Tỉ phú ve chai chưa thể thành tỉ phú

28/04/2015 08:30 GMT+7

Theo đúng kế hoạch, hôm nay 28.4, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM trao 5 triệu yen Nhật (hơn 1 tỉ đồng) cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi), là số tiền bà nhặt được trong thùng sắt khi mua ve chai cách đây 1 năm.

Theo đúng kế hoạch, hôm nay 28.4, Công an Q.Tân Bình, TP.HCM trao 5 triệu yen Nhật (hơn 1 tỉ đồng) cho vợ chồng bà Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi), là số tiền bà nhặt được trong thùng sắt khi mua ve chai cách đây 1 năm.
Bà Hồng vẫn đi mua ve chai mưu sinh vào trưa 27.4 - Ảnh: Công NguyênBà Hồng vẫn đi mua ve chai mưu sinh vào trưa 27.4 - Ảnh: Công Nguyên
Thế nhưng, bất ngờ sáng 27.4, Công an Q.Tân Bình mời vợ chồng bà Hồng lên thông báo tạm hoãn vì còn tiếp tục xác minh.
Xuất hiện người đến nhận tiền
Sở dĩ có sự bất ngờ ở “phút 89” là do bà Phạm Thị Ngọt (42 tuổi, ngụ H.Hóc Môn) đến công an trình báo về việc số tiền 5 triệu yen Nhật trên là của chồng bà trước kia làm ở Nhật gửi về cho bà, rồi bà giấu trong máy nghe đài nhưng quên. Khi máy nghe đài hư thì người thân bà không biết nên đem bán ve chai. Ngày 14.4, bà Ngọt có đơn gửi đến Công an Q.Tân Bình xin nhận lại số tiền trên. Do tiếp nhận thông tin từ bà Ngọt nên công an tạm hoãn việc trao trả số tiền 5 triệu yen cho bà Hồng.
Công an sẽ tiến hành xác minh thông tin, chứng cứ mà bà Ngọt đưa ra, sẽ mời chồng bà Ngọt lên làm việc để ông ta chứng minh nguồn gốc, phương thức vận chuyển số tiền trên. Nếu bà Ngọt và chồng không chứng minh được thì số tiền sẽ được trao trả cho vợ chồng bà Hồng” một cán bộ Công an Q.Tân Bình cho biết.
Theo Công an Q.Tân Bình, đây là trường hợp thứ hai đến công an xin nhận lại 5 triệu yen Nhật từ khi cơ quan công an có thông báo rộng rãi tìm chủ nhân số tiền. Lần đầu là một người đàn ông làm đơn trình bày, nhưng bị công an bác đơn vì ông này không chứng minh được tiền là của mình.
Trưa 27.4, gặp PV Thanh Niên, bà Hồng cho biết mấy ngày nay vợ chồng bà mất ăn mất ngủ, hồi hộp chờ đợi ngày được nhận tiền, nhưng rồi trục trặc lại xảy ra. “Tôi mua thùng sắt chứ có phải máy nghe đài đâu; nhà bà ấy ở tuốt H.Hóc Môn sao lại đem tận Q.Tân Bình để bán ve chai?”, bà Hồng nêu những thắc mắc về những thông tin mà bà Ngọt đưa ra.
Đáng lưu ý, trước khi gửi đơn đến công an, bà Ngọt có đến tận nơi bà Hồng ở trọ nói số tiền trên là của bà nên đòi lại. “Bà ấy nói công an quận bảo bà xuống nhà tôi thương lượng với tôi trước, nhưng khi tôi gọi Công an P.10, Q.Tân Bình tới thì bà ấy sợ quá bỏ đi. Tôi có gọi hỏi anh công an thụ lý hồ sơ thì anh ấy bảo không hề hướng dẫn ai xuống nhà tôi để thương lượng cả”, bà Hồng kể.
Có thể bị xử lý hình sự !
Luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định, trường hợp này người phụ nữ nộp đơn yêu cầu có nghĩa vụ phải chứng minh số tiền trên là thuộc sở hữu hợp pháp của mình. Người này cho rằng tiền do chồng ở Nhật gửi về thì phải chứng minh được nguồn gốc cũng như phương thức gửi tiền. Nếu gửi qua ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng; nếu gửi bằng các phương thức khác cũng phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp. “Điều lưu ý là nếu xác định đây là ngoại tệ gửi từ nước ngoài về thì nhất định phải được gửi theo đường hợp pháp, tức qua ngân hàng hoặc dịch vụ hợp pháp, nếu đem về trực tiếp thì phải khai báo với cơ quan chức năng. Mọi cách thức chuyển tiền về theo đường bất hợp pháp đều không được pháp luật công nhận. Thậm chí, với số tiền lớn như vậy, người vận chuyển tiền có thể bị xử lý hình sự theo điều 154 bộ luật Hình sự về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” - theo luật sư Chánh.
Bà Hồng cũng cho biết gần đây có một người đàn ông trên 40 tuổi thường xuyên gọi điện cho bà, tự xưng là tiến sĩ đang làm việc ở một công ty của Nhật tại VN.
“Người đàn ông này yêu cầu tôi trả số tiền cho ông ta để gửi về Nhật, rồi công ty ông sẽ giúp tôi công ăn việc làm, hoặc hỗ trợ tiền kinh doanh. Ngoài ra còn có nhiều người gọi điện đe dọa hoặc đến tận nhà để xin tiền hoặc yêu cầu trả tiền, trong khi tiền thì công an đang giữ” bà Hồng nói.
Bà Ngọt chỉ nghe chứ chưa từng thấy 5 triệu yen Nhật
Tối 27.4, PV Thanh Niên đến xã Xuân Thới Đông, H.Hóc Môn gặp bà Phạm Thị Ngọt.
Bà Ngọt kể, đầu năm 2012, bà và ông Afolayan Caleb (48 tuổi, quốc tịch Nam Phi) kết hôn, chung sống với nhau. Trước đó, ông Afolayan Caleb là giáo viên dạy tiếng Anh và buôn bán phụ tùng ô tô tại Nhật.
“Trong thời gian chung sống tôi thường hay nghe chồng nói có 6 triệu yen Nhật chứ không phải 5 triệu yen, nhưng cất giấu ở đâu ông ấy không nhớ. Ông chỉ nhớ loáng thoáng là cất trong một cái hộp gì đó. Trước năm 2009, ông đã từng chuyển nhà nhiều lần từ Q.1 đến Q.12 và cuối cùng là H.Hóc Môn nên không nhớ để tiền ở đâu. Cuối năm 2012, ông bị bệnh phải điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, ông bảo tôi về nhà cố gắng tìm cho bằng được số tiền này nhưng tôi tìm hoài vẫn không thấy”, bà Ngọt nói.
Theo bà Ngọt, tháng 6.2013, do mẹ bệnh nên ông Caleb trở về nước và đến nay chưa quay lại VN. Trước khi về nước, ông dặn bà đừng bán bất cứ vật dụng gì trong nhà. Nhưng ngày 1.9.2013, trong lúc dọn nhà, bà Ngọt đã đem một cái máy nghe nhạc cũ của ông để trong góc nhà cho một người anh họ. Sau đó, người anh họ này đã đem máy về Q.Bình Tân bán cho một người buôn ve chai.
Chúng tôi hỏi bà tại sao đến hôm nay mới nộp đơn yêu cầu, bà Ngọt nói cách đây một năm, bà có thấy thông tin trên mạng nhưng không quan tâm. Đầu tháng 4, tình cờ lên mạng đọc kỹ lại thông tin bà mới sực nhớ lời chồng, nên đến nhà bà Hồng hỏi thăm, đồng thời đến Công an Q.Tân Bình trình báo. Bà Ngọt còn cho biết bà vừa gọi cho chồng thông báo về sự việc, hiện ông Caleb đang làm đơn từ, cũng như giấy ủy quyền gửi về VN để bà thay ông làm các thủ tục.
Tuy nhiên, bà Ngọt nói cũng chỉ nghe chồng nói vậy chứ bà chưa từng thấy số tiền yen Nhật đó ra sao. Bà cũng không biết tiền của chồng có nguồn gốc từ đâu, làm thế nào ông này chuyển tiền về VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.