Thủy điện và bài toán cảnh báo xả lũ

23/11/2013 09:47 GMT+7

Đợt lụt lớn xảy ra tại Quảng Nam vừa qua cho thấy công tác cảnh báo xả lũ của các thủy điện ở hệ thống sông Vu Gia, Thu Bồn vẫn còn nhiều yếu kém.

 Thủy điện xả lũ
Thủy điện xả lũ gây ngập nghiêm trọng tại Hội An - Ảnh: Diệu Hiền

 

Ám ảnh “lũ” thủy điện

Chưa bao giờ người dân hạ du sông Vu Gia, Thu Bồn chứng kiến trận lũ bất thường như trận lũ vừa qua. Nước không chỉ lên nhanh có thể “đo” được bằng mắt thường mà còn dữ dội hơn rất nhiều so với những đợt lũ khác, dù đỉnh lũ không cao. Ông Đoàn Ngọc Tiến (57 tuổi, Nông Sơn 2, xã Điện Phước, H.Điện Bàn) khẳng định, lũ lên nhanh đột biến với mức 60cm trong 1 giờ là do các thủy điện xả lũ. Theo ông Tiến, đợt lũ này quá lớn là do thủy điện cấp tập xả nước trong điều kiện hạ du nước đang lên. “Theo kinh nghiệm của người trồng hoa như chúng tôi thì khi trời đã lập đông, nếu có lũ cũng không lớn như trận này”, ông Tiến cho biết. Trong khi đó, nhiều người khác lại cho biết, khi bắt đầu xả lũ, các thủy điện đã không thông báo cho dân, hoặc có thông báo thì quá muộn. Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng (H.Đại Lộc) kiến nghị, các thủy điện thượng nguồn Vu Gia, trước khi xả lũ cần phải cấp báo cho địa phương để kịp thời di dời người dân. “Khoảng 10 giờ ngày 15.11, tôi nhận được thông báo thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Tuy nhiên, đến 14 giờ cùng ngày, thì nước đổ về dữ dội khiến chúng tôi không kịp trở tay. Trước khi xả lũ, các thủy điện phải thông báo cho chúng tôi trước khoảng 1 buổi để kịp di dời, tránh lũ”, ông Xuyên bức xúc.

Bà Nguyễn Thị Bích Sinh, Chủ tịch UBND xã Phước Hiệp (H.Phước Sơn) cho biết thêm, do thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ quá lớn đã khiến 14 căn nhà của người dân dọc sông Trường tại thôn 3 và thôn 11 bị sạt lở nghiêm trọng. “Nhiều người dân sinh sống ở khu vực bị sạt lở đến 40 năm bảo với tôi rằng, họ chưa bao giờ chứng kiến cảnh tượng nước lũ đổ về hãi hùng như hôm 15.11. Nước lũ lớn đến mức chỉ trong vòng vài phút đã cuốn sạch nhà bếp, chuồng heo của dân”, bà Sinh nói. Do không kịp trở tay nên nhiều đồ đạc của nhiều người dân đã trượt xuống sông, trôi theo dòng lũ. Được biết, vào ngày 15.11, thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ với lưu lượng lên đến 3.900 m3/s.

Cảnh báo xả lũ không hợp lý

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm 2013, thủy điện Đăk Mi 4 bị người dân Đại Lộc, Điện Bàn lên án về việc xả lũ ào ạt khiến người dân không kịp trở tay. Câu chuyện cảnh báo xả lũ hơn bao giờ hết được đặt ra tại nhiều cuộc hội họp. Ngày 20.11, tại cuộc họp với đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công tác khắc phục hậu quả sau bão, UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong đợt lũ vừa qua, các thủy điện đã cảnh báo lũ không tốt khiến cho người dân hốt hoảng khi thấy nước lên quá nhanh. Phát biểu tại buổi làm việc này, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nói: “Đặc biệt, tôi quan tâm đến thông tin lũ vừa rồi vẫn có người dân nói rằng: tôi không biết xả lũ, tôi ngủ dậy mới biết là lũ về. Cái này là do hệ thống báo động của mình có vấn đề. Hệ thống từ tỉnh xuống, từ huyện xuống xã như thế nào, thiếu cái gì chúng ta phải khắc phục… Chúng ta cần phải hoàn thiện hệ thống báo động lũ…”, Phó thủ tướng nói.

Tại hội thảo “Biến đổi khí hậu khu vực miền Trung-Tây nguyên: Thực trạng và giải pháp ứng phó” do Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức vào ngày 19.11, thạc sĩ Tô Thúy Nga (Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng) cũng nhận định, việc cảnh báo xả lũ của các thủy điện trong đợt lũ vừa qua là chưa hợp lý. Các thủy điện đang mắc một thực trạng là tích nước cho đầy hồ nhưng khi nước quá lớn lại thi nhau xả. “Ngày 15.11 vừa qua, chúng tôi nghiên cứu những số liệu có được thì thấy thủy điện Đăk Mi 4 đã cảnh báo lũ không hợp lý. Khi lũ đến người ta vẫn tích nước, tức nằm trong quy trình cho phép nhưng không hề báo cho dân biết rằng: bây giờ đã có lũ… Nhưng đến khi người ta tích nước lên đúng theo quy định, họ xả thì dân ở dưới không được báo và thấy lũ dâng nhanh, bất thường… Hậu quả của đợt lũ là do nước lên nhanh chứ đỉnh lũ là không lớn so với những đợt lũ khác”, bà Nga phân tích.

 Thủy điện xả lũ 2
Thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ về hạ du sông Vu Gia - Ảnh: Hoàng Sơn

Cũng theo bà Nga, vấn đề xả lũ là vấn đề rất “nóng” và cần thiết có sự nghiên cứu. Bà cùng những người có chuyên môn đã đưa ra đề tài khoa học về vận hành xả lũ theo thời gian thực. Tức phải có sự kết hợp giữa các trung tâm dự báo khi trượng thủy văn. Cụ thể, các trung tâm này có thể cung cấp cho các thủy điện số liệu dự báo trong 5 ngày. Từ đó, ngành chức năng đưa ra được các phương án hợp lý, đưa ra những lời cảnh báo cho dân biết chuẩn bị phương án di dời, ứng phó. Đó là mục đích của phương án “quy tắc vận hành xả lũ an toàn cho hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn trong mưa lũ theo thời gian thực”.

Bà Nga cho biết thêm, thực hiện vận hành hệ thống hồ chứa theo thời gian thực thời kỳ mùa lũ là ứng dụng mô hình mô phỏng hệ thống đã xây dựng trước đó. Qua đó, cho phép các hồ chủ động hạ thấp mực nước hồ để đón lũ, nâng cao hiệu quả cắt giảm lũ cho hạ du mà vẫn đảm bảo an toàn tích nước cho các hồ chứa thủy điện. Ngoài ra, để các tham số mô hình chất lượng hơn, sau khi các hồ chứa cần xây dựng thêm các trạm đo mưa để bổ sung, nhằm tăng thêm mức độ chính xác của mô phỏng lũ.

Phải quy trách nhiệm cho từng thủy điện

Không phải bây giờ câu chuyện thủy điện làm khổ người dân miền Trung mới được đặt ra mà từ lâu các nhà khoa học, nhà quản lý đã nhiều lần đề cập. Tuy nhiên, những cảnh báo cũng như những ý kiến tâm huyết của họ như bị... bỏ rơi!

Tại hội thảo “Tư vấn phản biện quy hoạch thủy lợi, thủy điện khu vực miền Trung” năm 2011, ông Phạm Xuân Sử, Chủ tịch Hội tưới tiêu VN, cho rằng, bờ biển miền Trung dài, dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển, đồng bằng rất hẹp, có nhiều sông lớn. Sông suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn; cửa sông bị bồi lấp gây cảng trở về thoát lũ nên khi xảy ra mưa lớn, hay thủy điện xả lũ, nước dâng cao và nhanh. Bên cạnh mưa, lũ, khu vực miền Trung cũng hứng chịu bão nhiều hơn so với 2 đầu đất nước. Không những “gánh” bão, lũ, miền Trung cũng “lãnh đủ” mỗi khi nắng hạn. Theo ông Bùi Ngọc Lâu, cán bộ Hội tưới tiêu Việt Nam: “Như thế thì người miền Trung không nghèo khó cho được, hầu như cả năm phải gánh chịu thiên tai”.

Nhiều nguyên nhân được đưa ra để lý giải cho những thiệt hại mà người dân miền Trung phải “ôm sô” ngay cả khi mưa bão, lụt hoặc nắng hạn. Các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân chính là do biến đổi khí hậu; do xây dựng các trục đường giao thông, các khu dân cư tập trung, khu công nghiệp; do phá rừng…Và đặc biệt, các nhà khoa học cũng chỉ đích danh: lỗi lớn là do xây dựng và vận hành các hồ thủy điện, hồ thủy lợi chưa đồng bộ. Còn đại diện Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) khẳng định các dự án quy hoạch thủy điện do các đơn vị thuộc Bộ Công thương thực hiện vẫn mang nặng tính chuyên ngành, chú trọng về phát điện là chính chứ chưa tính đến điều tiết nước cho vùng hạ lưu. Bên cạnh đó, là tình trạng mạnh ai nấy làm quy hoạch thủy điện, quy hoạch tràn lan, có cả công trình nằm trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia... Chưa hết, các hồ thủy điện chỉ quan tâm đến dung tích phòng lũ cho bản thân công trình, không có dung tích phòng lũ cho hạ du. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Nam từng nhận định rằng: “Thực tế, các chủ đầu tư dự án chỉ đặt mục tiêu phát điện là chính, chưa quan tâm đến việc điều tiết giảm lũ nhằm hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du”. Cũng theo ông Quang, các hồ thủy điện đang thực hiện quy trình vận hành chỉ bảo đảm việc phát điện và an toàn đập, chưa thật quan tâm đến việc tham gia cắt lũ, giảm lũ, nên khi lũ về lớn thì xả xuống, gây khó khăn cho vùng hạ du.

Để giảm thiệt hại cho các tỉnh miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát quy hoạch thủy điện các lưu vực sông, dứt khoát loại bỏ những công trình không đảm bảo vấn đề môi trường và xâm hại đến các vùng đã được quy định như khu bảo tồn, rừng đặc dụng... Riêng ông Phạm Xuân Sử nhấn mạnh: “Đến lúc chúng ta cần có hành động cụ thể, không nói suông nữa để giúp người dân miền Trung có thể sống chung với thiên tai, bão lũ. Bên cạnh đó, cần quy trách nhiệm cụ thể cho từng nhà máy thủy điện trong việc vận hành nhà máy, điều tiết lũ. Không thể để việc các nhà máy đặt lợi ích của mình lên trên tính mạng và tài sản của người dân được”.

Đã đến lúc cần chỉ đích danh, xử lý kiên quyết, buộc chủ đầu tư thủy điện phải bồi thường những thiệt hại về người, tài sản, hoa màu của người dân miền Trung, nhất là trong đợt lũ, lụt vừa qua.

Hữu Trà

Hoàng Sơn

>> Thủy điện xả lũ gây 'lũ chồng lũ': ĐBQH đề nghị xử lý hình sự
>> Lũ bất thường vì thủy điện xả lũ cấp tập
>> 15 thủy điện ở miền Trung - Tây nguyên đồng loạt xả lũ
>> Siêu bão Hải Yến: Thủy điện đồng loạt xả lũ
>> Xả lũ bất ngờ, người dân bị thiệt hại nghiêm trọng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.