Theo ông Nguyễn Văn Sang, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM, bên cạnh trình độ học vấn và kinh nghiệm, mục thể hiện kỹ năng trong hồ sơ xin việc là một yếu tố quan trọng, giúp nhà tuyển dụng có thể đưa ra quyết định nhận bạn vào làm việc trong doanh nghiệp của họ hay không. Bởi đây được xem phần tóm tắt toàn bộ những gì nhà tuyển dụng khái quát, hình dung về bạn bước đầu thông qua hồ sơ ứng tuyển của bạn.
“Có 2 loại kỹ năng mà bạn cần chú ý để đưa vào hồ sơ xin việc. Kỹ năng cứng thường lđược học ở trường lớp, trong nhiều trường hợp, kết quả của kỹ năng cứng có thể định lượng được. Ví dụ: Vận hành máy móc thiết bị, thiết kế đồ họa, phân tích dữ liệu, kế toán, tin học văn phòng...Còn kỹ năng mềm được gọi là kỹ năng cá nhân, thường do tự tố chất mỗi người mà có, cũng có thể do tự bản thân học hỏi, rèn luyện, tích lũy. Chẳng hạn, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thuyết phục khách hàng, kỹ năng nói chuyện trước đám đông, kỹ năng quản lý…”, ông Sang, chia sẻ.
|
Ông Huỳnh Duy Phương, Giám đốc Công ty TNHH Kim Bình Long, Q.Gò Vấp (TP.HCM), cho rằng trong một phân khúc thị trường có tính cạnh tranh cao, ứng viên nào sở hữu các kỹ năng càng quan trọng và chính xác với yêu cầu của nhà tuyển dụng thì sẽ được họ ưu tiên nhiều hơn.
|
Còn theo ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty TNHH Technics Lê Nguyễn, Thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), các ứng viên nên chọn lọc một vài kỹ năng thích hợp nhất, tốt nhất và được xem là thế mạnh của mình nhất để thể hiện trong hồ sơ xin việc. “Bạn cũng cần nắm bắt được công ty bạn đang ứng tuyển vào đang cần những con người có những tố chất và kỹ năng như thế nào. Ngoài ra, bạn cũng có thể liệt kê những kỹ năng nào bạn thuần thục, có kinh nghiệm, bề dày nhiều hơn thì nêu lên trước”, ông Đức, khuyên.
Ông Đức lưu ý: “Bạn cũng có thể chia nhóm một phần là kỹ năng cứng, phần còn lại là kỹ năng mềm để trình bày một cách tách biệt, rõ ràng cho nhà tuyển dụng khi đọc hồ sơ của bạn họ không bị rối”.
Bình luận (0)