'Thủy quái' dài 4,2 mét còn gọi là cá hầu ông

07/06/2014 19:20 GMT+7

(TNO) Đó là khẳng định của lão ngư Trần Ban (76 tuổi, ngư dân kỳ cựu của phường Mân Thái, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), nổi danh với nghề câu mực với tàu câu mực ĐNa 90567 công suất 948 CV lớn nhất miền Trung hiện nay.

>> Tay câu Đà Nẵng bắt được 'thủy quái 
>> Xôn xao chuyện câu được 'thủy quái' giống rồng dài hơn 4m

 “Thủy quái” dài 4,2 mét giống rồng còn gọi là cá hầu ông 1
Ông Ánh bên "Thủy quái"

Khi xem các hình ảnh và clip chúng tôi đưa, ông Trần Ban nói chắc như đinh đóng cột con cá hố phướng này còn có tên là cá hầu ông.

Trong đó, “ông” là nhắc đến cá voi, cá heo, những loài cá theo quan niệm người đi biển luôn bảo vệ tàu thuyền, giúp ngư dân vượt qua thiên tai bão tố.

“Hồi tui còn trẻ, đi biển thường thấy loài cá hố phướng, cá hầu ông này xuất hiện cùng, hoặc sau khi có cá ông, nếu cá còn sống thì nó bơi đẹp lắm, vây lưng uyển chuyển như rắn rất đẹp”, ông Ban kể.

Câu chuyện của ông Ban về thời kỳ xuất hiện loài cá này cũng trùng hợp với lời kể của ngư dân Lê Văn Khang (48 tuổi, trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) chủ tàu cá ĐNa 90363 và ngư dân Lê Văn Chiến (trú quận Thanh Khê), chủ tàu cá ĐNa 90351.

 “Thủy quái” dài 4,2 mét giống rồng còn gọi là cá hầu ông 2
"Thủy quái" dài đến 4,2 mét

Ông Khang thấy cá hầu ông này dính câu từ khoảng 20 năm trước, nhưng không rõ nguyên do gì những năm gần đây tuyệt nhiên vắng bóng, còn ông Chiến thì cho rằng loài cá này ngày xưa thời cha chú của ông đi biển thì có gặp còn thời của ông cũng chỉ nghe kể chứ ông chưa thấy bao giờ.

 

Theo chuyên gia tiến sĩ Võ Văn Quang, Viện Hải dương học Nha Trang: Đây là loài cá hiếm sống ở biển sâu, tên địa phương gọi là cá hố phướng. Xem hình thì chỉ xác định được giống Regalecus, thuộc họ Regalecidae (tiếng Anh gọi là Oarfish), tên cá Chèo là do dịch từ tiếng Anh sang. Vì hình ảnh mờ không rõ nét nên khó xác định được loài. Giống Regalecus có 2 loài đều phân bố ở vùng biển tây Ấn Độ - Thái Bình Dương. Nếu con cá chưa bán, Viện có thể mua làm mẫu vì loài này rất hiếm gặp không hiểu sao lại câu được ở vùng vịnh Chân Mây.

Ông Khang cho biết thêm, thông thường cá hầu ông này khi vào gần bờ là dấu hiệu của việc sắp chết, dân gian còn gọi là lụy, và ngư dân vớt được thường mang chôn.

Tuy nhiên điều này khá trái ngược với lời kể của cần thủ Nguyễn Văn Ánh (61 tuổi, trú quận Thanh Khê), thành viên CLB câu cá Hải Vân, người bắt được con cá và đoạn phim mà ông Trần Thế Dũng ghi lại bằng điện thoại.

Ông Ánh kể khi bị phóng lưỡi câu tiêu dính trúng đầu ở mặt biển chỉ cách bờ 30 mét, con cá vẫn rất mạnh, 2 người như ông Ánh, ông Dũng phải đánh vật hơn nửa giờ chờ con cá kiệt sức mới lôi vào được.

Mặc dù đã bị nhấc đặt lên trên ghềnh đá, con cá vẫn quẫy thân liên tục.

Chiều 7.6, chúng tôi trao đổi qua điện thoại với ông Ánh để hỏi thêm về con cá lạ. Ông Ánh vẫn chưa vác cần câu ra biển trở lại vì 2 ngày qua bận nhiều việc, trong đó ông dành phần lớn thời gian tiếp phóng viên các báo đến hỏi chuyện.

Khi nghe chúng tôi cung cấp thông tin về con cá quý, ông Ánh bày tỏ sự tiếc nuối khi không giữ sống được con cá.

“Chỗ ghềnh đá bọn tui câu thì thuê ghe từ cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế) đi ra khoảng 15 phút, khoảng 2 giờ chiều 30.5, tui với anh Dũng kéo được con cá lên bờ liền gọi điện cho chủ ghe nhờ mua một thùng xốp loại lớn vì không biết mang con cá về bằng cách nào”, ông Ánh kể.

Đến 16 giờ cùng ngày, chủ ghe ra đón nhóm ông Ánh, cả nhóm loay hoay bê con cá cuộn lại thành mấy vòng mới nằm được trong thùng xốp, lúc này con cá đã chết.

Nguyễn Tú
  (Ảnh do ông Trần Thế Dũng cung cấp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.