Một nhóm nhà khoa học quốc tế do giáo sư Neil Gemmell thuộc đại học Otago (New Zealand) dẫn đầu đã thu thập và phân tích hàng trăm mẫu ADN lấy từ vùng nước ở hồ Loch Ness (Scotland) và xác định được khoảng 3.000 loài khác nhau, theo tờ The Guardian ngày 5.9.
Hầu hết những loài này đều có kích thước nhỏ đến mức khó có thể thấy bằng mắt thường và dữ liệu cho thấy truyền thuyết về thủy quái hồ Loch Ness là không chính xác.
Trước đây, một số giả thuyết nêu rằng con quái vật có thể là loài bò sát kỷ Jura như thằn lằn đầu rắn (Plesiosaur) hoặc một loài cá khổng lồ nào đó. Kỷ Jura bắt đầu từ 201,3 triệu năm trước khi kết thúc kỷ Tam điệp và kéo dài 56 triệu năm.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu của ông Gemmell không tìm thấy bằng chứng nào về thực thể trong hồ có tổ tiên là khủng long, cá da trơn khổng lồ, cá tầm hay cá mập.
|
"Cũng như các cuộc điều tra trước đây, chúng tôi không thấy có bằng chứng nào về loài thủy quái. Tuy nhiên chúng tôi có một giả thuyết để xem xét rằng đó có thể là loài lươn khổng lồ”, ông Gemmell viết trong báo cáo nghiên cứu.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều ADN của lươn, cùng với ADN của người, chó, cừu, các loài gia súc và nai trong hồ. Mặc dù dữ liệu không thể giúp xác định kích thước của con lươn nhưng theo các nghiên cứu trước đây, loài lươn lớn nhất từng được phát hiện tại châu Âu dài khoảng 1,2 m và nặng khoảng 5,4 kg.
Giáo sư Gemmell nói dù kích thước trên là chưa đủ để so sánh với một con “quái vật” nhưng dựa trên những bằng chứng thu thập được thì cũng không thể loại trừ khả năng.
Câu chuyện về quái vật hồ Loch Ness được cho là xuất hiện lần đầu trên tờ Inverness Courier vào năm 1933, đưa tin về trường hợp nhìn thấy "điều kỳ dị trên hồ". Vô số nỗ lực để tìm kiếm bằng chứng của con quái vật được thực hiện những năm về sau nhưng đến nay chưa có kết quả.
Bình luận (0)