Năm nào cũng lãi tiền tỉ
Đến cánh đồng muối nổi tiếng Vĩnh Thịnh, hỏi ông Phan Văn Phúc (70 tuổi, ngụ ấp Vĩnh Tiến, xã Vĩnh Thịnh, H.Hòa Bình, Bạc Liêu) dường như ai cũng biết, bởi ông có gần 40 năm gắn bó với nghề làm muối.
Ông Phúc kể sau nhiều năm lên đường tham gia bảo vệ Tổ quốc, năm 1979, ông xuất ngũ về quê rồi lập gia đình, bắt đầu khởi nghiệp với nghề làm muối nhiều thế hệ của gia đình. Trước kia, đồng muối Vĩnh Thịnh là đất hoang hóa, phèn mặn, mọc đầy cây mắm, cóc rừng, cỏ chân tượng cao đến bụng trâu.
Được cha mẹ cho vài công đất, vợ chồng ông Phúc khai phá tạo mặt bằng, đắp bờ bao xung quanh để sản xuất muối. Do không có máy móc, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay chân. Những năm đầu, bờ bao không kiên cố, nước mặn trữ trong ruộng muối bị rút dần qua lỗ mội nên sản lượng muối đạt rất thấp. Tuy nhiên, nhờ cần cù, chịu khó, ông Phúc vừa làm vừa rút kinh nghiệm và không ngại đầu tư nên dần dần về sau vụ muối năm nào cũng có lợi nhuận khá.
Có tiền lãi, ông Phúc tích lũy mua thêm đất, mở rộng diện tích sản xuất theo từng năm. Đến năm 2000, ông sở hữu trên 40 ha đất sản xuất muối, mỗi năm thu hoạch trên 75.000 giạ muối (30 kg/giạ). Ông Phúc được coi là người có diện tích đất sản xuất muối có quy mô lớn nhất ở vùng đất này. "Hàng chục năm làm muối chưa từng thua lỗ. Vụ muối năm nào gia đình tôi cũng có lợi nhuận từ 1 - 2 tỉ đồng, có năm trúng, giá lợi nhuận tăng gấp nhiều lần", ông Phúc phấn khởi chia sẻ.
Chính nhờ nghề làm muối, gia đình ông Phúc trở nên khấm khá nhất vùng. Ông Phúc chia sẻ từ số tiền tích cóp qua bán hàng chục ngàn giạ muối, gia đình ông xây dựng được 6 căn biệt thự, nhà lầu khang trang trên cánh đồng muối Vĩnh Thịnh. Ngoài ra, ông còn xây dựng một khách sạn có quy mô lớn ở trung tâm TP.Bạc Liêu.
Chỉ gắn bó với nghề muối
Theo kinh nghiệm của ông Phúc, nghề làm muối có một nghịch lý lặp đi lặp lại là hễ năm nào nắng nhiều thì trúng đậm vụ muối, nhưng giá lại sụt giảm mạnh. Còn mùa vụ nào ảnh hưởng bởi các trận mưa trái mùa, sản lượng muối đạt thấp thì giá muối tăng cao. Vì vậy, thu nhập của người làm muối luôn bấp bênh.
Đặc biệt, đối với những diêm dân có hoàn cảnh khó khăn, không có vốn sản xuất phải "bán muối non", thì chỉ lo đủ cái ăn, cái mặc. Bà con không có tiền để cải tạo đất, thuê công nhân, bơm nước mặn vào ruộng muối... nên phần lớn phải vay mượn trước của thương lái. Đến khi thu hoạch muối, họ bị thương lái ép giá, giá mua giảm khoảng 40% so với giá thị trường. Nếu muối trên thị trường 10.000 đồng/giạ thì thương lái chỉ mua 6.000 đồng/giạ. Do đó, nhiều người không bám trụ được với nghề muối, dần dần đành chuyển đất sản xuất muối sang nuôi tôm.
Nói về kinh nghiệm sản xuất muối có lãi cao, ông Phúc cho biết muối sau khi thu hoạch nếu bán liền thì thường giá bán không cao, nhất là những năm trúng mùa, sản lượng lớn. Do đó, ông không bán liền cho thương lái mà chủ động xây nhiều kho để trữ lại. Muối được trữ đến khi giá tăng cao, tính ra có lợi nhuận thì ông mới xuất bán. Theo ông Phúc, thường thì khoảng 3 hoặc 5 năm giá muối đột ngột tăng cao một lần. Giá thường dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/giạ, nhưng ông đã nhiều lần trúng lớn, bán đến 70.000 - 100.000 đồng/giạ, thu lãi nhiều tỉ đồng mỗi vụ.
Ông Phúc chia sẻ hiện các con của ông đã lập gia đình, ra ở riêng, ông cho con hơn 50% diện tích đất làm muối. Ông Phúc hiện còn hơn 20 ha đất sản xuất muối và 3 kho trữ với sản lượng hơn 10.000 giạ/kho. Ngoài ra, ông còn dành 2 ha để đầu tư trải bạt sản xuất muối trắng. Sau vụ muối, ông thả thêm tôm, cua, cá thiên nhiên để có nguồn thu nhập cho công nhân.
Sản xuất muối là một trong những nghề truyền thống với bề dày hơn 100 năm ở Bạc Liêu. Ruộng muối từng trải dài hàng chục cây số và sản phẩm muối Bạc Liêu nổi tiếng Nam kỳ lục tỉnh, được xem là "thủ phủ muối" của Việt Nam. Để làm ra hạt muối, diêm dân phải đổ bao nhiêu giọt mồ hôi lẫn nước mắt. Năm 2020, nghề làm muối ở Bạc Liêu được Bộ VH-TT-DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bình luận (0)