Cùng với 3 nhà máy thủy điện đang chờ chấp thuận chủ trương, trên thượng nguồn sông Kỳ Lộ còn có Nhà máy thủy điện La Hiêng 2 đã hoạt động gần 10 năm nay. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chuyên môn của tỉnh Phú Yên cần cẩn trọng trong thẩm định để tránh tác động đến môi trường và vùng hạ du con sông này.
Có xâm hại đất rừng không ?
Xã Phú Mỡ, H.Đồng Xuân (Phú Yên) có diện tích rừng khoảng 34.000 ha. Việc giữ rừng ở đây có ý nghĩa rất lớn để tăng kết cấu đất, giảm lũ về hạ lưu và điều hòa khí hậu. Năm 2020, xã Phú Mỡ trở thành "điểm nóng" về tình trạng người dân phá rừng để lấy đất sản xuất. Từ đó đến nay, UBND xã Phú Mỡ và Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Đồng Xuân đã thực hiện giao khoán cho người dân quản lý bảo vệ rừng tại các thôn Phú Giang, Phú Tiến, Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng với diện tích 25.095 ha.
Bên cạnh đó, UBND H.Đồng Xuân cũng thực hiện giao đất rừng sản xuất (nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng số hộ được giao đất sản xuất là 107 hộ với diện tích hơn 300 ha.
Ông Trần Quốc Huy, Phó chủ tịch UBND H.Đồng Xuân, cho biết: "Huyện đang tiếp tục rà soát quỹ đất rừng do UBND xã Phú Mỡ quản lý để giao cho người dân thiếu đất. Dự kiến trong giai đoạn 2025 - 2030, huyện thực hiện giao đất sản xuất với diện tích khoảng 400 - 500 ha; qua đó giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ có tư liệu sản xuất và tạo sinh kế bền vững. Chủ trương này cũng nhằm bảo vệ và phát triển diện tích rừng, nâng cao độ che phủ, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái cho vùng đầu nguồn sông Kỳ Lộ".
Theo ông Huy, khi xây dựng các nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 theo phương án của các nhà đầu tư đề xuất, sẽ có hơn 154,8 ha đất rừng bị thu hồi. Đây chủ yếu là diện tích rừng trồng (hơn 35 ha), đất trống chưa có rừng (119,8 ha). Tuy nhiên, các hạng mục phụ trợ của nhà máy như đường ống dẫn nước, đường thi công vẫn có thể tác động đến rừng phòng hộ, rừng tự nhiên và đất trồng lúa của người dân.
Đối với khu phụ trợ dự án thủy điện Khe Cách, có diện tích khoảng 0,17 ha thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất. Ngoài ra, đối với tuyến hầm dẫn nước chiều dài hơn 5,5 km và tuyến đường thi công chiều dài khoảng 1,5 km, thì chưa rõ giải pháp thiết kế, ảnh hưởng đến hiện trạng và quy hoạch rừng phòng hộ, rừng trồng để làm cơ sở đánh giá về tính phù hợp với quy hoạch. Trong khi đó, hồ sơ dự án nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 chưa thể hiện rõ phân loại đất trồng lúa và đất không có giấy tờ...
Trong quá trình thẩm định dự án, ông Huỳnh Xuân Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, đề nghị nhà đầu tư phải bổ sung diện tích, vị trí, tọa độ của từng khu vực như lòng hồ, đập chính, khu phụ trợ, mô tả chi tiết việc xây dựng đường ống dẫn nước, thì mới biết có ảnh hưởng đến diện tích rừng và chức năng quy hoạch của rừng hay không. Trước khi triển khai dự án, nhà đầu tư phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế đối với diện tích rừng trồng thuộc quy hoạch 3 loại rừng theo các quy định hiện hành.
Không để tổn thương hạ lưu
Theo phân tích của cơ quan chuyên môn, hồ sơ báo cáo đề xuất các dự án nhà máy thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 được lập trên cơ sở nhiều quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã hết hiệu lực.
Cụ thể như luật Tài nguyên nước năm 2012 (được thay thế bởi luật Tài nguyên nước năm 2023); Thông tư số 64/2017/TT-BTNMT ngày 22.12.2017 của Bộ TN-MT về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng (đã được thay thế bởi Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT ngày 16.5.2024 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Tài nguyên nước).
Về các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan thì Quy phạm QP.TL C-6-77 Tính toán các đặc trưng thủy văn thiết kế đã được thay thế bởi TCVN 13615:2022); TCVN 9137:2012 Công trình thủy lợi - đập bê tông và bê tông cốt thép - yêu cầu thiết kế (được thay thế bởi TCVN 9137:2023); TCVN 4253:2012 Công trình thủy lợi - nền các công trình thủy công - yêu cầu thiết kế (được thay thế bởi TCVN 4253:2022)... Bên cạnh đó, các thông số thiết kế công trình như dung tích hồ, mực nước chết, mực nước dâng bình thường, mực nước lũ, cao trình đỉnh đập, cũng mới chỉ xác định sơ bộ.
Về dòng chảy tối thiểu trả về hạ lưu theo quy định tại khoản 1 điều 15 Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT của Bộ TN-MT, "dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu đập, hồ chứa có giá trị trong phạm vi từ lưu lượng tháng nhỏ nhất đến lưu lượng trung bình của 3 tháng nhỏ nhất (m3/s)". Tuy nhiên, các dự án nhà máy thủy điện đang được đề xuất xây dựng đều kiến nghị lựa chọn bằng dòng chảy trung bình tháng nhỏ nhất (0,23 m3/s), gây bất lợi cho các đối tượng sử dụng nước ở khu vực hạ lưu.
Ông Lữ Ngọc Lâm, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, nhận định: "Nhà đầu tư phải căn cứ các quy định để phân tích, so sánh các phương án để lựa chọn tuyến công trình, mực nước dâng bình thường, mực nước chết, công suất lắp máy, số tổ máy, kết cấu đập dâng, quy mô và kết cấu đập tràn, giải pháp tiêu năng, phương án đấu nối nhà máy thủy điện với hệ thống điện, đảm bảo nâng cao hiệu quả đầu tư và giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội. Cùng với đó, nhà đầu tư phải tính toán an toàn ổn định, độ bền, chống thấm, chế độ thủy lực... của các hạng mục công trình chính như đập dâng, đập tràn, cửa lấy nước, kênh dẫn nước, đường ống áp lực, kênh xả trong mọi điều kiện làm việc. Các dự án thủy điện cần đánh giá các hiệu ích kết hợp khác của dự án như cắt giảm lũ, tạo nguồn cấp nước cho hạ du; phát triển du lịch, giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản…".
Đối với lĩnh vực xây dựng, theo hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư, các dự án thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2 có công suất từ 10.000 KW đến 14.000 KW. Trong khi đó, Quyết định số 510/QĐ-BXD ngày 19.5.2023 của Bộ Xây dựng, lại chưa quy định suất vốn đầu tư đối với nhà máy thủy điện có công suất dưới 60.000 KW.
Theo ông Trần Xuân Túc, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên, việc đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện trên suối Khe Cách (một nhánh của sông Kỳ Lộ) cùng với dự án 2 dự án nhà máy thủy điện Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2, có khả năng ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên, dòng chảy, nguồn nước và đời sống của người dân (nguồn cấp nước sinh hoạt, sản xuất nông lâm nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy sản, lũ lụt, sạt lở, xói mòn…). Chính vì thế, các cơ quan chuyên môn phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ lưỡng để làm cơ sở xem xét; đảm bảo hiệu quả, khả thi và hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên và đời sống của người dân.
Sau khi xem xét nội dung Văn bản số 5405/UBND-ĐTXD ngày 30.8.2024 của UBND tỉnh Phú Yên xin ý kiến đánh giá về sự phù hợp quy hoạch đối với các dự án thủy điện Khe Cách, Sơn Hòa 1 và Sơn Hòa 2; ngày 9.9.2024, Bộ Công thương có Văn bản số 6856/BCT-ĐL, trao đổi như sau: "Căn cứ kế hoạch, quy hoạch tỉnh Phú Yên và các văn bản pháp lý có liên quan, UBND tỉnh Phú Yên có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các dự án đúng quy mô công suất, tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đảm bảo không ảnh hưởng, chồng lấn đến quy hoạch các dự án thủy điện liền kề phía thượng, hạ lưu và các công trình hạ tầng, giao thông, thủy lợi trong khu vực; hướng dẫn nhà đầu tư các dự án thực hiện đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật về Đất đai, Đầu tư, Đấu thầu, Xây dựng, Lâm nghiệp, Môi trường, Tài nguyên nước... UBND tỉnh Phú Yên chịu trách nhiệm đối với các nội dung đề xuất; xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án theo thẩm quyền, đảm bảo đúng quy định của pháp luật".
Bình luận (0)