img
Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 1.

Trong năm nay, tỉ phú Phạm Nhật Vượng 2 lần chính thức cam kết sẽ tài trợ cho VinFast đến khi "hết tiền mới thôi". Một lần là ở đại hội cổ đông của Vingroup hồi tháng 4 và một lần là trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi tháng 6 khi VinFast tròn 5 tuổi. "VinFast là sứ mệnh, danh dự và tương lai của Vingroup nên chúng tôi không bao giờ buông", ông Vượng khẳng định.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, thông tin tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã tài trợ cho VinFast hơn 3.300 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm 2024 được nhiều báo đăng tải. Trước đó, đầu năm 2023, ông Vượng đã tặng VinFast 1 tỉ USD, tương đương 25.000 tỉ đồng, Vingroup tài trợ không hoàn lại 500 triệu USD đồng thời cho vay 1 tỉ USD trong thời hạn 5 năm. Đến cuối năm 2023, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng tặng tiếp công ty sản xuất pin có quy mô vốn 6.500 tỉ đồng…

Ở thời điểm hiện tại, ông Phạm Nhật Vượng đang là người giàu nhất Việt Nam với tài sản 4,4 tỉ USD theo Tạp chí Forbes (Mỹ). Nhìn vào "tương quan" cho đi, mức lỗ của VinFast và tài sản của ông, không ai có thể hoài nghi tâm huyết của người đứng đầu tập đoàn tư nhân đóng thuế nhiều nhất Việt Nam năm 2024.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 2.

Nhưng sự hoài nghi về chiếc ô tô do người Việt sản xuất thì vẫn luôn hiện diện, ngay cả với những người hằng ngày đi xe điện công nghệ của tỉ phú Phạm Nhật Vượng. Bạn có bao giờ đặt câu hỏi vì sao nhiều người không đủ niềm tin Việt Nam có thể sản xuất xe hơi? Tại sao ô tô vừa là khát vọng vừa là sự ghẻ lạnh của không ít người trong mỗi chúng ta?

Để tìm câu trả lời, hãy trở lại lịch sử ngành công nghiệp ô tô nội địa. Ngược dòng quá khứ, nếu tính từ những chiếc xe hơi thương hiệu Pháp được nhập về Việt Nam đầu thế kỷ 20 đến nay thì đã hơn 100 năm. Còn tính từ chiếc ô tô đầu tiên do chính tay người Việt thiết kế và chế tạo ra đời tại miền Bắc năm 1958, cũng đã gần 70 năm. Theo tư liệu, những năm đầu hòa bình ở miền Bắc, nhu cầu giao thông vận tải tăng cao. Vì thế, năm 1958, nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) quyết định sản xuất một loại ô tô nhỏ. Nhiệm vụ được giao cho đại tá, kỹ sư Hồ Mạnh Khang, Giám đốc nhà máy Z157 - Cục Quản lý xe máy, và ông Vũ Văn Đôn, Cục trưởng Cục Quản lý xe, trực tiếp chỉ đạo. Ngày 21.12.1958, chiếc xe "Chiến Thắng" mang biển số QS 0001 rời xưởng. Đây là chiếc ô tô 4 chỗ đầu tiên do người Việt sản xuất với "ngoại hình" không kém loại Moskvitch của Liên Xô lúc bấy giờ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến xem và động viên: "Ta đã sản xuất được xe con. Từ nay về sau cần nghiên cứu, sản xuất xe vận tải để phục vụ đất nước". Khi được đề nghị nhận chiếc xe, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chối: "Cảm ơn các chú đã quan tâm đến Bác, tặng Bác chiếc xe này. Nhưng hiện nay, Bác đã có xe đi rồi. Vậy các chú giúp Bác tặng lại chiếc xe này cho thương binh. Các chú ấy cần chiếc xe mới và tốt thế này hơn Bác".

Quốc khánh năm 1959, chiếc xe hơi Chiến Thắng do quân đội chế tạo được xếp vào đội hình diễu binh tại Quảng trường Ba Đình. Tuy nhiên, những năm sau đó, do điều kiện chiến tranh khó khăn, không có ngân sách nên xe Chiến Thắng không được sản xuất hàng loạt.

Trải qua nhiều thăng trầm, gần 40 năm sau, năm 2004 mới có 2 doanh nghiệp là Công ty CP Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki) và Công ty Ô tô Trường Hải (Thaco) được cấp phép sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Giai đoạn đầu, cả hai đều liên doanh lắp ráp các dòng xe thương mại của những hãng nước ngoài. Nhưng sau đó, chỉ Thaco trung thành với hướng đi này và thu về nhiều thành công với Mazda, Kia, Peugeot, BMW, Mini còn Vinaxuki vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ xe hơi "made in Vietnam". Tại Triển lãm Ô tô Việt Nam 2012, Vinaxuki trưng bày mẫu xe cỡ nhỏ VG dành cho đô thị với 3 phiên bản động cơ, giá bán, chế độ bảo hành… Giấc mơ xe hơi Việt được tái khởi động mang theo bao kỳ vọng của người dân trong nước. Tiếc rằng, tất cả chỉ dừng ở trưng bày, chưa chiếc xe nào kịp lăn bánh trên đường. Sau giai đoạn đầu tư mạnh mẽ 2006 - 2009, Vinaxuki gặp khủng hoảng, bị yêu cầu bán nhà máy để trả nợ. Đến năm 2015, công ty giải thể. Giấc mơ xe hơi của người Việt chính thức khép lại.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 3.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 4.

So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có xuất phát điểm khá muộn. Vì thế, Chính phủ đặt mục tiêu tập trung tận dụng công nghệ từ các đối tác nước ngoài để phát triển hạ tầng phụ trợ trong nước. Thông qua đó, từng bước nâng tỷ lệ nội địa hóa lên và xây dựng ngành công nghiệp ô tô theo lộ trình như vậy. Nói cho dễ hiểu thì một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện và tất nhiên, không quốc gia, vùng lãnh thổ nào có thể sản xuất toàn bộ số chi tiết và linh kiện này. Nhưng nước nào có tỷ lệ nội địa hóa cao, sản xuất được nhiều nhất các chi tiết và linh kiện sẽ có ngành công nghiệp ô tô phát triển. Tỷ lệ nội địa hóa cao cũng giúp chi phí sản xuất giảm, cạnh tranh hơn so với xe nhập khẩu. Đồng nghĩa với người tiêu dùng nội địa có thể mua xe với giá rẻ hơn. Tại Việt Nam, các liên doanh khi tham gia đều cam kết sẽ đưa tỷ lệ nội địa hóa ô tô tăng dần theo từng giai đoạn, nhưng kết quả thực hiện thì hết sức khiêm tốn. Theo thống kê, tỷ lệ nội địa hóa ô tô của Việt Nam tới nay trung bình vào khoảng 20%, trong khi tại Thái Lan là khoảng 60%, thậm chí có dòng xe lên tới 80%. Tỷ lệ nội địa hóa của Indonesia cũng vào khoảng 50 - 60%, tại Trung Quốc khoảng 60 - 70%...

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 5.

Đáng nói dù kết quả khiêm tốn nhưng để các doanh nghiệp có cơ hội phát triển, suốt mấy thập niên qua, ô tô phải gánh rất nhiều loại thuế, phí. Tính đến thời điểm hiện tại, một chiếc xe hơi tại Việt Nam phải chịu thuế nhập khẩu cho linh kiện (10 - 30%) hoặc xe nguyên chiếc (từ 50 đến 70%) tùy loại, và tùy nguồn gốc nhập khẩu. Tiếp đó là thuế tiêu thụ đặc biệt 40 - 60% tùy dung tích. Thuế VAT 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 22%. Nếu mua xe nhập khẩu sẽ phải chịu thêm mức thuế nhập khẩu 50%.

Chưa hết, ô tô lăn bánh còn phải chịu lệ phí trước bạ 10% hoặc 15% tùy địa phương. Ngoài ra còn có phí kiểm định, phí cấp biển số, phí đảm bảo an toàn kỹ thuật... Thậm chí phí bảo trì đường bộ còn phải đóng hai lần, thu qua đầu phương tiện và thu qua trạm BOT chưa kể một loạt phí khác như phí bảo hiểm trách nhiệm dân sự, phí xăng dầu và phí cho quỹ bình ổn. Mới nhất, Bộ Tài chính tính thu phí thử nghiệm khí thải… Kết quả là giá xe ô tô tới tay người sử dụng tăng gấp đôi, gấp ba tùy loại.

Đó chính là nguyên nhân lớn nhất khiến ngay cả những người đã từng kỳ vọng, từng ôm giấc mộng về chiếc ô tô do người Việt sản xuất cũng muốn cởi trói cho ngành này. Để ít nhất thì cũng được mua xe nhập khẩu với giá rẻ hơn.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 6.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 7.

Giấc mơ về chiếc ô tô "made in Vietnam" tưởng chừng như lụi tàn thì 5 năm trước, nhà máy VinFast được khởi tạo tại Hải Phòng lại làm dấy lên khát vọng về chiếc ô tô thương hiệu Việt.

Năm 2018, trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên, tỉ phú Phạm Nhật Vượng nói về lý do đầu tư vào ô tô như sau: "Tôi xuất thân từ sản xuất nên lúc nào cũng muốn tìm một cái gì đó để sản xuất. Đầu tiên tôi định đầu tư vào bánh kẹo, thực phẩm, bia rượu nước ngọt nhưng nếu làm những sản phẩm này thì không có cửa để xây dựng một thương hiệu đẳng cấp quốc tế. Ví dụ như bia, còn lâu mới bằng Heineken, Carlsberg..., bánh kẹo còn xa nữa. Trong khi đó, cuộc cách mạng xe điện mới diễn ra 9 năm dự báo sẽ bùng nổ đã "vẽ" lại bản đồ ngành công nghiệp xe hơi. Mà vẽ lại thì mình khác gì các hãng kia đâu?". Đúng như ông Vượng dự báo xe điện đã bùng nổ và quan trọng hơn, trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô được vẽ lại của thế giới, VinFast đã ghi tên mình lên đó theo một cách không thể đĩnh đạc hơn.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết này, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đang gây sốt thị trường khi tiên phong triển khai mô hình trạm sạc nhượng quyền tại Việt Nam, mở ra một lĩnh vực kinh doanh mới tiềm năng và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi xanh của đất nước. Hiện tại, với 150.000 trạm sạc của VinFast hiện tại, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có lượng cổng sạc hàng đầu khu vực cũng như thế giới, vượt qua cả Mỹ và Trung Quốc.

Nhìn lại chỉ sau 5 năm thành lập, những chiếc xe hơi mang thương hiệu Việt Nam đã lăn bánh ở Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Indonesia, Philippines; nhà máy sản xuất ô tô VinFast được khởi công ở nhiều quốc gia. Với Xanh SM, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu dịch vụ vận tải đầu tiên trên thế giới, bên cạnh thành công lấy lại thị trường gọi xe công nghệ vốn rơi vào tay các ứng dụng ngoại suốt hơn 1 thập niên qua. Tất nhiên không thể thiếu cột mốc quan trọng, niềm cảm hứng cho cộng đồng doanh nghiệp nội địa khi VinFast trở thành doanh nghiệp Việt đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 8.

VinFast động thổ nhà máy lắp ráp xe điện 200 triệu USD tại Indonesia tháng 7.2024.

V.F

Hơn cả một giấc mơ, tỉ phú Phạm Nhật Vượng đã viết lại ngành công nghiệp ô tô nội địa theo một cách rực rỡ và điên rồ nhất.

Điên rồ cả trong cách ông đối mặt với những bão táp trên thị trường. Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại trụ sở chính Vingroup ở Hà Nội mấy tháng trước, tỉ phú Phạm Nhật Vượng cho biết ông bắt đầu một ngày mới bằng việc chơi với cháu và ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm mà không lo lắng gì. Bloomberg nhận xét mặc dù đã rót 2 tỉ USD vào VinFast - công ty khởi nghiệp xe điện đầy mạo hiểm, tỉ phú Phạm Nhật Vượng dường như vẫn "điềm tĩnh lạ thường".

Tôi đã hơn một lần chứng kiến một tỉ phú Phạm Nhật Vượng "điềm tĩnh lạ thường" như vậy. Đó là thời điểm cuối năm 2022, đầu 2023 khi kinh tế rơi vào đáy khó khăn. Tại Việt Nam, hàng loạt dự án trong nước phải sang tên đổi chủ cho khối ngoại; nhiều doanh nghiệp lớn đứng trước nguy cơ phá sản. Có những doanh nhân ngủ dậy sau một đêm đã trở thành con nợ, không ít người rơi vào vòng lao lý. Thị trường rộ thông tin Vingroup cũng phải bán bớt các dự án để lấy tiền nuôi VinFast. Trong một cuộc điện thoại hiếm hoi, tôi cảm thán với ông Phạm Nhật Vượng: "Nếu không đầu tư vào ô tô, giờ thì anh đã chẳng mệt mỏi như thế này". Ông bình thản trả lời: "Nếu dễ thì chẳng đến lượt mình, còn nếu thấy khó mà từ bỏ thì ai sẽ là người làm? Nên cứ chiến đấu thôi em ạ". Sự điềm tĩnh đó nhiều người đã chứng kiến ở các phiên đại hội cổ đông thường niên của Vingroup, dịp hiếm hoi ông Vượng xuất hiện. Bất kể bên ngoài nóng đến bao nhiêu, bên trong căng thẳng thế nào thì ông Phạm Nhật Vượng, chủ tọa phiên họp vẫn chỉ có một phong cách quen thuộc: dứt khoát, thẳng thắn, không né tránh bất kỳ câu hỏi nào và trả lời ngay sau khi được hỏi.

Chỉ có một lần tôi cảm nhận niềm vui và sự tự hào của tỉ phú Phạm Nhật Vượng ở đầu dây bên kia. Đó là khi tôi chứng kiến hình ảnh dàn xe chỉ huy phiên bản mui trần của hãng VinFast tại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tôi, người đã mua chiếc VinFast chạy xăng đầu tiên và đang sử dụng cho tới bây giờ đã nhắn cho tỉ phú Phạm Nhật Vượng với cảm xúc của một người con đất Việt. Ông tiết lộ những chiếc xe đó được làm trong một thời gian ngắn. Trước đó vài tháng, khi trả lời cổ đông, ông Vượng cũng khẳng định ông và Vingroup sẽ dồn toàn lực cho VinFast. "Như cách đây 70 năm khi thực hiện chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, chúng ta có khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng", VinFast cũng như vậy. Chúng tôi không bao giờ buông bỏ VinFast, đây không chỉ là câu chuyện kinh doanh".

Tôi lại nhớ đến khoảnh khắc dàn xe VinFast mui trần trong lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, như sợi dây kết nối lịch sử và hiện tại. Biểu tượng cho sự chuyển mình từ một Việt Nam quật cường, bất khuất sang một Việt Nam hiện đại, hội nhập toàn cầu.

Ấn tượng và xúc động!

Tỉ phú Phạm Nhật Vượng: Người biến giấc mộng điên rồ thành sự thật- Ảnh 9.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.