Tia nắng mùa xuân rọi giữa đời

28/01/2022 04:17 GMT+7

.

Trong 20 sự kiện đã tổ chức bằng tất cả tâm huyết của những người làm Báo Thanh Niên suốt 4 tháng qua, chưa kể các chuyến ngược xuôi khắp nẻo để hỗ trợ khẩn cấp trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 tại TP.HCM và một số tỉnh thành, những người thực hiện chương trình hết sức tri ân bạn đọc, nhưng cũng không khỏi áy náy, băn khoăn vì đôi khi buộc phải lỗi hẹn.

Ông Park Jinho, Tổng giám đốc Công ty Handong, trò chuyện cùng các trẻ mồ côi được Công ty Handong bảo trợ sáng 27.1

Đào Ngọc Thạch

Câu chuyện “tùy duyên”!

Hẳn bạn đọc còn nhớ, người đầu tiên gọi đến chương trình của Báo Thanh Niên trong ngày báo phát đi lời kêu gọi (16.9.2021) bảo trợ trẻ mồ côi là một nữ độc giả, cũng là một nhà thơ lớn tuổi, lúc ấy bà đang ở tuổi 86, và nay đã bước qua 87. Đó là cô Đỗ Thị Thanh Bình, tác giả bài thơ Huế tình yêu của tôi, mà nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai đã phổ nhạc.

Cô Bình gọi đến chương trình vào buổi sáng ấy, ngay sau khi đọc báo, đề nghị nhận một đứa cháu nuôi để phần nào đỡ đần cho quý phụ huynh hoặc người giám hộ của trẻ, với giọng rưng rưng xúc động, sẻ chia. Nhưng suốt từ bấy đến nay, dù nhiều lần giới thiệu, tìm đủ mọi cách gắn kết để cô Bình thỏa tâm nguyện, chương trình vẫn chưa thực hiện được, bởi một lẽ rất giản đơn mà hết sức máu thịt: Không gia đình nào muốn rời con cháu mình cả, và có trường hợp do gia cảnh gieo neo nên gia đình cũng muốn người tốt san sẻ chút gánh nặng, để còn sức lo những đứa chị đứa em, nhưng trẻ không chịu rời ngôi nhà thân thương của mình!

Chúng tôi xem đây là chuyện tùy duyên. Cô Bình cũng đồng ý như vậy. Dòng tin nhắn chiều 11.1 vừa qua của cô gửi cho người viết bài khiến chúng tôi vô cùng cảm động, nhưng tự trong thâm tâm vẫn có chút gì đó áy náy, dù biết đây chỉ là chuyện ngoài ý muốn, một sự khách quan chẳng đặng đừng (nguyên văn): “Mình biết các cháu nhỏ không muốn xa người thân để đến ở với người lạ nên rất khó. Vậy nên mình muốn chuyển thành tài trợ mỗi năm 15 triệu trong 4 năm, là 60 triệu đồng chuyển đến Báo Thanh Niên để nhờ báo giúp cho 1 cháu bé do báo chọn hộ, để cháu đỡ phần nào khó khăn trong học tập. Rất mong được sự tham gia góp ý của chương trình”.

Nói vậy để tri ân, nhưng cũng nói vậy để qua đây gửi lời đến các bạn đọc đã có ý muốn nhận con nuôi, thông qua chương trình. Dù đi nơi đâu, bất cứ quận huyện nào suốt 4 tháng qua, chúng tôi vẫn luôn có ý hỏi han, xem xét kiếm tìm! Đó là tấm lòng những bạn đọc như anh T.V.T ở Long Thành (Đồng Nai), là anh chị N.C.T ở P.Thảo Điền (TP.Thủ Đức), là chị N.T.T ở Phú Quốc (Kiên Giang), và nhiều người khác...

Cuộc gọi giữa trưa từ Hà Nội

Ấy là một phụ nữ đã bước qua tuổi 40. Buổi trưa Sài Gòn ngày 12.1 nắng gắt, lúc 12 giờ 1 phút, tôi nhận được tin nhắn: “Em gọi bây giờ có làm phiền không?”. Khi nghe trả lời: “Không sao, xin bạn cứ tự nhiên”, cô ấy xưng tên là P. ở Hà Nội và tâm sự. Rằng suốt bao năm qua, miệt mài theo đuổi những chương trình phát triển cộng đồng, giật mình ngoảnh lại thì đã lớn, tình duyên éo le trắc trở, nên giờ đề nghị chương trình tìm giúp một cháu bé mồ côi để nuôi. Cảnh ấm áp tình mẹ con, như lời cô mô tả lúc điện thoại, người viết hình dung đó là một ước muốn cháy bỏng, chân thật.

Tôi cố gắng nhận lời, biết rằng mình đang miễn cưỡng, nhưng cũng cố… “vớt vát” một câu: “Thú thực với bạn, đây là một câu chuyện khó. Vì suốt bao tháng qua, dù rất nỗ lực nhưng những người thực hiện chương trình chưa thuyết phục được gia đình nào cho con cháu mình đến nhà người khác ở”. Định nói thêm câu “huống chi xa cả ngàn dặm”, nhưng kịp nén lại.

Mấy ngày sau, P. liên tục nhắn tin và gọi lại, nói rằng biết là rất khó nên tạm gác lại việc nhận nuôi trẻ, để chuyển sang bảo trợ cho một cháu bé mồ côi bằng hình thức chu cấp hằng tháng. Tiếp đó, trong email gửi đến hộp thư chương trình ngày 20.1, P. viết và đưa ra một số yêu cầu (nguyên văn): “Về gia cảnh: bé mồ côi cha/mẹ hoặc cả 2, cha/mẹ còn lại hoặc người thân (ông bà, cô dì chú bác...) không có khả năng lao động/thu nhập thấp/bấp bênh/khuyết tật... Ưu tiên gia đình có nhiều bé vì gánh nặng tài chính sẽ nhiều hơn so với gia đình chỉ có 1 - 2 bé. Độ tuổi: bé học từ cấp 2 đến lớp 11”. Đồng thời cô cũng lưu ý thêm một điểm quý giá: “Ngoài ra, em cũng có thể sắp xếp thời gian dạy tiếng Anh cho một vài bé (2 buổi/tuần) nếu có bé nào mong muốn học. Em không phải là giáo viên tiếng Anh chuyên nghiệp, tuy nhiên em cũng có kinh nghiệm dạy cho người đi làm và hiện tại đang dạy một bạn lớp 9”.

Bản email ấy, và cả tấm chân tình ấy của P. với những đứa trẻ mồ côi sau đại dịch ở thành phố này, cũng giống như bao nhà hảo tâm, nhà bảo trợ đã từng ký kết biên bản thỏa thuận bảo trợ cho hơn 130 cháu bé mồ côi, lúc nào cũng tạo ra một cảm giác ấm áp với chúng tôi và qua đó, những tia hy vọng đã lóe lên trong mắt của những bậc phụ huynh khi dắt con đến với chương trình của Báo Thanh Niên trong những tháng ngày qua.

Vĩ thanh

Với người viết bài, cũng như các đồng nghiệp ở Thanh Niên, rốt lại câu chuyện nhiều bạn đọc muốn tìm kiếm một đứa trẻ thông qua chương trình để nuôi nấng, dạy dỗ và nghe tiếng trẻ thơ ngày ngày, là một ước vọng khó nói hết bằng lời.

Đó cũng là một trong những tiêu chí mà Thanh Niên đặt ra vài ngày sau thời điểm khởi sự chương trình, ngày 23.9.2021: làm sao để đỡ đần hết sức có thể, gánh vác thêm một chút cho vợi bớt phần nào nỗi đau của những gia đình không may có người ra đi vì Covid-19, làm sao để trẻ không bơ vơ không nơi nương tựa, một số cháu có một tổ ấm để nương thân và lớn lên có ích… Và từ ước muốn nhiệt thành ấy, Thanh Niên đã cố công, ra sức làm nhịp cầu nối cho những cơ duyên giữa cuộc đời. Song rất tiếc, bởi bao thứ ngoài ý muốn, khách quan nên chỉ biết dồn hết sức, nỗ lực cho hoạt động nâng đỡ các cháu mồ côi bằng hình thức bảo trợ và hỗ trợ khẩn cấp, nhanh nhất có thể.

Bởi thế, cho đến bây giờ, trong tâm nguyện của người làm Báo Thanh Niên, cũng như những người trực tiếp thực hiện chương trình vẫn cứ đau đáu một điều, nơi nào đó trên trời, các bậc phụ huynh ra đi trong đại dịch Covid-19 có thể cảm thông cho những khó khăn chưa vượt được. Và bạn đọc của Thanh Niên, với hy vọng dù mong manh, có thể thông cảm cho những cố gắng gắn kết bao ước nguyện không thành.

Đó cũng là động lực lớn lao để chúng tôi tiếp bước trên con đường vô cùng xa ngái, dài lâu của chương trình. Tình cảm ấy, từ bạn đọc suốt bao ngày qua cũng như tia nắng mùa xuân đang chiếu rọi giữa cuộc đời!

Doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia bảo trợ trẻ mồ côi

Sáng 27.1, tại tòa soạn Báo Thanh Niên đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận bảo trợ giữa Báo Thanh Niên, Công ty CP kỹ thuật và xây dựng Handong với 3 gia đình trẻ mồ côi, mang đến cho các trẻ và gia đình một mùa xuân ấm áp tình người đúng vào những ngày cuối cùng của năm cũ.

Đó là em L.N.T.Q., lớp 10 Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) mất bố vì Covid-19; em N.N.H., nhà ở Q.Gò Vấp và em L.H.K.N. ở Q.8, đang học lớp 10, cũng đều mất mẹ, hoàn cảnh hiện tại rất khó khăn.

Ông Park Jinho, Tổng giám đốc Công ty Handong, cho biết: “Công ty Handong là tổng thầu xây dựng hoạt động hơn 10 năm tại Việt Nam, bản thân tôi đã sống và làm việc tại Việt Nam hơn 12 năm qua. Tôi thật sự yêu đất nước và con người Việt Nam. Do đó, ngoài việc kinh doanh, chúng tôi luôn mong muốn đóng góp, hỗ trợ thật nhiều cho cộng đồng, cho xã hội…”.

Mỗi em sẽ được nhận 15 triệu đồng/học kỳ để trang trải chi phí sinh hoạt, học tập từ nay cho đến khi hoàn thành chương trình học THPT (ước tính mỗi em khoảng 75 triệu đồng). Dịp này, Công ty Handong cũng trao tặng mỗi gia đình 1 phần quà tết để các em về nhà dâng lên bàn thờ, thắp nhang cho người thân đã mất trong dịp đầu năm mới.

Cũng tại buổi lễ, ông Park Jinho và nhà báo Lâm Hiếu Dũng - Chủ tịch Công đoàn Báo Thanh Niên đã ký kết biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác giữa Công đoàn Báo Thanh Niên và Công ty CP kỹ thuật và xây dựng Handong trong các năm tiếp theo. Theo đó, Công ty Handong cam kết hỗ trợ trong giai đoạn 2021 - 2023 tổng kinh phí 300 triệu đồng để thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa công trình nhà ở, điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà chức năng phục vụ trẻ mồ côi trong chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên và 600 triệu đồng cho chương trình hợp tác xây dựng cầu nông thôn cùng với Công đoàn Báo Thanh Niên.

Thanh Đông - Bùi Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.