Thủy quân lục chiến Mỹ mua tên lửa Tomahawk để đối phó Trung Quốc ở Biển Đông?

23/06/2022 11:30 GMT+7

Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) được cho là đang tiến gần hơn đến việc sở hữu tên lửa Tomahawk được phóng trên bộ để đối phó chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hồi tháng trước, Hải quân Mỹ đã trao hợp đồng trị giá 217 triệu USD cho công ty Phòng thủ và tên lửa Raytheon thuộc tập đoàn Công nghệ Raytheon để sản xuất 154 tên lửa hành trình Tomahawk Block V, trong đó có 70 quả dành cho hải quân, 54 cho USMC và 30 cho lục quân, theo báo Asia Times.

Việc mua tên lửa Tomahawk (TLAM) được phóng từ đất liền là một phần trong chương trình hỏa lực tầm xa của USMC, với mục tiêu cung cấp và duy trì các hệ thống vũ khí chống hạm và tấn công các mục tiêu trên bộ được tích hợp đầy đủ nhằm tăng khả năng sát thương của lực lượng này.

Tên lửa Tomahawk của Mỹ trong một cuộc thử nghiệm

Chụp Màn Hình Asia Times

Những thành phần khác của chương trình nói trên còn có Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS), cùng hệ thống chỉ huy và kiểm soát hỏa lực hải quân. Ngoài ra, nhờ TLAM được dựa trên một hệ thống chung được lục quân và hải quân sử dụng, việc này giúp đơn giản hóa việc tích hợp và hậu cần.

Nhằm đối phó Trung Quốc?

Khả năng như trên phản ánh học thuyết hoạt động phân tán của USMC, sử dụng các đội nhỏ, phân tán trên bộ và trên biển để đe dọa khả năng tập trung của các lực lượng đối phương từ bên trong vùng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) của họ. Những căn cứ viễn chinh có thể được sử dụng để bố trí các khẩu đội TLAM của USMC. Những khẩu đội này sau đó sẽ được tích hợp với các hệ thống vũ khí và cảm biến tác chiến trên mặt nước của Hải quân Mỹ.

Ngoài ra, các bệ phóng trên đất liền cung cấp các khả năng tốt hơn so với các hệ thống trên tàu, dẫn tới tăng hiệu quả nhờ hỏa lực sẵn có lớn hơn và ít tốn chi phí hơn khi được triển khai. Những bệ phóng đó cũng có thể bổ sung sức mạnh hải quân và không quân bằng cách cung cấp sự hiện diện gần như liên tục ở những khu vực tranh chấp. Máy bay không người lái, máy bay và thậm chí cả những đội đặc nhiệm đóng trên các đảo hẻo lánh có thể chỉ định mục tiêu cho các bệ phóng trên đất liền.

Biển Đông, các bệ phóng TLAM trên đất liền có thể chống lại các khả năng A2/AD của Trung Quốc nhờ nằm ngoài tầm bắn của các bệ phóng tên lửa chống hạm trên bộ của Trung Quốc. Trung Quốc đã triển khai phi pháp tên lửa chống hạm YJ-62 trên đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. YJ-62 có thể bắn trúng bất kỳ tàu hải quân nào trong phạm vi 400 km, mang lại cho Trung Quốc khả năng duy trì sức mạnh trong khu vực mà không cần sử dụng hải quân.

Tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông

Trung Quốc còn được cho là đã triển khai phi pháp tên lửa diệt hạm siêu thanh YJ-12B trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn, 3 thực thể trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp và biến thành đảo nhân tạo. Giống như YJ-62, YJ-12B có tầm bắn khoảng 400 km, vượt xa tầm bắn 124 km của tên lửa Harpoon, loại vũ khí lâu nay của các tàu chiến Mỹ và cũng có các phiên bản được phóng từ đất liền. Hai loại tên lửa này của Trung Quốc đánh dấu sự nâng cấp đáng kể về tên lửa chống hạm và các khả năng A2/AD. Chúng cũng vượt ngoài tầm tác chiến của hệ thống Aegis được gắn trên chiến hạm Mỹ và tên lửa SM-2 bảo vệ các nhóm tác chiến tàu sân bay của nước này, buộc Washington phát triển và triển khai các khí tài có thể vô hiệu hóa lợi thế của Trung Quốc trong các tên lửa chống hạm trên bờ.

Khó kiếm được đồng minh sẵn lòng?

Tuy nhiên, việc tìm kiếm được một đồng minh sẵn sàng chứa các khẩu đội TLAM trên đất liền của Mỹ là thách thức lớn hơn so với việc tìm kiếm đồng minh sẵn sàng chứa những loại hình hiện diện khác, như căn cứ không quân và hải quân, theo Asia Times. Lý do là các đồng minh như Thái Lan và Philippines tỏ ra miễn cưỡng vì giới tinh hoa chính trị của hai nước này đang cố gắng thiết lập quan hệ chính trị và kinh tế vững chắc hơn với Trung Quốc. Hàn Quốc thì tương đối dễ bị tổn thương trước sức ép từ Trung Quốc, vì Seoul cần ảnh hưởng của Bắc Kinh trên bàn đàm phán với CHDCND Triều Tiên.

Ngoài ra, khoảng cách của Úc với Biển Đông và việc miễn cưỡng chứa căn cứ nước ngoài khiến nước này khó trở thành địa điểm có thể lắp đặt các khẩu đội TLAM trên đất liền của Mỹ. Trong khi đó, dù được xem là đối tác khả thi nhất cho mục đích như thế, Nhật Bản lại do dự trong việc cho Mỹ gia tăng hiện diện và không sẵn sàng triển khai các loại vũ khí có tính chất tấn công. Vì vậy, một chiến lược của Mỹ dựa vào việc bố trí lâu dài các khẩu đội TLAM trên đất liền trong lãnh thổ đồng minh của mình có thể thất bại do thiếu đối tác sẵn lòng, theo Asia Times.

Tuy nhiên, Mỹ có thể cân nhắc các phương án khác để triển khai tên lửa hành trình trên đất liền tầm xa ở Thái Bình Dương, như cùng phát triển hoặc bán hệ thống vũ khí như thế cho các đồng minh, triển khai nhanh chóng hệ thống này trong các tình huống khủng hoảng, triển khai luân phiên trong thời bình, và đóng thường trực tại đảo Guam, theo Asia Times.

Tên lửa Tomahawk Block V là vũ khí chính xác có thể bắn trúng mục tiêu cách xa hơn 1.600 km. Nó được trang bị một đầu đạn nặng nửa tấn, đối phó hiệu quả các mục tiêu trên bộ, tàu và các công trình ngầm. Tên lửa này có liên kết dữ liệu vệ tinh hai chiều, cho phép nó chuyển đổi mục tiêu trong lúc bay và đổi hướng ngay lập tức khi có lệnh. Tomahawk Block V còn được trang bị bộ tìm kiếm đa chế độ để tấn công các mục tiêu đang di chuyển trên biển, theo Asia Times.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.