Thụy Điển lo có thêm hành động đốt kinh Koran gây hậu quả nghiêm trọng

Thụy Điển lo có thêm hành động đốt kinh Koran gây hậu quả nghiêm trọng

30/07/2023 14:36 GMT+7

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson “cực kỳ lo ngại” về hậu quả nghiêm trọng nếu tiếp tục có nhiều cuộc biểu tình xúc phạm kinh Koran, trong bối cảnh người Hồi giáo ngày càng tức giận trước hàng loạt vụ đốt cuốn sách thánh của đạo Hồi.

Vào ngày 28.6, hai người đứng bên ngoài một đền thờ Hồi giáo ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển và đốt một quyển kinh Koran. Động thái này là vụ việc mới nhất liên quan đến việc xúc phạm cuốn sách thiêng liêng của Hồi giáo ở Thụy Điển.

Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson hôm 27.7 cho biết ông vô cùng lo lắng về hậu quả nếu tiếp tục có nhiều cuộc biểu tình như vậy. Ông cho hãng tin Thụy Điển TT hay cảnh sát đã nhận được thêm nhiều yêu cầu tổ chức biểu tình mà trong đó có thể lại có việc đốt kinh Koran.

Các cuộc biểu tình phản đối việc đốt kinh Koran đã được tổ chức ở một số quốc gia. Hôm 24.7, hàng ngàn người đã xuống đường ở Yemen, giơ cao các bản kinh Hồi giáo và lên án hai nước Thụy Điển, Đan Mạch.

Theo các quy định ở cả hai quốc gia Bắc Âu này, việc đốt kinh Koran không bị coi là phạm pháp, mặc dù cả hai chính phủ đều cho biết họ lấy làm tiếc về hành động này.

Thủ tướng Thụy Điển lo ngại sẽ có thêm vụ ‘đốt kinh Koran’ - Ảnh 1.

Người dân ở Sanaa (Yemen) xuống đường biểu tình phản đối việc kinh Koran bị đốt ở Đan Mạch, ngày 24.7.2023

REUTERS

Trước đó hai ngày, hàng ngàn người ở thủ đô Baghdad của Iraq cũng xuống đường biểu tình.

Những cuộc phản đối xảy ra sau khi một người đàn ông đốt cuốn sách được cho là kinh Koran trên quảng trường đối diện với các đại sứ quán Iraq, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ ở Copenhagen (Đan Mạch).

Tuần trước, Đại sứ quán Thụy Điển tại Baghdad đã bị những người biểu tình - giận dữ vì vụ việc đốt kinh Koran - xông vào phóng hỏa.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã công khai lên án và cho rằng các các vụ đốt kinh Koran có thể tạo ra một vấn đề ngoại giao nghiêm trọng đối với Thụy Điển. Đơn xin gia nhập NATO của nước này vẫn có thể bị Ankara phủ quyết.

Thụy Điển đã cáo buộc các quốc gia khác - chẳng hạn như Nga - thao túng cuộc khủng hoảng để làm tổn hại đến lợi ích của họ và nỗ lực gia nhập NATO.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.