Thủy điện Trung Quốc đang xả nước ồ ạt bỗng giảm đột ngột

04/05/2022 10:03 GMT+7

Trong 2 tuần qua, các đập thủy điện Trung Quốc tăng xả nước làm mực nước sông Mê Kông không chỉ ở Thái Lan và Lào mà tại Campuchia vượt kỷ lục. Nhưng hiện tại các đập này đang giảm đột ngột làm mực nước sông Mê Kông biến đổi khó lường.

Trong tuần từ ngày 25.4 - 1.5, các đập thủy điện đã xả tổng cộng 2,45 tỉ mét khối nước, tăng nhẹ so với con số 2,4 tỉ mét khối của tuần trước đó. Đây là các con số kỷ lục tại thời điểm được ghi nhận. Tính chung 2 tuần, chỉ riêng hai đập lớn của Trung Quốc là Nọa Trát ĐộTiểu Loan đã xả ra tổng lượng nước ước tính khoảng 3,7 tỉ mét khối.

Thủy điện Trung Quốc đang xả nước ồ ạt bỗng giảm đột ngột

Mực nước sông Mê Kông tại Chiang Saen (Thái Lan) tăng cao trong 2 tuần qua

MDM

Bản tin của Dự án MDM (Mekong Dam Monitoring) theo dõi hoạt động của các đập thủy điện trên sông Mê Kông cho biết: Trong tuần cuối tháng 4 đầu tháng 5 vừa qua, 19/45 đập được theo dõi đã xả ra tổng cộng 2,45 tỉ mét khối nước. Tại Chiang Saen (Thái Lan) ước tính lượng nước vượt trung bình nhiều năm đến 61%.

Do việc xả lượng nước lớn và kéo dài liên tục trong 2 tuần nên mực nước cao bất thường không chỉ ghi nhận tại các trạm đo nước ở Thái Lan mà cả Campuchia, nơi gần cuối nguồn. Trạm quan trắc Stung Treng (Campuchia) ghi nhận mức cao hơn trung bình trong lịch sử khoảng 1 mét do việc xả đập ở thượng nguồn và lượng mưa trái mùa.

Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cho biết: Tuần qua, dọc theo hạ lưu sông Mê Kông, ghi nhận mực nước cao kỷ lục trên hàng loạt trạm đo của Lào như: Luang Prabang, Vientiane, Nakhon Phanom, Thakhek và Kratie (Campuchia). Trong khi đó, nhiều trạm quan trọng khác mực nước cao bất thường và cao hơn giá trị trung bình của chúng.

2 tuần qua, các đập thủy điện liên tục tăng lượng xả nước xuống dòng Mê Kông, với tổng lượng nước lên đến 4,85 tỉ mét khối. “Lượng nước này tương đương gần 10% tổng lượng nước được lưu trữ trong 45 đập lớn nhất đang được theo dõi. Chúng tôi ước tính 43% dung tích hữu ích vẫn còn trong các đập của Trung Quốc và 31% dung tích hữu ích vẫn còn ở các đập tại những vùng hạ lưu sông Mê Kông. Các con đập sẽ tiếp tục xả nước ra trong khoảng sáu tuần nữa. Điều này sẽ làm cho mực nước ở hạ lưu cao hơn, làm tổn hại đến các cộng đồng nông, ngư nghiệp vốn sống dựa vào mực nước sông thấp hơn ở thời điểm này trong năm”- bản tin của MDM dự báo.

Mực nước trên sông Tiền (Việt Nam) cao hơn trung bình nhiều năm

Đình Tuyển

Trên sông Tiềnsông Hậu của Việt Nam, do ảnh hưởng kết hợp của thủy triều nên mực nước vẫn dao động trong điểm tới hạn. Theo số liệu quan trắc của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước tại Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) trong 10 ngày cuối tháng 4 cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,35 - 0,45 mét. Dự báo trong 10 ngày đầu tháng 5, mực nước tại hai trạm này cao hơn trung bình nhiều năm 0,4 - 0,6 mét.

Đập Cảnh Hồng, "trạm" cuối trong chuỗi 11 thủy điện bậc thang thượng nguồn sông Mê Kông của Trung Quốc

IMAGINECHINA

Sau 2 tuần xả nước ồ ạt vừa qua, hiện các đập ở Trung Quốc đang giảm lượng xả. Việc này sẽ khiến sông Mê Kông dọc theo biên giới Thái Lan và Lào giảm mạnh. Mực nước có thể giảm đến 1,8 mét trong khoảng từ ngày 1 - 4.5 tại Chiang Saen (Thái Lan); từ ngày 3 - 6.5 tại Luang Prabang (Lào) và từ ngày 5 - 8.5 tại Chiang Khan (Thái Lan). Nguyên nhân có thể là do hiện tại đập Cảnh Hồng (đập cuối trong chuỗi 11 đập thủy điện bậc thang của Trung Quốc) mực nước hồ chứa giảm 0,58 m và ở mức thấp hơn khoảng 0,31 m so với trung bình nhiều năm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.