam và Thái Lan, phê duyệt và thể hiện cam kết của bốn quốc gia thành viên đối với nội dung của Tuyên bố. Do vậy, luận điểm này là hoàn toàn không chính xác.
Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh là Ủy hội Mê Kông và bốn quốc gia thành viên đã và đang nỗ lực để hợp tác quản lý dòng sông Mê Kông một cách hiệu quả và bền vững nhất. Chúng tôi hy vọng có các nỗ lực của chúng tôi cùng các chính phủ của bốn quốc gia ven sông đang thực hiện được ghi nhận. Điều quan trọng nhất là chúng ta cần chung tay quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của Lưu vực sông Mê Kông.
Bình luận (0)