Tia cực tím nguy hiểm như thế nào? cách đối phó khi ở trời nắng nóng?

14/05/2023 14:58 GMT+7

Theo Thanh Niên đã đưa tin trước đó, TP.HCM nói riêng và Nam bộ nói chung đang tiếp tục chuỗi ngày nắng nóng gay gắt và tia cực tím ở mức trung bình đến cực độ từ 4 - 11 ở ngưỡng nguy cơ gây hại cao. Vậy người dân cần phải làm gì để “đối phó” với tia cực tím mỗi khi bước chân ra đường?

Làm gì để chống lại tia cực tím khi đi dưới trời nắng nóng? - Ảnh 1.

Thời tiết ở TP.HCM nắng nóng gay gắt và tia cực tím ở mức gây hại cao

THẢO PHƯƠNG

Tia cực tím và những tác hại của nó

Tia cực tím có khả năng gây hại đến làn da rất nhiều nếu chúng ta không biết cách phòng tránh. BS CKI. Nguyễn Ngọc Đức, công tác tại phòng khám Blossom aesthetic clinic và Láng's clinic ở TP.HCM cho biết: “Ánh sáng mặt trời là một phổ ánh sáng bao gồm nhiều bước sóng ánh sáng khác nhau và tia cực tím là một trong số đó. Trong đó, tia cực tím bao gồm tia: UVA, UVB và UVC. Tia UVA không bị lớp ozon hấp thụ và có khả năng xuyên thấu cao nên gây ra hiện tượng dị ứng ánh sáng và quang lão hóa, tia UVB gây ra hiện tượng say nắng, bỏng nắng và làm đen da, cuối cùng là tia UVC, đây là loại tia có khả năng gây ung thư da, tuy nhiên do bị chắn bởi tầng ozon nên đây là tia ít có khả năng gây hại đến làn da nhất". 

Theo bác sĩ Đức, điểm chung của các loại tia cực tím là gây ra hiện tượng bỏng nắng, đen da, sạm da, quang lão hóa và đặc biệt nếu tiếp xúc với tia cực tím có cường độ cao và trong thời gian dài sẽ tăng nguy cơ gây ung thư da.

Làm gì để chống lại tia cực tím khi đi dưới trời nắng nóng? - Ảnh 2.

BS CKI. Nguyễn Ngọc Đức, công tác tại phòng khám Blossom aesthetic clinic và Láng's clinic

NVCC

Bác sĩ Đức cũng cho biết thêm tia cực tím ở mức nguy hại cao nhất trong ngày là vào buổi trưa khi mặt trời ở vị trí cao và ánh nắng mặt trời gần như vuông góc với mặt đất, khoảng từ 11-13 giờ trưa. 

Bác sĩ Đức cũng khuyến cáo: "Vì tia cực tím có khả năng xuyên qua mây nên ngay cả những ngày trời râm vẫn có loại tia độc hại này. Hơn nữa, một số người lầm tưởng cửa sổ hay kính có khả năng chống được tia cực tím. Tuy nhiên, điều này không đúng, do đó những ngày nắng nóng chỉ số tia cực tím ở mức cao vẫn phải kéo rèm khi ngồi ở trong nhà".

Muôn cách đối phó với tia cực tím của người trẻ

Vừa “chật vật” trùm kín người mỗi khi ra đường trời nắng nóng vừa tốn tiền bổ sung thêm viên uống chống nắng vì chỉ thoa kem chống nắng ngoài da thì không “đủ đô” với mức độ gây hại cao của tia cực tím, Trần Thị Nha Trang (22 tuổi), trọ ở đường Mai Lão Bạng, P.13, Q.Tân Bình (TP.HCM) mệt mỏi nói: “Vừa mưa được vài ngày thì hôm nay lại tiếp tục nóng như đổ lửa. Từ chỗ trọ mình đi tới chỗ làm mất khoảng 30 phút, đi tới nơi là đầu bù tóc bết. Với thời tiết này ra đường mà không chống nắng kỹ là sạm hết da nên mình trùm kín không chừa chỗ nào, thoa kem chống nắng nhiều hơn bình thường, trang bị khẩu trang chống tia UV và bổ sung thêm viên uống chống nắng nữa dù giá khá chát”.

Làm gì để chống lại tia cực tím khi đi dưới trời nắng nóng? - Ảnh 3.

Thời tiết nắng nóng, nhiều người "chật vật" mỗi khi ra đường

THẢO PHƯƠNG

Còn với Trần Ngọc Ánh Trúc (22 tuổi), cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thì cho rằng mặc càng nhiều lớp quần áo thì càng chống tia cực tím tốt. “Mình nghĩ nắng càng gắt thì tia cực tím càng cao nên mỗi khi ra đường mình phải mặc rất nhiều lớp vì nếu chỉ mặc một áo khoác cảm giác nắng xuyên qua rất rát da. Thường mình sẽ mặc 2 áo khoác, quần dài cộng với váy chống nắng, 2 lớp khẩu trang và một chiếc khăn quấn quanh đầu, 2 đôi vớ. Mặc dù hơi khó thở nhưng không sợ bị cháy da”, Trúc nói.

Bác sĩ Đức đưa ra lời khuyên vào những ngày trời nắng nóng, tia cực tím ở mức gây hại cao nên hạn chế ra đường vào khung giờ từ 10 giờ sáng tới 16 giờ chiều. "Trên các điện thoại thông minh hiện nay đều có phần mềm theo dõi chỉ số tia cực tím để biết khung giờ nào chỉ số này ở mức cao nhất, mọi người có thể theo dõi để hạn chế ra ngoài", bác sĩ Đức nói.

Nếu có việc cần thiết phải ra ngoài khi trời nắng gắt, bác sĩ Đức nêu ra các biện pháp chống tia cực tím như: "Nên thoa kem chống nắng có chỉ số chống tia cực tím: SPF từ 30 trở lên và chỉ số PA từ 2+ đến 3+ trở lên và bôi trước khi ra ngoài ít nhất 30 phút, nên bôi lại sau mỗi 2 giờ. Bên cạnh đó nên sử dụng các biện pháp che chắn như khẩu trang, mắt kính, sử dụng các loại áo khoác có khả năng chống tia cực tím. Một điều cũng quan trọng không kém là chọn trang phục chống nắng có màu sắc đậm như xanh đen, đen tuy nó làm tăng khả năng hấp thụ nhiệt, cảm giác nóng hơn nhưng lại có khả năng chống tia cực tím tốt nên bảo vệ da tốt hơn. Cuối cùng, nếu có điều kiện thì bổ sung thêm viên uống chống oxy hóa", bác sĩ Đức cho biết.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.