(TNO) Quanh quỹ đạo thấp của Trái đất đầy các vệ tinh nhân tạo bị bỏ rơi, quá nhiều mảnh rác vũ trụ do va chạm giữa phi thuyền và vật thể khác… Đám rác vũ trụ này gây nên mối hoạ tiềm ẩn cho các chuyến bay lên không gian về sau. Vì vậy, Thụy Sĩ quyết định thiết kế và vận hành vệ tinh dọn rác này.
Tàu vũ trụ CleanSpace One - Ảnh: Gizmag
|
Ba năm trước, Viện nghiên cứu EPFL của Thụy Sĩ đã công bố kế hoạch về việc thiết kế một tàu vũ trụ có thể thu lấy các mảnh vỡ trong không gian, đem về thả vào bầu khí quyển của Trái đất để đốt chúng.
Vệ tinh quét rác được đặt tên CleanSpace One. Thời điểm đó, nó được trang bị công cụ như móng vuốt để chộp lấy vật thể. Đến nay, EPLF thông báo rằng nó sẽ sử dụng một mạng lưới hình nón được gấp lại để nuốt rác không gian vào trong.
Trang Gizmag cho biết dự kiến mẫu thiết kế mới của CleanSpace One sẽ được đưa vào sử dụng năm 2018, mục tiêu đầu tiên của nó là vệ tinh SwissCube nay đã chết, xác của nó có kích cỡ 10 x 10 cm và không còn phục vụ nghiên cứu nữa nhưng vẫn còn quay trong không gian. CleanSpace Once sẽ tiếp cận nó và tung lưới, chộp lấy nó dễ dàng hơn so với sử dụng cách gắp vật thể bằng móng vuốt.
Bên cạnh đó, do SwissScube vẫn còn đang hoạt động nên việc nắm bắt hình ảnh của nó không dễ dàng vì nó luân phiên lúc hiển thị dưới ánh sáng rực rỡ, lúc ẩn trong bóng tối theo vòng xoay. Đó là lý do tại sao hệ thống máy tính của CleanSpace One phải chạy thuật toán, xác định vị trí góc mặt trời lên vật thể, kích thước của mục tiêu, tốc độ giữa CleanSpace One và SwissScube, các camera góc rộng cũng sẽ cho phép đồng thời nhìn rõ cả hai bề mặt sáng và tối của vật thể.
Khi đã tiếp cận mục tiêu ở vị trí thuận lợi, CleanSpace One sẽ tung lưới chụp lấy nó, hút vào trong rồi khép lưới lại, kéo vật thể vào bầu khí quyển để đốt nó.
Bình luận (0)